Theo số liệu thống kê, Quảng Trị hiện có tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 26,2% và tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 14,1%. Với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, trong những năm qua, ngành Y tế đã triển khai đồng loạt các giải pháp, trong đó có can thiệp dinh dưỡng sớm trong 1.000 ngày đầu đời và đặc biệt là việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, bệnh tật và tử vong ở trẻ em.
Là một cán bộ công chức, được Nhà nước cho nghỉ thai sản 6 tháng và được sự hỗ trợ tích cực của các thành viên trong gia đình nên chị Nguyễn Thu Hà (28 tuổi) ở Gio Linh hoàn toàn nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Chị Hà cho biết: “Sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng tôi không khỏi lo lắng. Chúng tôi đã tìm hiểu nhiều sách báo về cách chăm sóc trẻ sơ sinh, chế độ dinh dưỡng dành cho con... Lúc mang thai, tôi được các cán bộ y tế tư vấn về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Khi vừa sinh con, theo sự tư vấn của các bác sĩ, tôi cho con bú ngay trong 1 giờ sau sinh để bé được thụ hưởng nguồn sữa non quý giá. Trong thời gian nghỉ thai sản tôi được gia đình hai bên động viên, hỗ trợ nên có đủ sức khỏe để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn.”
Không như chị Hà, nhiều bà mẹ cho rằng nuôi con bằng sữa mẹ là bản năng ai cũng biết nên không cần phải tìm hiểu. Nhưng thực tế nhiều bà mẹ mắc lỗi và thiếu kiến thức trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đặc biệt là để trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng là điều vô cùng khó khăn cho nhiều bà mẹ như trường hợp của chị Võ Xuân Quỳnh (30 tuổi) ở TP. Đông Hà. Chị Quỳnh tâm sự: “Mặc dù được biết đến lợi ích của sữa mẹ nhưng vì bận rộn công việc kinh doanh của gia đình và sợ sữa của mình không cung cấp đủ dinh dưỡng cho con nên tôi chỉ cho con bú mẹ 2 lần vào buổi trưa và tối kết hợp cho con uống thêm sữa công thức. Dần dần con lơ sữa mẹ, được 10 tháng tuổi con đã không còn bú mẹ nữa. Không biết có phải vì thế mà con tôi hay ốm vặt không?”.
Thực tế đã chứng minh, nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước trong, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc. Trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng sẽ lớn nhanh hơn và ít có nguy cơ bị thừa cân hoặc suy dinh dưỡng, còi xương hơn vì sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ. Trong sữa mẹ có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thu và phát triển của cơ thể trẻ. Đồng thời, sữa mẹ có nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm trùng, phòng suy dinh dưỡng.
Nói về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Hằng- Khoa Dinh dưỡng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đặc biệt lưu ý đến nguồn sữa non mà trẻ được bú sớm sau sinh. Theo bác sĩ Hằng, nguồn sữa non mà trẻ bú từ mẹ được ví như một liều vắc xin đầu đời của trẻ bởi sữa non chứa nhiều bạch cầu giúp trẻ phòng tránh một số bệnhđường ruột, hô hấp. Sữa non còn chứa nhiều vitamin A phòng tránh khô mắt và tăng sức đề kháng cho trẻ. Ngoài ra, sữa non còn có tác dụng giúp tống phân su, hạn chế hiện tượng vàng da ở trẻ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, thời gian qua, ngành Y tế đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ như: Tổ chức các hoạt động tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ cho các phụ nữ mang thai, bà mẹ, gia đình về lợi ích của việc cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 24 tháng, cách cho con bú đúng, cách duy trì nguồn sữa, cách vắt sữa và bảo quản sữa mẹ; truyền thông cho người sử dụng lao động (các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các công ty…) về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ để hỗ trợ thiết thực cho các bà mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh; cách duy trì nguồn sữa khi bà mẹ trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản. Qua thống kê cho thấy, năm 2019 tỉ lệ trẻ sơ sinh được bú mẹ sớm trong giờ đầu ở tỉnh ta đạt 91,94% (tăng 1,08% so với năm 2018), trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉ lệ này là 91,6%. Đây là một kết quả đáng khích lệ.
Cải thiện các hoạt động nuôi con bằng sữa mẹ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, mang lại nhiều lợi ích cho gia đình và xã hội. Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Lê Thị Quyên, Khoa Sức khỏe Sinh sản-Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay: Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên không những tốt cho sự phát triển của trẻ mà còn bảo vệ sức khỏe của bà mẹ, giúp mẹ giảm nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư cổ tử cung... Bên cạnh đó, còn giúp cho việc gắn bó tình cảm mẹ con.
Tuy nhiên, để thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ, các bà mẹ rất cần sự giúp đỡ của các ông bố và các thành viên khác trong gia đình. Những thành viên khác trong gia đình cũng cần hiểu về vai trò và tầm quan trọng của sữa mẹ. Khi có kiến thức, các thành viên sẽ động viên, khuyến khích, ủng hộ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, cũng như việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu góp phần giảm nhanh và bền vững tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. Ngoài ra cũng cần có sự quan tâm của chính quyền, ban ngành đoàn thể, công đoàn nhằm động viên lao động nữ duy trì việc nuôi con hoàn toàn và liên tục bằng sữa mẹ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)