Những bất cập trong dạy và học trực tuyến ở Đông Hà

Tú Linh |

Khởi đầu năm học mới, hơn 22 nghìn học sinh các cấp học từ tiểu học đến THPT của TP. Đông Hà (Quảng Trị) phải học với hình thức trực tuyến trong tình hình thành phố đang thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù trước đó giáo viên, học sinh đã làm quen với việc dạy học trực tuyến nhưng trong những ngày đầu của năm học 2021- 2022, hình thức dạy học này nảy sinh một số bất cập cần được khắc phục để nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh.

Đường truyền không ổn định

Để đáp ứng yêu cầu cho con học trực tuyến, nhiều gia đình đã trang bị phương tiện, thiết bị truy cập internet như máy tính bảng, laptop, máy tính bàn và đăng ký gói cước sử dụng phù hợp. Thậm chí, có gia đình có cùng lúc 3 con đang theo học cũng cố gắng trang bị đủ để các con học tập thuận lợi nhất. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh trong buổi học đầu tiên hệ thống đường truyền không được ổn định. Học sinh gặp nhiều khó khăn trong khi đăng nhập. Nhiều lớp học đã phải tạm dừng.

Chị Hoài Thanh, một phụ huynh có con trai năm nay lên lớp 6, chia sẻ: Một tuần trước ngày khai giảng, cô giáo chủ nhiệm và phụ huynh liên tục trao đổi qua nhóm của lớp trên Zalo để hướng dẫn phụ huynh cách sử dụng phần mềm học và thi trực tuyến do nhà trường cung cấp. Nhà trường cũng tạo cho mỗi học sinh một tài khoản học trực tuyến riêng để vào các phòng học. Tuy nhiên, những ngày đầu cả phụ huynh, học sinh và giáo viên đều rất vất vả. Lịch học buổi sáng từ 8 - 11 giờ cho ba môn học nhưng hôm đầu tiên lớp học con tôi chỉ có một số học sinh tham gia được tiết sinh hoạt đầu giờ. Buổi gặp của cô giáo chủ nhiệm với các học sinh cũng liên tục bị gián đoạn vì đường truyền yếu, nghẽn mạng nên học sinh và cô giáo bị “out” suốt. Sau đó, cô giáo chủ nhiệm phải đề xuất nhà trường hoãn các môn học còn lại để bộ phận kỹ thuật sửa chữa. Lo lắng vì sự cố ngày học đầu tiên, buổi tối cô giáo liên tục nhắc nhở phụ huynh cho con em vào trang học trực tuyến của trường để kiểm tra đường truyền và làm quen các thao tác vào học. Ngày học thứ 2, khắc phục được sự cố về đường truyền thì lại chuyện học sinh vào nhầm phòng học, tìm không ra phòng học, có bạn trục trặc về âm thanh, hình ảnh... Nhiều phụ huynh đi làm giờ hành chính không thể ở nhà hỗ trợ cho con được nên cứ vào nhóm của lớp nhắn tin hỏi và nhờ cô giáo hỗ trợ… Năm nay, con tôi bước vào học lớp 6 nên còn nhiều bỡ ngỡ trong việc tiếp cận kiến thức, các môn học, cách học có nhiều sự thay đổi so với bậc giáo dục tiểu học, sách giáo khoa cũng mới hoàn toàn, có nhiều môn tích hợp trong khi việc dạy trực tuyến vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế nên rất lo lắng cho việc tiếp thu kiến thức của con.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thắm, Trường Tiểu học Hàm Nghi, thành phố Đông Hà dạy học trực tuyến - Ảnh: T.​L
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thắm, Trường Tiểu học Hàm Nghi, thành phố Đông Hà dạy học trực tuyến - Ảnh: T.​L

Còn chị Nguyễn Thị Quỳnh Như thì cho biết: Con gái tôi năm nay lên lớp 7, việc học online cũng không quá xa lạ đối với con. Trong buổi học đầu tiên, con không ngủ nướng như mọi ngày mà dậy từ sớm, quần áo chỉnh tề, ngồi vào bàn chờ đến giờ học. Nhưng tiết học chỉ vừa bắt đầu thì bị thoát ra khỏi ứng dụng và phải rất khó khăn mới vào lại được, rồi lại tiếp tục bị thoát ra. Chắc do nhiều trường cùng triển khai học trực tuyến vào một thời điểm nên dẫn đến bị nghẽn mạng. Tôi hy vọng những buổi học sau sẽ ổn hơn để không làm gián đoạn việc dạy và học.

Cần sự đồng hành của phụ huynh

Có mặt tại một phòng học của học sinh lớp 1 qua ứng dụng zoom, chúng tôi thấu hiểu phần nào những khó khăn mà giáo viên gặp phải trong quá trình dạy trực tuyến cho học sinh ở cấp học này. Lớp học có 36 học sinh. Mặc dù đã được giáo viên thông báo cụ thể về lịch học, mật khẩu và nội quy lớp học nhưng sau khi bắt đầu giảng dạy, nhiều phụ huynh vẫn liên tục nhắn tin nhờ cô duyệt để được vào phòng... Trước đó, giáo viên cũng đã phổ biến trong giờ học không được bật micro nhưng một số phụ huynh vẫn bật, dẫn đến lớp học như một bầy ong vỡ tổ. Cô giáo giảng bài mà phải liên tục nhắc nhở học sinh im lặng. Nhiều gia đình nhờ ông, bà ngồi học cùng cháu trong khi ông bà không biết cách sử dụng các ứng dụng trên máy tính, dẫn đến việc học bị gián đoạn. Chưa kể, khi giờ học trôi qua khoảng 40 phút thì máy bị thoát ra, phải đăng nhập để vào lại. Lý giải về điều này, một phụ huynh cho biết: Ứng dụng qua zoom nếu muốn không bị đăng nhập lại trong quá trình sử dụng thì người dùng phải mua tài khoản. Trong trường hợp sử dụng miễn phí thì tối đa cho một lần sử dụng chỉ được 40 phút. Vì vậy, ngay sau buổi học đầu tiên, giáo viên đề nghị phụ huynh chuyển sang ứng dụng google meet để học. Cũng sau buổi học đầu tiên này, một số phụ huynh đề xuất nên có sự trao đổi giữa các phụ huynh về cách sử dụng zoom khi học kèm với các con, bởi chỉ khi ba mẹ có kỹ năng thì mới hỗ trợ tối đa được cho các con.

Hiện trên địa bàn TP. Đông Hà có 9.382 học sinh cấp tiểu học, trong đó có 1.785 học sinh lớp 1, chia làm 49 lớp. Theo quan sát của chúng tôi, trong những buổi đầu học trực tuyến của học sinh trên địa bàn TP. Đông Hà, ngoài việc đường truyền bị chậm, nghẽn, thì còn nhiều phụ huynh chưa nắm rõ cách dùng các phần mềm học trực tuyến nên có tình trạng nôn nóng, bật micro hỏi cô giáo bất kỳ thời gian nào trong tiết học, dẫn đến lớp học chưa được hiệu quả. Việc tổ chức dạy học, kết nối học sinh, giám sát, kiểm tra, uốn nắn các em trong quá trình dạy học và bao quát lớp học của giáo viên luôn gặp khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hoài Thắm, giáo viên dạy lớp 1A, Trường Tiểu học Hàm Nghi cho biết, giáo viên dạy trực tuyến lớp 1 gặp nhiều khó khăn, bất cập hơn trong việc chuẩn bị giáo án so với các lớp khác. Tuy nhiên, xác định được nhiệm vụ của mình là phải bằng mọi giá tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh nên giáo viên cần quyết tâm hơn nữa, tìm tòi, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp để tổ chức dạy trực tuyến hiệu quả. Học trực tuyến có khó khăn hơn học trực tiếp nên học sinh cần duy trì kỷ luật lớp học, ngồi học nghiêm túc; giáo viên phải luôn tạo động lực cho học sinh để các em thấy được việc học là bổ ích, thúc đẩy năng lực tự học; cần hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh về cách sử dụng cả hai ứng dụng zoom và google meet để tiết học diễn ra hiệu quả. Vai trò của phụ huynh trong học trực tuyến đối với lớp 1 hết sức quan trọng. Ngoài việc động viên con em mình nghiêm túc học trực tuyến thì cần phối hợp với giáo viên, hỗ trợ lớp học như tạm tắt thông báo từ các ứng dụng như zalo, facebook... trên điện thoại hoặc máy tính để tránh làm học sinh sao nhãng trong quá trình học.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo. Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương, phụ huynh và học sinh trên địa bàn thành phố cần từng bước khắc phục, chia sẻ khó khăn chung. Sau khi COVID-19 được kiểm soát, học sinh trở lại học trực tiếp, các nhà trường sẽ tổ chức đánh giá chất lượng học sinh ở các cấp học và sẽ bổ sung, ôn tập kiến thức cho các em chưa đạt yêu cầu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nghẽn mạng ngày đầu học trực tuyến, giáo viên, học sinh và phụ huynh đều "chật vật"

Diệu Thuần |

Tình trạng mạng yếu, nghẽn, học sinh không vào được phòng học, đang học bị “out”, khiến cho giáo viên, học sinh vô cùng “chật vật” để hoàn thành được tiết học.

Một trường học tổ chức ăn nhậu sau khi kết thúc khai giảng trực tuyến

Tuấn Long |

Việc nhiều cán bộ, giáo viên, người lao động trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Đắk Lắk) sau khi kết thúc khai giảng trực tuyến ở lại tổ chức ăn nhậu là điều không thể chấp nhận.

Không có điều kiện học trực tuyến, dạy học ở miền núi Quảng Trị như thế nào

Hưng Thơ |

Tỉnh Quảng Trị có 2 huyện miền núi là Hướng Hóa và Đakrông với phần đông là học sinh người đồng bào thiểu số. Nếu tình hình dịch COVID-19 phức tạp, không dạy học trực tiếp được thì việc dạy và học của giáo viên, học sinh sẽ rất khó khăn.

Mở cửa triển lãm trực tuyến 'Con đường Độc lập'

Phương Lan |

Ngày 31/8, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) mở cửa triển lãm "Con đường độc lập" dưới hình thức trực tuyến tại địa chỉ website vnfam.vn và fanpage của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trên facebook (facebook/baotangmythuat/).