Thầm lặng nơi tuyến đầu

Quang Hiệp |

Các y bác sĩ Bệnh viện Chuyên khoa lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị đã quen với những Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 không rộn ràng lời chúc, quà cáp. Năm nay, ngày lễ ngành y có lẽ sẽ còn tĩnh lặng hơn khi họ đang mải miết với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh thầm lặng.

Blouse trắng ở tuyến đầu

Suốt mấy hôm nay, các y bác sĩ Bệnh viện Chuyên khoa lao và Bệnh phổi tỉnh hạn chế nhắc đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 như tránh chạm vào nỗi niềm sâu kín. Trước kia, cứ đến ngày này, dẫu biết công việc đang làm không cho mình nhiều “đãi ngộ” vào dịp lễ, tết nhưng ai cũng phấn khởi chờ đón. Năm nay, khi khu cách ly y tế trong bệnh viện đang còn người cần được chăm sóc, theo dõi và COVID-19 vẫn rình rập ngoài kia, các y bác sĩ xác định, khó có một ngày lễ ngành trọn vẹn.

Bác sĩ Trương Huyền Trường căn dặn bệnh nhân vừa được điều trị khỏi COVID-19 trước lúc trở về nhà - Ảnh: Q.H​
Bác sĩ Trương Huyền Trường căn dặn bệnh nhân vừa được điều trị khỏi COVID-19 trước lúc trở về nhà - Ảnh: Q.H​

33 năm “tiếp sức” cho bệnh nhân lao và bệnh phổi, mái tóc bác sĩ Trương Huyền Trường, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa lao và Bệnh phổi tỉnh giờ đã bạc trắng. Lúc mới chọn nghề, nhiều người lấy làm lạ về quyết định của bác sĩ Trường. Lao, bệnh phổi là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, từng cướp đi sinh mạng nhiều người. Ở Quảng Trị, bệnh nhân lao và bệnh phổi phần lớn là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế… Riêng việc vận động họ thực hiện chỉ dẫn của bác sĩ đã không dễ. Làm việc trong môi trường ấy, không chỉ y bác sĩ ở bệnh viện mà cả người thân của họ cũng dễ bị kỳ thị. “Tôi nghĩ, nếu mọi người đều quay lưng thì bệnh nhân lao, bệnh phổi trông chờ vào ai? Đó cũng là suy nghĩ chung của cán bộ, y bác sĩ trong bệnh viện thôi thúc chúng tôi thầm lặng cống hiến”, bác sĩ Trường chia sẻ.

Gắn bó với nghề, bác sĩ Trương Huyền Trường không ngờ có một thử thách còn lớn hơn lao và bệnh phổi đặt ra cho mình cùng đồng nghiệp, đó chính là COVID-19. Cách đây tầm 1 năm, khi thông tin về COVID-19 tràn ngập trên báo chí, bác sĩ Trường và các thầy thuốc công tác tại bệnh viện đã xác định sẽ không có ngày Ngày Thầy thuốc Việt Nam thường niên. Họ dồn hết tâm lực, trí lực để tìm hiểu cách phòng, chống COVID-19; xây dựng kịch bản ứng phó; thành lập đội ứng cứu, sàng lọc, điều trị… Trước 27/2 vỏn vẹn 1 ngày, các y bác sĩ đầu tiên của bệnh viện đã bước vào khu cách ly y tế để theo dõi, chăm sóc cho những trường hợp F1. Bác sĩ Trường tâm sự: “Chúng tôi đã làm công tác tư tưởng cho y bác sĩ rất kỹ. Thế nhưng, đối diện với một đại dịch có quy mô toàn cầu, lây lan nhanh, rất nguy hiểm, câu hỏi: “Liệu mình có thể trở về?” vẫn cứ quẩn quanh trong đầu một số anh em. Chỉ khi thực sự bước vào công việc, câu hỏi ấy mới tan biến bởi nhiều lúc chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi”.

Đến giờ, các y bác sĩ Bệnh viện Chuyên khoa lao và Bệnh phổi tỉnh đã điều trị thành công cho 5 bệnh nhân COVID-19 và chăm sóc, theo dõi rất nhiều trường hợp F1. Trong bối cảnh lần đầu đối diện với đại dịch, trang thiết bị y tế còn thiếu và yếu, để có kết quả ấy, các y bác sĩ phải nỗ lực rất nhiều. Ngoài vượt qua nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về y tế, họ còn phải chấp nhận việc bị “ăn mắng”, “ăn chửi”, luôn cố tìm cách giúp bệnh nhân lấy lại tinh thần. Trường hợp bệnh nhân 862 ở huyện Hướng Hóa là ví dụ. Khi vào điều trị, người phụ nữ Vân Kiều này không chịu ăn uống, một mực đòi về. Thương người mẹ vừa bị COVID-19 cướp đi con trai, nay mình cũng nhiễm bệnh, các y bác sĩ thường xuyên vỗ về, động viên. Có người còn bỏ tiền túi gửi mua đồ ăn, thức uống cho bà bồi dưỡng. Không chỉ bệnh nhân 862, mỗi lần đón một trường hợp vào cách ly y tế, các y bác sĩ lại phải đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc và bao giờ cũng khởi đầu bằng căng thẳng, lo âu... Niềm vui lớn nhất với họ là bệnh nhân bình phục, được về với người thân, gia đình dẫu mình vẫn còn ở lại “trực chiến”.

Những nỗi niềm riêng

Trong căn phòng làm việc nhỏ, Trưởng Khoa Nội A1 Phạm Thị Hằng chia sẻ những vui buồn về quãng thời gian chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Vô tình nghe bác sĩ Hằng kể về ngày đầu bước vào “cuộc chiến” với COVID-19, cô điều dưỡng trẻ ngồi cạnh bất chợt thốt lên: “Chị ơi! Đừng kể nữa. Chị làm em phát khóc rồi”. Như một phản ứng dây chuyền, bác sĩ Hằng và các chị em khác đều tuôn rơi nước mắt.

Trưởng Khoa Nội A1 Phạm Thị Hằng là một trong những bác sĩ “trực chiến” ở khu cách ly y tế của bệnh viện dài ngày nhất. Tính đến nay, bác sĩ Hằng đã 7 đợt vào chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và các trường hợp F1. Sau mỗi đợt làm nhiệm vụ, chị phải cách ly 14 ngày mới được phép trở về với công việc bình thường. Trong thời gian ở khu cách ly y tế, điều khiến chị Hằng lo nhất là cậu con trai 9 tuổi phải rời xa cả vòng tay mẹ lẫn ba. Chồng bác sĩ Hằng, Thiếu tá Thiều Quang Tiến, công tác tại Sư đoàn 968 cũng đang làm nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 ở khu cách ly tập trung. Bác sĩ Hằng tâm sự: “Chúng em buộc phải gửi con cho vợ chồng người bác. Thương con, nhớ con nhưng đôi khi một cuộc điện thoại về cho cháu cũng… trắc trở. Nhiều hôm tính điện cho con mà lo bệnh nhân COVID-19 này, trường hợp F1 khác xong, ngẩng đầu lên đã thấy đồng hồ điểm 10 giờ đêm, thế là chịu. Em không thể đếm hết số lần lỡ hẹn với con, với cả lòng mình”.

Cũng giống như Trưởng Khoa Nội A1 Phạm Thị Hằng, bác sĩ Nguyễn Thị Liên cũng trải qua tháng ngày “cân não”. Trò chuyện qua điện thoại, nữ bác sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ trong khu cách ly y tế chia sẻ, khi dịch bệnh bùng phát, mình đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ vì hai vợ chồng mới kết hôn, còn chưa kịp có con. Chồng công tác tại Đồn Biên phòng Ba Tầng, bình thường, vợ chồng bác sĩ Liên vốn đã ít có cơ hội gần gũi. Từ ngày COVID-19 bùng phát, số lần vợ chồng gặp gỡ chỉ đếm trên bàn tay. Những đêm trắng bên bệnh nhân, nhìn ra ngoài cửa sổ, bác sĩ Liên lại mường tượng tới biên giới mù sương, nơi ấy chồng cũng đang thức để chốt chặn phòng, chống COVID-19. “Em luôn dặn lòng phải mạnh mẽ, vững vàng để làm chỗ dựa cho bệnh nhân. Có lẽ chính sự tự động viên ấy đã giúp em sớm quen với việc mồ hôi vã ra như tắm dưới lớp quần áo bảo hộ và những ngày mệt rã rời mà không thể nghỉ”, bác sĩ Liên chia sẻ.

Nỗ lực nối nỗ lực, đến giờ, các y bác sĩ Bệnh viện Chuyên khoa lao và Bệnh phổi tỉnh đã cùng nhau tạo thành một “guồng máy” vận hành theo quy trình, không ngừng nghỉ, luôn sẵn sàng cho diễn biến mới của COVID-19. Dịch bệnh lấy đi nhiều thứ nhưng chỉ có thể làm các y bác sĩ vững vàng hơn về cả chuyên môn lẫn tinh thần. Nói về mong muốn nhân dịp 27/2, tất cả y bác sĩ ở Bệnh viện Chuyên khoa lao và Bệnh phổi tỉnh mà chúng tôi gặp chỉ hy vọng đại dịch qua mau, tuyệt nhiên không ai có vọng ước cho riêng mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hơn 200 y, bác sĩ tham gia hiến máu cứu người

Phúc Đạt |

Hơn 200 cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế và 100 người đăng kí hiến máu cứu người.

Nữ bác sĩ tăng thêm thu nhập từ sản xuất tinh dầu

Ngọc Trang |

Là bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng nên chị Trần Tôn Nữ Kiều Anh, ở xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), công tác tại Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong, đã vận dụng những kiến thức học được cũng như kinh nghiệm trong quá trình khám, chữa bệnh để nghiên cứu, sản xuất tinh dầu thiên nhiên nguyên chất. Các sản phẩm lao động ngoài giờ làm việc của chị không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn phục vụ tích cực cho hoạt động chuyên môn.

Quảng Trị: Y bác sĩ vượt sóng lớn ra đảo mổ cấp cứu cho bệnh nhân

Hưng Thơ |

Nhận được yêu cầu hỗ trợ, y bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã lập tức lên tàu ra đảo Cồn Cỏ để thực hiện mổ cấp cứu cho bệnh nhân.

Nữ bác sĩ tài năng, tâm huyết với nghề

Tú Linh |

Là tác giả và đồng tác giả của 5 đề tài cấp sở, 2 đề tài quốc tế, trong đó có 1 đề tài đạt giải thưởng quốc tế cao nhất của Hội Nhãn khoa Pháp; ba lần nhận học bổng Nhãn khoa tại Pháp và học bổng Lancaster Nhãn khoa tại Hoa Kỳ; nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen… Đó là thành quả của quá trình công tác, nghiên cứu của thạc sĩ - bác sĩ nội trú Bùi Thị Vân Anh (sinh năm 1985), Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Trị.