Từng vào sinh ra tử trên chiến trường, trở về cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã xung kích đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế. Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, họ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và khẳng định mình bằng những mô hình kinh tế hiệu quả, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Vươn lên từ nghề sản xuất nước mắm
Trong ngôi nhà khang trang cũng vừa là cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Khiêm Trọng của gia đình ở thôn Di Loan, xã Vĩnh Giang, CCB Bùi Xuân Khiêm, 65 tuổi cảm thấy đầy tự hào. Để có được cơ ngơi nhiều người ao ước như hiện nay, ông đã trải qua nhiều khó khăn trong làm ăn.
Tháng 3/1980, ông Khiêm nhập ngũ biên chế vào Trung đoàn 284, Bộ Tư lệnh Công binh thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, thi công hầm hào phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ông Khiêm cho biết, thời điểm này dù chiến tranh biên giới đã tạm lắng nhưng thỉnh thoảng quân Trung Quốc vẫn bắn pháo sang.
Nhờ có sự chủ động nên quân ta đã giữ vững trận địa, bảo vệ vững chắc biên giới. Đầu năm 1984, ông Khiêm xuất ngũ trở về quê và chuyển ngành sang làm việc tại Công ty Thủy sản Cửa Tùng. Khi chia tách huyện Bến Hải thành các huyện Vĩnh Linh và Gio Linh vào năm 1990, ông Khiêm trở về huyện cũ Gio Linh sinh sống, làm ăn một thời gian. Tuy nhiên, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn nên ông xin nghỉ việc theo chế độ ở công ty. Ông và vợ (cũng là công nhân công ty thủy sản) trở về với đôi bàn tay trắng, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn.
Để nuôi sống gia đình, năm 1995 ông Khiêm đi biển đánh cá, tuy vậy, tình hình chẳng mấy khả quan nên ông nghỉ, tính toán chuyển sang làm nghề chế biến nước mắm. Nhưng ngặt nỗi là hai vợ chồng chẳng có vốn liếng gì và không có tài sản nào giá trị nên không thể vay ngân hàng. Thời điểm này, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã.
Trong tình thế gian nan đó, may nhờ được một số người bạn hiểu được hoàn cảnh cũng như khát vọng vươn lên của vợ chồng ông nên xoay xở cho mượn số tiền 3 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp bằng nghề làm nước mắm. Có tiền, hai vợ chồng bắt tay gầy dựng cơ sở nước mắm. Thời gian đầu, hai vợ chồng làm thủ công nhỏ lẻ, nước mắm làm ra bán buôn ở các chợ trong vùng.
Sau đó, ông Khiêm mua được chiếc xe máy cũ đi bỏ nước mắm dạo khắp các xã miền núi dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh qua các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh. Trong vòng 5 năm sau, gia đình ông thoát nghèo. Làm ăn thuận lợi, cơ sở ngày càng được mở rộng quy mô. Từ chỗ mỗi năm chỉ làm được khoảng 2-3 tấn chợp ủ mắm thì đến nay mỗi năm sản lượng chợp của cơ sở đã đạt từ 70-80 tấn, cung cấp ra thị trường đạt từ 15-20 ngàn lít nước mắm/năm.
Ngoài ra, cơ sở cũng sản xuất ruốc đặc với sản lượng mỗi năm 7-8 tấn và mắm tép. Từ năm 2011, gia đình ông Khiêm đã mua được ô tô thùng để đi bỏ hàng khắp nơi trong tỉnh, đồng thời sản phẩm nước mắm của gia đình ông cũng đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Tổng doanh thu những năm gần đây đạt khoảng 1 tỉ đồng/năm.
Năm 2016, sản phẩm nước mắm nhĩ cá cơm của gia đình ông Khiêm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; năm 2020 được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2018, ông Khiêm được Trung ương Hội CCB Việt Nam chứng nhận danh hiệu hội viên sản xuất kinh doanh giỏi.
Từ năm 2021, sản phẩm nước mắm truyền thống Khiêm Trọng đã được đưa vào bán ở siêu thị Co.opmart và tiêu thụ khá ổn định; sản phẩm cũng đã tham gia tại nhiều hội chợ thương mại trong tỉnh, trong khu vực và toàn quốc. Không chỉ làm giàu cho gia đình, hiện cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình ông Khiêm còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 4-5 lao động địa phương.
Đi đầu trong nghề nuôi tôm, cá ở vùng cát
Ở tuổi 68, CCB Nguyễn Văn Ngò ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh vẫn say sưa và nhiệt huyết với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng như thuở mới theo nghề. Ông là chiến sĩ bộ binh thuộc Trung đoàn 423, Mặt trận 379, tình nguyện tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến trường Lào ở 3 tỉnh Bắc Lào từ cuối năm 1978 cho đến khi xuất ngũ vào tháng 7/1983.
Trở về quê, ông Ngò tham gia công tác tại địa phương và có khoảng thời gian 10 năm công tác trong HTX mua bán Vĩnh Thái. Ông cũng có khoảng 20 năm tham gia công tác hội CCB xã, thôn và hiện đang giữ chức Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Thái Lai.
Đảm nhận nhiều công việc, công tác nhưng do gặp nhiều thăng trầm nên cuộc sống của vợ chồng ông và 5 đứa con nhỏ khá lận đận. Khoảng năm 2008, được một người nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn giới thiệu, tư vấn nên vợ chồng ông Ngò đã đồng lòng dành toàn bộ vốn liếng và vay mượn thêm để đào hồ khoảng 2.000 m2, bắt đầu lập nghiệp với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.
Đây cũng là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên ở vùng cát huyện Vĩnh Linh. “Vụ đầu tiên, sau khi trừ mọi chi phí gia đình tôi có lãi khoảng hơn 20 triệu đồng. Hồi đó, đây là số tiền khá lớn nên vợ chồng tôi mừng lắm”, ông Ngò kể.
Giai đoạn từ 2011-2013, gia đình ông Ngò nuôi tôm trúng lớn liên tiếp nên giàu nhanh. Nhờ đó, đã trả hết nợ nần, đồng thời xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện ích hiện đại và nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Không chỉ vậy, số tiền dư dả hai vợ chồng còn chung với người cháu mua thêm đất ở thôn Tân Hòa trong xã để đào 6 ao nuôi lớn và 3 bể tròn ươm giống, mở rộng sản xuất.
Ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng truyền thống, khoảng 2 năm trở lại đây, gia đình ông Ngò còn nuôi thêm cá dìa, cá kình. Nhờ có kinh nghiệm dày dặn và kỹ thuật lành nghề, việc nuôi trồng thủy hải sản của gia đình ông Ngò giữ được sự ổn định. Hiện nay, sau khi trừ các chi phí, mô hình nuôi tôm, cá dìa, cá kình của gia đình ông Ngò có lãi khoảng 250 triệu đồng/năm.
Với thâm niên và uy tín, kinh nghiệm của mình, nhiều năm nay ông đã được bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản xã Vĩnh Thái. Nhờ sự năng động, hiệu quả trong làm ăn, ông Ngò đã nhiều lần được các ngành, các cấp biểu dương, khen thưởng.
Tiêu biểu là ông đã được Trung ương Hội CCB Việt Nam chứng nhận danh hiệu hội viên sản xuất kinh doanh giỏi năm 2021; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016-2021.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)