Cùng với sự hỗ trợ từ quê nhà Quảng Bình, những người Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh đã giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để không ai bị đứt bữa trong đại dịch Covid-19. Với họ, trong cơn hoạn nạn, "nghe tiếng quê miềng cũng đủ ấm vui lúc này".
Vui như nghe tiếng quê… miềng
Đầu trùm kín, mặt khẩu trang nhưng chất giọng rổn rảng của người mạn ngã ba sông Kiến Giang, Nhật Lệ và Long Đại, vùng rốn lũ Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh không thể giấu được, chị bắt chuyện: “Em là Thảo, ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12”. “Chị vô Sài Gòn lâu chưa?”, tôi hỏi? “Mười mấy gần 20 năm rồi”, chị nói gọn.
Chị thổ lộ, nhiều năm nay làm nghề chạy xe ôm để nuôi hai đứa con tuổi ăn tuổi học. Hồi đầu năm ngoái, chị mở quán gỏi vịt, đúng thời điểm dịch bùng phát nên cơ hội khởi nghiệp bất thành. Dịch bệnh lại kéo dài chưa biết khi nào mới mở quán trở lại, may thay chủ phòng trọ giảm cho chút tiền nhà để mẹ con chị có chỗ vào ra thời dịch giã. “Trong cơn hoạn nạn nghe tiếng quê miềng cũng đủ ấm vui lúc này”, chị bùi ngùi.
Chị Nguyễn Thị Hiền, ngụ phường 6, quận Gò Vấp kể, nhà chị có năm khẩu gồm mẹ già, hai con và chồng bị bệnh. Mấy tuần rồi chật vật xoay xở đủ bề đề lo cho gia đình ổn định ăn uống nhưng vật giá mọi thứ đều tăng chóng mặt nên dịch bệnh kéo dài thêm sẽ không biết làm gì gồng gánh gia đình. “Em làm việc tại Bình Dương, do yêu cầu chống dịch, việc đi lại khó khăn nên em xin nghỉ để lo cho gia đình”, chị Hiền trần tình.
Còn chị Phùng Thị Lan, ngụ mạn Gò Vấp, làm tự do, công việc giúp việc nhà theo giờ cũng ngưng lại do dịch giã bùng phát nên chị chưa biết tìm hướng để có thêm nguồn thu nhập, cầm cự qua dịch.
Bác Lê Văn Thơ năm nay đã 73 tuổi bùi ngùi khi nhận 10 kg gạo và hai bịch cá khô. Bác Thơ kể đã xa quê từ năm 1972, nhiều năm nay, bác dành nhiều thời gian để làm thiện nguyện ở nhiều vùng miền. Gia cảnh không thiếu thốn, nhưng giai đoạn khó khăn này nhận được quà từ quê hương thấy ấm tình, như quê nhà luôn ở bên. “Lúc dịch giã đi lại khó khăn mới thấy tấm lòng quê hương chan chứa bao ân tình đậm sâu, vẫn nghĩ đến người cao tuổi như chúng tôi”, bác Thơ xúc động.
Hàng phải đến tay bà con nhanh
Ấy là hội ý nhanh và phương châm của Ban Chấp hành Hội đồng hương huyện Quảng Ninh, thống nhất phương án triển khai sau khi ông Nguyễn Văn Dưỡng, Phó Chủ tịch Ban chấp hành (BCH) Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch BCH Hội đồng hương huyện Quảng Ninh tại TP.HCM thông tin báo lãnh đạo huyện nhà hỗ trợ bà con đồng hương gạo đặc sản và cá khô, giúp bà con vượt qua giai đoạn thành phố giãn cách để không ai bị đứt bữa.
Từ đó, các đầu mối nhanh chóng rà soát con em quê hương, lên danh sách theo từng xã để thông báo đến bà con. Sau 24 tiếng, mỗi suất hàng gồm 10 kg gạo và 2 bịch cá khô đã đến tay bà con ở nhiều quận huyện, khu phong tỏa. Cá biệt, có nhiều bà con là công nhân, thợ cắt tóc, người làm nghề tự do đã rưng rưng khi các thành viên đến khu phong tỏa, phòng trọ trao quà quê hương
Trước sự chung tay khẩn trương của các thành viên ban chấp hành, ông Dưỡng động viên, trong điều kiện khó khăn này huyện hội làm cầu nối để tiếp nhận và phân phối nguồn hỗ trợ từ hậu phương đến bà con đồng hương, mong mọi người cùng hiệp đồng để bà con không ai bị bỏ lại phía sau.
"Tấm lòng từ quê hương không cần ít nhiều nhưng luôn đong đầy sự thương yêu, ấm áp tình người. Chúng tôi luôn thấy quê hương bên mình trong những lúc cần chia sẻ động viên. Ban chấp hành sẽ phân phối kịp thời, công bằng, đúng đối tượng cho bà con đồng hương", ông Dưỡng nhắn nhủ.
Cũng trong giai đoạn này, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Ninh, Quảng Bình cũng kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân trong huyện cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ bà con TP.HCM vượt qua giai đoạn khó khăn.
Lập Ban Tương tế để không ai bị đứt bữa
Phương án “thần tốc, táo bạo” được Hội đồng hương huyện Lệ Thủy tại TP.HCM quyết nhanh 36 giờ trước giờ trước khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Để không ai bị đứt bữa, trong hai ngày 7 và 8-7, các thành viên Ban Tương tế thuộc BCH Hội đồng hương huyện Lệ Thủy đã tỏa ra các quận, huyện để kịp tiếp phẩm và hỗ trợ tiền cho bà con đồng hương.
Ông Trần Thường, Trưởng ban Tương tế tóm lược, công tác hỗ trợ khẩn tập trung cho bà con đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM bị mất việc, những người mới vào thành phố lập nghiệp, khó khăn mưu sinh, gia đình không kịp tiếp tế. Mỗi phần quà gồm tiền và nhu yếu phẩm (gạo, nước mắm, dầu ăn, nước tương) trị giá 1 triệu đồng.
Theo chân ông Thường, chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Vui, hiện đang sống trong phòng trọ ngay ráp gianh giữa TP.HCM và Bình Dương. Chị thổ lộ, 15 năm bám trụ TP.HCM để nuôi đứa con học hết cấp 3, tài sản có giá trị nhất là chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại.
Hồi tháng 6, công ty có người tiếp xúc F0 nên công ty cho nghỉ việc tháng nay, chưa biết khi nào quay lại chuyền may. Chị nhẩm tính, thu nhập tất thảy hơn 7 triệu/tháng vừa đủ trả tiền trọ, điện, nước và sinh hoạt. “Những lúc khó khăn như thế này nghe tiếng đồng hương như lời an ủi, có thêm tấm lòng, sự sẻ chia từ bà con đồng hương càng thêm trân quý biết bao”, chị tủi mừng.
Quán xá TP.HCM đông đúc là vậy, thời dịch giã, cổng kín, then cài, ông Thường tạt vào tiệm bán đồ ăn nhanh mua vội bánh mì vừa ôm vô lăng, vừa gặm bánh mì kịp đua thời gian trước giờ thành phố hạn chế đi lại để chống dịch. Hướng về quận 9, giờ thuộc thành phố Thủ Đức, tạt vào thăm mẹ chị Ngô Thị Thuý, nhiều năm nay ngược về mạn Long An giúp việc quán ăn cho đứa em gái, cũng bị mất việc hơn 1 tháng nay. Chị Thúy lo lắng: “Mẹ con tôi cầm cự qua ngày nhờ sự giúp đỡ của người thân, chờ hết dịch quán mở cửa trở lại để kiếm kế sinh nhai”.
Không dừng ở đó, Ban Tương tế còn có nhiều chương trình hỗ trợ bà con đồng hương giai đoạn tới theo nhiều cách khác nhau như các xã gửi hàng vào tiếp tế cho con em và người dân TP.HCM tại các điểm phong tỏa, cách ly.
“Ngoài nguồn lực tại chỗ trong cộng đồng người Lệ Thủy tại TP.HCM, chúng tôi còn đón nhận các nguồn lực từ quê nhà cùng chung tay để không gia đình, cá nhân nào trong hội đồng hương bị đứt bữa trong giai đoạn dịch bệnh. Chúng tôi cũng kêu gọi bà con nào phát hiện bà con đồng hương mình gặp khó khăn, thiếu nguồn lượng thực thì liên hệ Ban Tương tế để có sự hỗ trợ kịp thời”, ông Thường chia sẻ.
Về hoạt động chung của huyện hội hướng đến bà con trong giai đoạn khó khăn này, Chủ tịch BCH Hội đồng hương Lệ Thủy tại TP.HCM, nhà báo Trần Yên cho hay, qua đại dịch mới thấy nghĩa tình bà con quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật sâu đậm. Ngày đầu kêu gọi quyên góp, trợ giúp bà con người Lệ Thủy tại TP.HCM đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19, Ban Tương tế đã nhận được nhiều nguồn lực ủng hộ của bà con đồng hương, doanh nhân trong cả nước.
Cùng đó, huyện nhà cũng trích ngân sách 50 triệu đồng gửi vào hỗ trợ bà con, chia sẻ khó khăn với TP.HCM. Riêng cá nhân các lãnh đạo huyện động viên, hỏi thăm và hỗ trợ bằng kinh phí gia đình giúp đỡ bà con đồng hương.
1,5 tỉ đồng hỗ trợ bà con đồng hương Để đồng hành, động viên bà con, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã gửi thư thăm hỏi, chia sẻ với bà con nhân dân tỉnh nhà đang sinh sống tại TP.HCM. Đồng thời, hỗ trợ 500 triệu đồng (mỗi hộ 1 triệu đồng) cho các hộ gia đình bị mất việc làm, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19. Số tiền hỗ trợ sẽ được thông qua BCH Hội đồng hương Quảng Bình tại TP.HCM trao tận tay bà con, giúp các hộ gia đình tạm thời vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, vững tin trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, BCH Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại TP.HCM cho biết, có hai doanh nhân tại Quảng Bình, hỗ trợ bà con đồng hương tại TP.HCM gặp khó khăn do dịch Covid-19. Mỗi vị doanh nhân ủng hộ 500 triệu đồng.
(Nguồn: Báo Quảng Bình)