Sau một thời gian triển khai xây dựng, duy trì và nhân rộng, đến nay, mô hình “Phật giáo Quảng Trị tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và chung tay xây dựng nông thôn mới” đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Mô hình này góp phần xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền với Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng nông thôn mới.
Tại Quảng Trị, Phật giáo là tôn giáo có số lượng lớn tín đồ lớn với 203 cơ sở sinh hoạt Phật giáo, 239 tăng ni và hơn 65.000 phật tử.
Sau 6 năm triển khai, mô hình “Phật giáo Quảng Trị tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và chung tay xây dựng nông thôn mới” đã được phát triển tại 34 điểm hoạt động thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, giai đoạn 2021-2023 đã nhân rộng mô hình tại 2 điểm, tiêu biểu là mô hình “Phật giáo huyện Hướng Hóa tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Trước đó, xuất phát từ tình hình thực tế, vào cuối tháng 7/2017, huyện Cam Lộ đã tổ chức ra mắt mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” với sự đồng thuận của gần 1.000 tăng ni, phật tử trên địa bàn; cùng thống nhất ký kết thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hiến chương của Giáo hội. Để mô hình phát huy hiệu quả ở cơ sở, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, UBMT Tổ quốc Việt Nam huyện, chính quyền các xã để triển khai thực hiện tại những cơ sở Phật giáo trên địa bàn.Hòa thượng Thích Thiện Tấn - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị cho biết: để mô hình hoạt động hiệu quả, ban chỉ đạo mô hình thường xuyên tổ chức quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức vận động chức sắc, tín đồ, phật tử tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trong giáo hội và toàn xã hội. Đồng thời, vận động phật tử tham gia phòng chống tội phạm và giữ gìn trật tự an toàn xã hội; phối hợp với lực lượng chức năng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Từ hiệu quả bước đầu tại Cam Lộ, trên cơ sở kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động, Công an tỉnh đã có công văn thông báo kinh nghiệm xây dựng mô hình trong đồng bào tôn giáo của Công an huyện Cam Lộ; đồng thời yêu cầu công an các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, học tập, vận dụng xây dựng mô hình trong các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.
Trong quá trình xây dựng, mỗi địa phương có mỗi tên gọi khác nhau, tuy nhiên các mô hình được xây dựng đều hướng tới một tôn chỉ, mục đích chung là thực hiện đúng giáo lý của Phật giáo, tích cực tham gia bảo đảm an ninh trật tự và chung tay xây dựng nông thôn mới. Thông qua hoạt động đã vận động tăng ni, phật tử tích cực tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, chấp hành chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, chủ động trong phát hiện, tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là âm mưu, thủ đoạn lợi dụng Phật giáo xâm phạm an ninh trật tự...
Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Công an huyện Cam Lộ, cho biết: Từ hoạt động của mô hình đã cung cấp hơn 300 thông tin liên quan đến tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật cho cơ quan chức năng; tham gia giải quyết 18 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong quần chúng nhân dân. Các ban điều hành mô hình trên địa bàn phối hợp với lực lượng công an nhận quản lý, giúp đỡ 15 thanh thiếu niên không có việc làm ổn định, có hành vi gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tiến bộ.
Bên cạnh đó, ban điều hành mô hình tại các chùa trên địa bàn huyện Cam Lộ cũng tích cực phối hợp với công an xã tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền, phát hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bên cạnh đó, mô hình cũng đạt được nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới; củng cố, thắt chặt và nâng cao mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền, lực lượng công an với Giáo hội Phật giáo các cấp. Nổi bật là phong trào treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở thờ tự và nhà riêng của tăng ni, phật tử ngày càng được phát triển sâu rộng, nhất là trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương.
Bên cạnh đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các cấp thường xuyên phối hợp với UBMT Tổ quốc Việt Nam, công an các xã tổ chức quyên góp, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; là “cầu nối” giữa các nhà hảo tâm với địa phương còn khó khăn trong việc xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà tình thương và công trình an sinh xã hội khác trị giá hàng tỉ đồng.
Với phương châm “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, tinh thần “Tốt đời, đẹp đạo”, trên cơ sở những kết quả đạt được, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị sẽ tích cực phối hợp với lực lượng công an, chính quyền các cấp tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)