Những nồi cháo ấm áp nghĩa tình

Thảo Trang |

Từ nguồn kinh phí, thực phẩm do giáo viên và phụ huynh đóng góp, gần 1 năm qua, các cô giáo của Mầm non độc lập tư thục (ĐLTT) Em bé hạnh phúc đã duy trì nấu đều đặn 2 - 3 nồi cháo/ tháng để phát cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Triệu Phong (Quảng Trị). “Thông qua việc làm của mình, chúng tôi mong muốn giúp các bệnh nhân bổ sung thêm chất dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh; đồng thời giáo dục trẻ mầm non bài học về sự tử tế”, cô giáo Võ Thị Quế Ân, quản lý Mầm non ĐLTT Em bé hạnh phúc cho hay.


Chúng tôi có mặt tại Mầm non ĐLTT Em bé hạnh phúc đúng lúc các cô giáo đang chuẩn bị nấu cháo để mang đến cho bệnh nhân tại TTYT huyện Triệu Phong. Trong gian bếp, bộ phận cấp dưỡng cùng một số giáo viên không có giờ đứng lớp tập trung lại, chia nhau mỗi người một việc để nồi cháo nhanh chóng được hoàn thành. Chỉ trong chốc lát, các loại thực phẩm bao gồm: gạo, thịt xay, cà rốt, bí đỏ, hành, ngò... được sơ chế sạch sẽ, sắp đặt ngay ngắn, gọn gàng.

Tổ trưởng Tổ Cấp dưỡng Hoàng Thị Huyền cho hay: “Trừ các thực phẩm tươi sống như gà, thịt lợn, thịt bò là phải đi mua, còn lại rau củ, hành ngò đều do các cô giáo trồng ở nhà mang đến. Chúng tôi luôn chú trọng sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng”.

Các cô giáo của Mầm non ĐLTT Em bé hạnh phúc phát cháo cho bệnh nhân đang điều trị tại TTYT huyện Triệu Phong - Ảnh: T.P
Các cô giáo của Mầm non ĐLTT Em bé hạnh phúc phát cháo cho bệnh nhân đang điều trị tại TTYT huyện Triệu Phong - Ảnh: T.P

Hoạt động nấu cháo thiện nguyện của Mầm non ĐLTT Em bé hạnh phúc còn đặc biệt hơn khi luôn có sự tham gia của các bé từ 5 - 6 tuổi. Dù chỉ góp sức thông qua những công việc nhỏ, trong khoảng thời gian ngắn như phân loại rau củ, nhặt hành ngò song các cháu rất hào hứng vì được học bài một cách trực quan, sinh động.

Mầm non ĐLTT Em bé hạnh phúc hiện có 18 cán bộ, giáo viên phụ trách chăm sóc cho khoảng 70 cháu từ 12 tháng đến 6 tuổi. Được biết, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, đơn vị cũng thường xuyên thực hiện các hoạt động thiện nguyện hướng về cộng đồng mà nấu cháo miễn phí là một ví dụ cụ thể. Ban đầu, thực phẩm, kinh phí thực hiện hoàn toàn do giáo viên của đơn vị đóng góp. Sau này khi hoạt động được lan tỏa, nhiều phụ huynh biết đến và cùng tham gia.

“Đối tượng sử dụng thực phẩm là những bệnh nhân cần bổ sung chất dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh nên chúng tôi chú trọng nhiều vào chất lượng. Món ăn cũng được thay đổi đa dạng, có khi là bún, nui, phở các loại nhưng nhiều nhất vẫn là cháo để phù hợp với đa số bệnh nhân”, chị Huyền chia sẻ thêm.

Được nấu bằng dụng cụ chuyên dụng nên không bao lâu, cháo chín nhừ, các cô khẩn trương cho cháo vào thùng giữ nhiệt rồi di chuyển đến TTYT huyện Triệu Phong để kịp giờ ăn trưa của các bệnh nhân. Trung bình mỗi nồi cháo sẽ có khoảng 100 - 150 suất, tùy theo số lượng mà Phòng Công tác xã hội TTYT huyện cung cấp.

Cầm suất cháo nóng trên tay, ông N.T.Đ. (67 tuổi), xã Triệu Long, huyện Triệu Phong bộc bạch: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái lại đều làm việc xa nên khi nhận cháo từ các cô giáo phát, tôi cảm thấy ấm lòng vì được quan tâm”.

Còn bạn nhỏ L.T.M. (12 tuổi), hiện đang sống tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong cho hay, em rất thích cách nấu của các cô giáo tại Mầm non ĐLTT Em bé hạnh phúc: “Em nhập viện do vị viêm ruột, mấy ngày qua ăn uống ít. Tuy nhiên, nhờ vị cháo đậm đà, thơm ngon của các cô, em ăn được nhiều hơn. Không chỉ có em, mọi người ở đây đều tấm tắc khen hương vị cháo do các cô mầm non nấu”.

Chị Lê Thị Quyên, Trưởng Phòng Công tác xã hội TTYT huyện Triệu Phong cho hay, hoạt động phát cháo thiện nguyện của Mầm non ĐLTT rất ý nghĩa, giúp động viên tinh thần, chia sẻ khó khăn cho người bệnh. TTYT huyện mong muốn trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục quan tâm, duy trì và có thể tăng thêm số lượng nồi cháo trong tháng để giúp cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Trên chuyến xe quay trở về lớp Mầm non ĐLTT, cô giáo Quế Ân cho biết, kinh phí nấu những nồi cháo không quá cao, thực phẩm phần nhiều do giáo viên trong đơn vị đưa từ nhà tới nên các cô có thể duy trì hoạt động ý nghĩa này lâu dài.

“Chúng tôi đã cam kết với TTYT huyện Triệu Phong sẽ thực hiện phát cháo cho bệnh nhân cho đến khi nào đơn vị còn hoạt động. Mỗi bát cháo trao đi tuy nhỏ nhưng phần nào làm ấm lòng người bệnh. Từ chương trình phát cháo thiện nguyện, chúng tôi cũng giáo dục cho trẻ biết yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh mình”, cô Ân nói.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cô học trò vùng cao nỗ lực thực hiện ước mơ làm cô giáo

Lâm Phương |

Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Đakrông, tỉnh Quảng Trị, từ nhỏ em Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, ở thôn Làng Cát, xã Đakrông, huyện Đakrông luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ ở quê mình. Ước mơ ấy đã trở thành động lực giúp Nguyệt vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên đạt kết quả cao trong học tập.

Cô giáo “truyền lửa” đam mê học môn Lịch sử cho học sinh

Hiếu Giang |

Với phương pháp giảng dạy luôn đổi mới và lấy học sinh làm trung tâm, cô Trần Thị Đào (42 tuổi), giáo viên Trường Phổ thông liên cấp, Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đã tạo niềm hứng thú, yêu thích môn Lịch sử cho nhiều học sinh. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 vừa qua, nhiều học sinh của cô Đào đã đạt được những điểm số ấn tượng.

Phiên chợ đặc biệt của cô giáo dạy Ngữ văn

Tây Long |

Nhắc tới chợ, người ta thường nghĩ đến cảnh ồn ào, chen lấn. Trái ngược không khí có phần xô bồ ấy, phiên chợ do cô Lê Nguyễn Hạnh Nguyên, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tổ chức giúp khách hàng như tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Đến đây, mọi người còn học được nhiều điều hay từ thông điệp “xanh - sạch - lành” mà cô Nguyên gửi gắm.

Cô giáo tâm huyết với nuôi dạy trẻ vùng cao

Hiếu Giang |

Từng được chọn là vận động viên của Đội tuyển bóng chuyền năng khiếu tỉnh Quảng Trị vào năm 16 tuổi và được công nhận là vận động viên cấp 1 quốc gia khi vừa tròn 18 tuổi, tuy nhiên vì nhiều lý do, cô đã gác lại niềm đam mê và cơ hội thi đấu chuyên nghiệp để trở thành một giáo viên mầm non.