Thời gian gần đây, tình hình tội phạm về ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng đồng thời tính chất, mức độ vi phạm cũng ngày càng khó kiểm soát hơn. Đáng lo ngại nữa là nguy cơ ma túy xâm nhập học đường đang hiện hữu khi đối tượng sử dụng chất ma túy ngày càng “trẻ hóa”.
Mới đây, Công an thành phố Đông Hà đã triệt phá một tụ điểm sử dụng ma túy ở quán karaoke Duyên Hải, Phường 2, thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Qua test nhanh, cơ quan chức năng xác định có 30/52 trường hợp dương tính với các chất ma túy. Đa số các đối tượng trên đều ở độ tuổi 18 đến dưới 30. Trong đó, đáng lưu tâm nhất trong đội hình “bay, lắc” này có 2 trường hợp là học sinh của một trường THCS ở thị xã Quảng Trị mới sinh năm 2005, 2006.
Qua đấu tranh nghiệp vụ của công an, hai học sinh này là đối tượng cầm đầu, trực tiếp chi tiền cho cuộc “ăn chơi” lên đến số tiền hơn chục triệu đồng trên. Câu hỏi đặt ra là với lứa tuổi 14,15, đang còn ngồi trên ghế nhà trường thì các đối tượng trên lấy đâu ra khoản tiền lớn đến vậy? Một chi tiết khác là các đối tượng này bị công an bắt vào lúc 0h 55 phút, ở vào thời điểm đã quá nửa đêm như vậy nhưng những học sinh cấp 2 như hai đối tượng trên vẫn ra được khỏi nhà, liệu bố mẹ các em có hay biết? Phải chăng đang có lỗ hổng lớn về mặt quản lý của gia đình, nhà trường, xã hội khiến ma túy ngày càng dễ xâm nhập vào đối tượng thanh thiếu niên.
Thành phố Đông Hà được xem là một trong những địa bàn trung tâm tập trung các loại tội phạm, trong đó có tội phạm liên quan đến ma túy. Vì thế, sản phẩm có chất ma túy ở đây cũng rất đa dạng; đối tượng, phương thức hoạt động cũng liên tục thay đổi để đối phó với cơ quan chức năng và tạo trào lưu, cảm giác mới, đánh đúng vào tâm lý tò mò, thích mới lạ của giới trẻ. Đặc biệt, những loại ma túy tác động trực tiếp đến hệ thần kinh của người sử dụng đang trở nên phổ biến. Qua theo dõi của lực lượng công an, tình trạng sử dụng ma túy ở thành phố Đông Hà chia làm 2 nhóm đối tượng chính. Đó là, nhóm sử dụng hồng phiến (ma túy tổng hợp) đối tượng chủ yếu dùng để thức đêm cho các đối tượng chơi game, đánh bạc trên mạng, hack tài khoản facebook và nhóm thứ 2 là những sản phẩm ma túy như ketamine (một dạng khác của ma túy tổng hợp), ma túy đá, thuốc lắc… để tạo cảm giác hưng phấn cho các đối tượng tụ tập bay, nhảy tại các quán karaoke, bar, khách sạn… Độ tuổi sử dụng ma túy chủ yếu hiện nay là thế hệ 9X, 10X. Ngoài giới trẻ trên địa bàn thành phố còn có rất nhiều đối tượng là thanh thiếu niên đến từ các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và một số đối tượng ngoại tỉnh tạm trú trên địa bàn.
Hiện toàn tỉnh có 105/125 xã, phường, thị trấn có người nghiện và sử dụng mà túy với số liệu theo dõi của cơ quan công an là 1.804 người. Tuy nhiên, thực tế con số này ngoài xã hội lớn hơn nhiều bởi tính chất phức tạp của nhóm đối tượng này khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát. Một trong những nguyên nhân khiến ma túy dễ dàng xâm nhập vào giới trẻ là do đối tượng thanh thiếu niên nhận thức chưa đầy đủ về tác hại của ma túy dẫn đến tò mò dùng thử vì bạn bè rủ rê, lôi kéo sử dụng hoặc bị lừa mà không biết. Trong khi đó, ma túy tổng hợp hiện nay đã biến tướng, giả dạng và trá hình dưới rất nhiều hình thức khác nhau, khó nhận biết với những tên gọi hấp dẫn lứa tuổi học sinh như: nước vui, nấm ma thuật, trà sữa, tem giấy, bóng cười… Theo kết quả điều tra xã hội học của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD), trong số 1.100 học sinh ở một số trường phổ thông trong nước được khảo sát thì chỉ có 4,5% số học sinh hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy, trong khi có tới 42,2 % tự đánh giá mình không hiểu về nội dung này; có tới 44% học sinh không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% chưa biết đến kỹ năng cần thiết phòng tránh ma túy. Có thể nói, phần lớn kiến thức mà học sinh cũng như rất nhiều người dân hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng chứ chưa hiểu rõ để có thể nhận diện đó là loại ma túy nào và tác hại ra sao, gây hậu quả thế nào với người sử dụng. Ngoài ra, khả năng nhận diện và xử lý của phụ huynh khi nghi ngờ con em mình có dấu hiệu sử dụng ma túy cũng còn nhiều mặt hạn chế. Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều chương trình phối hợp truyền thông về phòng chống ma túy tại các trường học và địa bàn dân cư, tuy nhiên số lượng người nghiện và sử dụng ma túy vẫn gia tăng từng ngày. Đây là thách thức không nhỏ trong công tác truyền thông phòng chống ma túy. Điều này đòi hỏi ngành chức năng cần rà soát, nghiên cứu đổi mới phương thức truyền thông một cách sâu rộng, khoa học và hấp dẫn để trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy cho các tầng lớp nhân dân nói chung và học sinh nói riêng.
Đặc biệt, với học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường cần có khảo sát tìm hiểu về tâm lý lứa tuổi và lựa chọn, phân loại nội dung tuyên truyền phù hợp dành cho từng cấp học cụ thể từ bậc tiểu học, THCS, THPT đến cao đẳng, đại học. Những buổi truyền thông cần phải hấp dẫn, lôi cuốn học sinh, đó là ngoài tuyên truyền những nội dung văn bản pháp luật liên quan đến phòng chống ma túy cần có những tình huống về dấu hiệu nhận biết, kỹ năng phòng, chống ma túy, những đặc điểm tâm lý người sử dụng ma túy, nhận biết người sử dụng ma túy, kỹ năng xử lý những tình huống khi nghi ngờ, phát hiện người có dấu hiệu sử dụng ma túy. Để những buổi truyền thông trở nên sinh động, hấp dẫn cần cân nhắc đưa vào một số hoạt động giao lưu trực tiếp với những người đã từng sử dụng ma túy và cai nghiện thành công. Những chia sẻ về cuộc đời, những mất mát và tác hại mà ma túy gây ra cho bản thân và cuộc sống mà họ từng trải qua sẽ giúp học sinh có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về ma túy cũng như tác hại của nó.
Có thể nói, trước thực trạng ngày càng “trẻ hóa” đối tượng nghiện và sử dụng ma túy như hiện nay, ngoài trách nhiệm của xã hội đòi hỏi gia đình, nhà trường cần theo dõi, quản lý sát sao con em, học sinh hơn nữa để kịp thời giáo dục, chấn chỉnh những biểu hiện xấu trong lối sống, tránh sa ngã vào cái “chết trắng”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)