“Đốt” đủ 5 tỉ đồng đề án khoa học về bò, vị PGS.TS "thanh thản" nói ông không còn liên quan gì nữa, bỏ mặc đàn bò gầy trơ xương, đi không nổi.
Năm 2009, Bình Thuận xuất hiện một con bò lạ, nặng cả tấn, hung hãn đến mức liên tục tấn công, và giành quyền giao phối với bò cái nhà.
Ngay lập tức, một đề tài nghiên cứu giám định di chuyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò lai F1 được nghĩ ra. Mục tiêu là: triển vọng phát triển một nguồn gen quý.
Ngay sau đó, một nhà khoa học- quan chức xuất hiện. Ông là PGS.TS Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng. Và đề tài cấp nhà nước trị giá 5 tỉ đồng được “đẻ” ra mang tên "Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm...".
Kết quả công trình khoa học 5 tỉ thế nào?
5 con bò cái diện nghiên cứu “chưa thể sinh sản”. Chỉ một cá thể đực F1 khi thả rong tình cờ giao phối với một bò cái nhà, sinh ra một bò cái con.
Và giờ, đàn bò Dự án 11 con đang tồn tại trong tình trạng gầy trơ xương, đi không nổi và có nguy cơ chết đói.
VNE dẫn lời ông Tích - người được giao chăm sóc đàn bò - cho biết hơn năm nay, đàn bò chỉ được ăn cầm hơi bằng rơm khô. Mỗi con 1 cuộn/ngày. Và giờ phải bớt xuống 7 cuộn/11 con, trong cách ăn mà ông Tích gọi là “ăn nhín lại”.
Nguyên do, ông Tích liên tục gọi điện thúc giục tiền công, tiền rơm, nhưng người ta cứ hẹn “vài hôm nữa” rồi 3 tháng chả thấy đâu trong khi chính ông Tích cũng đang quá túng thiếu.
Phải dài dòng câu chuyện bò là để chúng ta rõ ngọn ngành một dự án khoa học cấp nhà nước, tiêu tốn 5 tỉ tiền thuế dân, và sự vô cảm trước những con bò bị bỏ đói, bị bỏ mặc.
PGS.TS Lê Xuân Thám, chủ nhiệm Dự án hôm qua xuất hiện trên báo nói thế này: Chưa thể nói gì về kết quả nghiên cứu còn nhiều vấn đề phức tạp, cần chờ thêm các dự án tiếp theo.
Ông Thám, tỉnh queo, đại ý: đề tài do ông chủ nhiệm đã kết thúc cả năm rồi, và nay, ông không còn liên quan gì trong việc quản lý, chăm sóc nữa.
Bạn đọc có thể để lại comment ngay dưới bài viết trước phát ngôn của một người tiêu 5 tỉ dưới danh nghĩa một đề tài khoa học. Cả về cái gọi là hiệu quả nữa.
Chỉ có một điều chắc chắn, dự án nghiên cứu nguồn gen mà bò không thể sinh sản; Một dự án khoa học dựa vào một cá thể sinh sản tình cờ; Và trên hết, một công trình nghiên cứu mà thiếu đi cái tối thiểu là sự trắc ẩn, và lương tâm dù là với những con bò, thiếu đi trách nhiệm với những đồng tiền thuế của dân thì làm sao gọi là thành công cho được.
Chỉ có một điều chắc chắn những con bò ấy cần được cứu. Nhưng không phải bằng “những đề án tiếp theo”, không phải bằng cách mang bò ra để tiêu tốn những tỉ đồng, tỉ đồng của dân nữa.
(Nguồn: Báo Lao Động)