Sự hy sinh thầm lặng của chiến sỹ biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch

Công Mạo |

Dù rất muốn về quê chịu tang bố nhưng tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiệm vụ phòng, chống dịch không được phép lơ là, Đại úy Diệp Sơn Đông đành nén nỗi đau riêng.


Cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho tuyến biên giới dài gần 100km giáp với nước bạn Campuchia, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã và đang dốc toàn lực, siết chặt kiểm soát biên giới với mục tiêu ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào, góp phần vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Lập bàn thờ bố nơi biên cương

Ngày 22/7, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ chốt chặn phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực ấp Quốc Phú, xã Quốc Thái, huyện An Phú (An Giang), Đại úy Diệp Sơn Đông, cán bộ trinh sát tăng cường từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, hiện thuộc biên chế Tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 số 11 Đồn Biên phòng Phú Hữu (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) nhận được tin bố (ở tỉnh Phú Yên) qua đời đột ngột.

Lực lượng biên phòng phòng, chống dịch bệnh trên vùng biên giới. (Ảnh: Văn Khương/TTXVN)
Lực lượng biên phòng phòng, chống dịch bệnh trên vùng biên giới. (Ảnh: Văn Khương/TTXVN)

Dù rất muốn về quê chịu tang bố nhưng tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiệm vụ phòng, chống dịch không được phép lơ là, Đại úy Đông đành nén nỗi đau riêng, ở lại An Giang cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Đại úy Đông chia sẻ nhà anh chỉ có hai anh em trai. Hiện, người em đang làm công nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng không thể về chịu tang bố.

Bản thân là con trưởng trong gia đình nên anh rất muốn được về nhìn bố lần cuối, nhưng vì nhiệm vụ công tác, anh chỉ biết tiễn biệt bố từ xa. Anh mong sớm hết dịch bệnh để được về thắp hương cho bố.

Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Hữu cho biết anh em trong đơn vị rất đau buồn khi biết tin bố của Đại úy Đông đột ngột qua đời.

Tối 22/7, được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Hữu đã tổ chức lập bàn thờ vọng ngay tại chốt phòng, chống dịch COVID-19 số 11 để Đại úy Đông chịu tang bố.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng cấp ủy, Ban Chỉ huy đồn cũng đã trực tiếp gặp gỡ, chia buồn và động viên Đại úy Đông cố gắng vượt qua nỗi đau, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc, nhân dân giao phó.

Bàn thờ vọng được lập vội, đơn sơ nhưng ấm áp tình đồng chí, đồng đội. Hình ảnh ấy không chỉ nói lên sự hy sinh mất mát vô cùng to lớn của những cán bộ, chiến sỹ biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch, mà còn thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tinh thần vì đồng chí, đồng đội của những người lính mang quân hàm xanh nơi tuyến đầu biên giới.

Trong đợt dịch này, ngoài Đại úy Đông còn có 2 cán bộ, chiến sỹ khác có người thân trong gia đình mất nhưng cũng không thể về chịu tang vì ở lại đơn vị làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ với những mất mát quá lớn của cán bộ, chiến sỹ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương cùng các đồn biên phòng đã đến thăm hỏi, động viên, chia buồn để các cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, tiếp tục cùng đơn vị thực hiện tốt "nhiệm vụ kép" vừa quản lý bảo vệ biên giới, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới.

Phát hiện, xử lý hơn 2.000 trường hợp nhập cảnh trái phép

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, từ ngày 10/1/2021 đến nay, lực lượng Biên phòng đã ngăn chặn, xử lý 1.090 vụ, với 2.181 trường hợp về các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép và vi phạm quy chế biên giới; phối hợp với các lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương đưa đi cách ly tập trung 2.572 người; trong đó, 2.146 người nhập cảnh trái phép, 11 người xuất cảnh trái phép, 415 người nhập cảnh hợp pháp bằng hộ chiếu.

Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh độc lập và phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ 12 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 7 kg heroin, hơn 9.000 gram ma túy đá (methamphetamine), hơn 61 kg cần sa; bắt, xử lý 269 vụ với 47 đối tượng buôn lậu, tang vật thu giữ gồm vàng, thuốc lá điếu ngoại, đường cát, rượu, bia, mỹ phẩm… với tổng trị giá hàng hóa hơn 13 tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thành lập 210 tổ, chốt cố định và lưu động làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ trên toàn tuyến biên giới (bao gồm lực lượng công an và dân quân địa phương) để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 cả đường bộ lẫn đường sông.

Theo Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, nhiệm vụ tuy vất vả, nhưng cán bộ, chiến sĩ các lực lượng đã khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp sức cho chiến sỹ biên phòng chống dịch

Ngày 20/7, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến kiểm tra, thăm hỏi, tặng quà động viên cán bộ, chiến sỹ các lực lượng đang trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên tàu tuần tra cao tốc của Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh và tàu Hải quân của Lữ đoàn 962 (Quân khu 9) được tăng cường lên biên giới An Giang, hỗ trợ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương kiểm soát tuyến biên giới đường thủy trên sông Tiền.

Tại các nơi đến, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang đã ân cần thăm hỏi, động viên và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hiểm nguy của cán bộ, chiến sỹ các lực lượng đang trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 nơi tuyến đầu biên giới.

Bí thư Tỉnh ủy cũng tin tưởng rằng với tinh thần nhiệt huyết, năng động và trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, các lực lượng tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ chống dịch sẽ luôn nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần làm nên thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng, cả nước nói chung.

Theo ông Lê Hồng Quang, An Giang có gần 100 km đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia), có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 của khẩu phụ cùng nhiều đường mòn, lối tắt… nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nội địa qua hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, đặc biệt là trong mùa mưa bão, nước lũ lên cao… Do đó, các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Phú Hữu thắp nén hương chia buồn cùng Đại úy Diệp Sơn Đông. (Nguồn: Bienphong.com.vn)
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Phú Hữu thắp nén hương chia buồn cùng Đại úy Diệp Sơn Đông. (Nguồn: Bienphong.com.vn)

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Với phương châm “4 tại chỗ” khẩn trương rà soát, chuẩn bị tốt các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng, chống dịch chi tiết, cụ thể, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Các địa phương trong tỉnh cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Lê Hồng Quang lưu ý, kiểm soát tốt tuyến biên giới của tỉnh An Giang không chỉ giúp cho riêng An Giang mà giúp cho cả đồng bằng sông Cửu Long và cả nước phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Do đó, các lực lượng chức năng tỉnh cần kiên quyết, kiên trì, quyết tâm ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nội địa và các loại tội phạm, đảm bảo an ninh biên giới...

Ủy ban Nhân dân tỉnh và các địa phương, nhất là 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới quan tâm hơn nữa, hỗ trợ tối đa cho bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch trên tuyến biên giới của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang khẳng định sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, cũng như sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của các đơn vị sẽ là nguồn động viên, cổ vũ quan trọng, làm ấm lòng cán bộ, chiến sỹ  trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Thầm lặng nghề gác chắn tàu

Minh Châu – Quốc Nhật |

Đằng sau những chuyến tàu an toàn là sự đóng góp thầm lặng của những nhân viên gác chắn đường ngang. Công việc của họ, bất kể nắng mưa, sáng tối, hay những ngày nghỉ lễ, tết, họ vẫn luôn tỉ mĩ bởi cái nghề luôn đòi hỏi sự cần mẫn và chính xác tuyệt đối. Phóng sự ảnh sau sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu thêm về công việc thầm lặng này.

Người 22 lần thầm lặng hiến giọt máu hồng

Hiếu Giang |

Thầm lặng tham gia hiến máu tình nguyện nhiều năm qua, đến nay anh Thái Xuân Dũng (43 tuổi), công tác tại Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị đã có 22 lần hiến máu. Anh tâm niệm rằng “những giọt máu hồng cho đi để những cuộc đời ở lại” chính là động lực để anh tiếp tục hành động có ý nghĩa nhân văn này.

Thầm lặng nơi tuyến đầu

Quang Hiệp |

Các y bác sĩ Bệnh viện Chuyên khoa lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị đã quen với những Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 không rộn ràng lời chúc, quà cáp. Năm nay, ngày lễ ngành y có lẽ sẽ còn tĩnh lặng hơn khi họ đang mải miết với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh thầm lặng.

Thầm lặng sau những chiến công

T.N |

Mặc dù không phải là lực lượng đấu tranh trực tiếp với các loại tội phạm nhưng trên hành trình “loại trừ cái ác”, quá trình điều tra, khám phá các vụ án, chuyên án đều có những dấu ấn thầm lặng của họ. Với phương châm khách quan, tỉ mỉ, chính xác và nhanh chóng, công việc của lực lượng đặc biệt này đã trở thành “chìa khóa” giúp các đơn vị điều tra mở ra “cánh cửa sự thật”. Họ chính là lực lượng Kỹ thuật hình sự.