Những “chiến sĩ thầm lặng” trong khu cách ly

Thanh Trúc |

Đằng sau những tấm biển đỏ cảnh báo “Khu vực cách ly, không phận sự miễn vào” đặt trước cổng các khu cách ly tập trung ở các địa phương trong tỉnh Quảng Trị, những người làm nhiệm vụ phục vụ tại đây đang ngày đêm tất bật với đủ các công việc có tên lẫn không tên.

Một ngày làm việc của các anh, chị bắt đầu từ rất sớm và không biết trước được giờ kết thúc công việc. Đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID - 19 cao, nhưng không vì thế mà họ bớt đi sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc để mang đến cảm giác yên tâm, thoải mái cho những người đang cách ly tập trung.


Dịch bệnh chưa yên, chưa nghĩ ngày về

Nhận bàn giao số người được chuyển từ khu cách ly tập trung trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo (cũ), các cán bộ, chiến sĩ ở khu cách ly tập trung Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị trong bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang, dụng cụ y tế... tiến hành đo thân nhiệt, hỗ trợ vận chuyển, sắp xếp hành lý, hướng dẫn từng người vào lấy mẫu bệnh phẩm, sau đó đưa đến nơi ở. Công việc của họ diễn ra tất bật, khẩn trương.

Anh Nguyễn Xuân Huyên, dân quân tự vệ phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tham gia phục vụ tại khu cách ly tập trung Phân hiệu Đại học Huế cho biết: “Nhận được thông tin cơ sở sẽ tiếp nhận thêm F1, từ mấy hôm trước, chúng tôi đã vệ sinh nơi ở và chuẩn bị các vật dụng sinh hoạt đầy đủ để người dân yên tâm cách ly. Đến hôm nay thì sẵn sàng tiếp nhận những người được điều chuyển đến đây tiếp tục cách ly tập trung. Số F1 ở khu cách ly tăng lên thì công việc chắc chắn sẽ nhiều hơn nhưng chúng tôi đã xác định sẽ cố gắng hết sức để làm tốt nhiệm vụ”.

Khám sàng lọc chuẩn bị tiếp nhận người vào khu cách ly tập trung - Ảnh: T.T
Khám sàng lọc chuẩn bị tiếp nhận người vào khu cách ly tập trung - Ảnh: T.T

Cũng như những dân quân tự vệ khác được phân công tham gia phục vụ tại khu cách ly Phân hiệu Đại học Huế, hơn hai tháng nay, anh Huyên chưa được về nhà. Nhớ cô con gái nhỏ, anh chỉ có thể ngắm ảnh con do vợ chụp gửi qua điện thoại. Anh cũng hiếm có thời gian rảnh để có thể gọi điện trực tiếp trò chuyện với con bởi công việc tại khu cách ly bận rộn gần như từ sáng sớm đến tối muộn.

Tại khu cách ly tập trung Phân hiệu Đại học Huế hiện có hơn 100 người đang cách ly, trong khi đó đội ngũ phục vụ có 8 dân quân tự vệ, 1 cán bộ phụ trách của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Đông Hà, 2 cán bộ y tế. Trong đó, lực lượng quân đội được phân công phối hợp với lực lượng y tế tiếp nhận người dân, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm cần thiết cho người cách ly. Hằng ngày, các anh đảm nhận phục vụ cơm, nước, thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh các phòng ở, giặt giũ chăn, màn, vận chuyển hàng hóa người nhà tiếp tế cho các F1.

“Chúng tôi luôn nhắc nhau đảm bảo an toàn tối đa, thường xuyên đeo khẩu trang và sát khuẩn để đề phòng dịch bệnh. Ai cũng xác định tư tưởng là dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì việc phục vụ tại khu cách ly càng cần nhiều lực lượng tham gia hỗ trợ. Do đó chúng tôi động viên vợ con ở nhà yên tâm, đến lúc nào dịch bệnh được kiểm soát tốt thì mới về với gia đình”, anh Huyên chia sẻ.

Đằng sau những bữa ăn ngon và giấc ngủ êm…

Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Thị Liễu, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, đóng tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh tranh thủ về nhà ít hôm sau những ngày dài gần như ăn, ngủ, nghỉ tại bệnh viện để chuẩn bị bước vào “trận chiến” mới. Đơn vị của chị Liễu vừa hoàn thành nhiệm vụ thực hiện cách ly tập trung cuối cùng cho 95 người để nhận nhiệm vụ mới là chuẩn bị cơ sở vật chất thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 200 giường, cùng với Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Lực lượng dân quân tự vệ phục vụ cơm cho người dân ở khu cách ly - Ảnh: NVCC
Lực lượng dân quân tự vệ phục vụ cơm cho người dân ở khu cách ly - Ảnh: NVCC

Những ngày qua, đơn vị đã hoàn tất công tác chuẩn bị 110 giường bệnh, sẵn sàng đón các F0 có triệu chứng đến điều trị. Trước mắt sẽ tiếp tục là những ngày vất vả, bận rộn hơn với chị Liễu và đội ngũ cán bộ y, bác sĩ của bệnh viện. 

Đến ngày 31/8, toàn tỉnh có 1.402 người dân cách ly tập trung tại 22 khu cách ly trên địa bàn. Trước diễn biến phức tạp của COVID - 19, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định tăng thời hạn cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày. Đây là một trong những biện pháp mạnh được Quảng Trị áp dụng để nâng cao mức độ phòng chống dịch bệnh.

Hơn một năm phục vụ hơn 600người dân thực hiện cách ly tập trung tại cơ sở là khoảng thời gian bận rộn, vất vả của đội ngũ cán bộ trong đơn vị. “Có một hôm, lúc đó đã 16 giờ chiều, tôi nhận được công điện của UBND tỉnh là sáng mai đón một đoàn đến cách ly tập trung. Sau khi các anh chị em trong đơn vị hoàn thành công việc thường xuyên trong ngày là phục vụ cơm nước cho những người đang ở khu cách ly, đến 22 giờ chúng tôi mới có thời gian để bắt tay dọn dẹp, chuẩn bị phòng ở, giường chiếu, vật dụng sinh hoạt cho lượt người mới. Với 17 cán bộ của đơn vị, chúng tôi làm cật lực từ 22 giờ hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau mới hoàn thành để kịp 8 giờ sáng đón đoàn. Nhớ lại, tôi vẫn thầm cảm ơn sự nhiệt tình, tâm huyết, không nề hà công việc của đội ngũ cán bộ đơn vị. Sáng sớm hôm đó, để động viên anh chị em, tôi trích nóng khoản tiền thưởng của đơn vị vừa được nhận để thưởng 200 ngàn đồng cho mỗi anh chị em”, bác sĩ Liễu chia sẻ.

Niềm động viên lớn lao nhất đối với những người phục vụ tại các khu cách ly là những lá thư cảm ơn, những bài thơ viết vội bày tỏ lòng biết ơn về sự vất vả, hy sinh thầm lặng của nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ quân đội của những người được chăm sóc tại khu cách ly sau khi trở về nhà.

Chị Nguyễn Mỹ H. chia sẻ: “Em là công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh trở về quê, thuộc diện phải cách ly tập trung nên ban đầu em thật sự lo lắng. Nhưng khi được đưa đến cách ly tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, nhìn thấy khu nhà ở sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh, đặc biệt được các cô chú, anh chị tận tình phục vụ từng bữa ăn, kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt hằng ngày, hỏi thăm nhu cầu cần gì để giúp đỡ, thái độ phục vụ nhẹ nhàng ân cần, em cảm thấy không khí ấm áp như ở nhà mình. Em thực sự rất biết ơn”.

Siết chặt công tác quản lý

Thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số F1 trong khu tập trung không thực hiện nghiêm việc tuân thủ 5K, có hiện tượng tụ tập hát hò, ăn uống ngay trong khu cách ly tập trung, vi phạm quy định phòng dịch, người thực hiện thu gom rác thải ở khu cách ly bị lây nhiễm chéo. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID - 19 tỉnh, từ ngày 30/4 - 31/8/2021, toàn tỉnh có 133 ca mắc COVID, trong đó có 123 ca trong khu cách ly.

Nguy cơ lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung đang ở mức cao và dự báo số ca nhiễm vẫn còn tăng. Nguyên nhân là cơ sở vật chất của các địa điểm này chưa đảm bảo, ý thức chấp hành của người dân chưa cao, công tác quản lý tại nhiều cơ sở chưa phát huy vai trò, trách nhiệm.

Là địa bàn có nhiều đặc thù, Hướng Hóa hiện có 3 khu cách ly tập trung là Trường Dân tộc Nội trú huyện, Trạm Đo lường - Thử nghiệm Lao Bảo, đơn vị T51. Tại khu cách ly tập trung T51 hiện có 100 F1 đang thực hiện cách ly, trong đó có 4 người là đồng bào dân tộc thiểu số.

Vệ sinh phòng ở chuẩn bị đón người đến cách ly tập trung - Ảnh: NVCC
Vệ sinh phòng ở chuẩn bị đón người đến cách ly tập trung - Ảnh: NVCC

Thiếu tá Nguyễn Thanh Nghị, Trợ lý chính sách, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hướng Hóa, người trực tiếp phụ trách lực lượng quân đội phục vụ tại khu cách ly T 51 cho biết: “Chúng tôi quán triệt lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát, mỗi sáng, trưa, chiều đều nhắc nhở người dân thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn, không qua lại các phòng nhau. Tại cơ sở có hệ thống camera giám sát, cùng với sự nhắc nhở sát sao của lực lượng chức năng nên người dân đều chấp hành nghiêm các nội quy, quy định”.

Theo Thiếu tá Hoàng Văn Mười, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hướng Hóa, tại mỗi khu cách ly tập trung hiện có 2 cán bộ quân sự, 3 dân quân tự vệ tham gia cùng lực lượng y tế, công an phục vụ. Trong số người dân thực hiện cách ly tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện, có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh rất khó khăn. Ngoài nỗi lo lắng dịch bệnh thì khoản chi phí cho việc ăn ở cách ly tập trung cũng khiến người dân rất tâm tư. Hiểu được nỗi băn khoăn đó, cán bộ phục vụ tại các khu cách ly thường xuyên động viên bà con yên tâm thực hiện tốt việc cách ly đúng quy định, những hộ dân khó khăn được lập danh sách đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí ăn, ở trong thời gian cách ly.

Việc tăng thời hạn cách ly tập trung đồng nghĩa với công việc của những người làm nhiệm vụ phục vụ tại các khu cách ly sẽ nặng nề hơn. Đại úy Nguyễn An Toàn, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Đông Hà cho biết: “Xác định nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung sẽ vất vả hơn với số người tham gia cách ly tập trung đông, một bộ phận người dân có ý thức phòng chống dịch bệnh chưa cao, còn chủ quan, chúng tôi quán triệt lực lượng thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát, quản lý khu cách ly. Tăng cường công tác tuyên truyền các F1 tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung”.

Dù vất vả và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng lực lượng tham gia phục vụ ở các khu cách ly tập trung vẫn tận tâm, nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình, thầm lặng cùng tuyến đầu chống dịch hiệu quả.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sự hy sinh thầm lặng của chiến sỹ biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch

Công Mạo |

Dù rất muốn về quê chịu tang bố nhưng tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiệm vụ phòng, chống dịch không được phép lơ là, Đại úy Diệp Sơn Đông đành nén nỗi đau riêng.

Các chiến sỹ áo trắng đoàn tụ với gia đình... qua facebook, zalo

Đình Thiệu |

Ngày 28/6 là Ngày Gia đình Việt Nam, khi nhiều người đang đoàn tụ, đầm ấm bên nhau, tôn vinh hạnh phúc gia đình, thì còn những y, bác sĩ phải ở trong bệnh viện căng mình chống dịch Covid-19.

​Hy sinh thầm lặng của các “chiến sỹ áo trắng” ở tuyến đầu chống dịch

PV |

Dù bao khó khăn, gian khổ, phải tạm gác nỗi niềm riêng, những “chiến sỹ áo trắng” vẫn lao vào “cuộc chiến” với tâm thế sẵn sàng và một trái tim nhiệt huyết nhất vì người dân và đất nước.

Cấp cứu kịp thời chiến sỹ dân quân bị rắn cắn lúc tuần tra chống dịch COVID-19

Nguyễn Phan |

Ngày 02/5/2021, UBND thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) cho biết, một chiến sỹ dân quân thường trực đã bị rắn lục cắn trong lúc tuần tra phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.