Niềm vui khi nước sạch về đến vùng “ốc đảo”

Đức Việt |

Ước mong bao đời nay về có nguồn nước sạch để sinh hoạt, ăn uống của người dân những vùng “ốc đảo” biệt lập khó khăn như càng Hội Điền, càng Hưng Nhơn, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã thành hiện thực khi Chương trình vùng Hải Lăng (tổ chức Tầm nhìn Thế giới) hỗ trợ xây dựng các công trình cấp nước sạch. Từ nguồn nước sạch có ý nghĩa thiết thực này sẽ giúp người dân bớt đi nỗi lo về bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo những bậc cao niên kể lại, các càng như Hội Điền, Hưng Nhơn hình thành từ xa xưa khi người dân di cư ra sinh sống tại những “ốc đảo” nhỏ hoang vắng giữa cánh đồng bao la để giữ ruộng của làng mình. Từ vài nóc nhà ban đầu, trải qua nhiều đời sinh cơ lập nghiệp, đến nay các càng này đã có hàng chục gia đình sinh sống, dân cư đông dần lên. Sống biệt lập và cách xa trung tâm xã nên nhiều mặt đời sống của người dân vẫn còn gặp khó khăn, trong đó nan giải nhất là nguồn nước sạch sinh hoạt. Chia sẻ với khó khăn của người dân, tháng 11/2021 vừa qua, dự án cải thiện tình trạng nước sạch vệ sinh cho trẻ em và cộng đồng dễ bị tổn thương thuộc Chương trình vùng Hải Lăng đã được triển khai bằng nhiều hợp phần có ý nghĩa thiết thực, phù hợp tại các xã trong vùng dự án.

Người dân ở càng Hưng Nhơn, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng vui mừng khi sử dụng nguồn nước lọc tinh khiết được hỗ trợ từ dự án của Chương trình vùng Hải Lăng - Ảnh: Đ.V
Người dân ở càng Hưng Nhơn, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng vui mừng khi sử dụng nguồn nước lọc tinh khiết được hỗ trợ từ dự án của Chương trình vùng Hải Lăng - Ảnh: Đ.V

Bà Phạm Thị Hiệp ở càng Hội Điền vừa xả nước sạch rửa rau, thực phẩm chuẩn bị nấu bữa cơm trưa cho gia đình tỏ ra vô cùng phấn khởi khi nói về nguồn nước sạch vừa mới được Chương trình phát triển vùng Hải Lăng tài trợ cho bà con. Bà Hiệp kể, từ bao đời nay nguồn nước sạch sinh hoạt, đặc biệt là phục vụ ăn uống của người dân càng Hội Điền hết sức khó khăn, nhất là về mùa khô và mùa mưa lũ. “Vùng càng thấp trũng này không thể dùng nước từ giếng đào hay giếng khoan vì nước nhiễm phèn rất nặng. Những năm trước chúng tôi sử dụng nước để tắm giặt chủ yếu từ nước sông được lọc thô qua hệ thống lọc nước được xây dựng cách đây 20 năm đã xuống cấp nặng. May mắn là vừa qua, dự án nước sạch của Chương trình vùng Hải Lăng đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sạch hỗ trợ cho bà con dùng nên yên tâm lắm, không còn lo lắng bệnh tật vì dùng nước không đảm bảo nữa”, bà Hiệp nói.

Cách nhà bà Hiệp vài chục mét, trạm cấp nước tinh khiết được đặt ở trung tâm càng Hội Điền tấp nập người dân đến lấy nước về ăn uống. Ai cũng tỏ rõ niềm vui mừng vì niềm mong ước có nước sạch đã trở thành hiện thực sau nhiều năm mong mỏi đợi chờ. Trưởng thôn Hội Điền Nguyễn Văn Thắng cho biết, toàn thôn có 43 hộ với 178 khẩu, đời sống chủ yếu dựa vào làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ. Do ở vùng càng đất chật hẹp, người dân địa phương rất hạn chế trong việc làm thêm ngành nghề khác nên nhìn chung đời sống còn nhiều khó khăn. “Vì vậy được Chương trình vùng Hải Lăng hỗ trợ trạm cung cấp nước lọc nước tinh khiết và nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt cho toàn thôn nên bà con ai cũng hết sức vui mừng. Có nước sạch được hỗ trợ, người dân tiết kiệm được tối đa chi phí và yên tâm sinh sống, làm ăn. Thôn sẽ quản lý, vận hành hệ thống cung cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân một cách tốt nhất”, ông Thắng cho hay.

Cũng như càng Hội Điền, tình cảnh thiếu thốn nước sinh hoạt của người dân càng Hưng Nhơn, xã Hải Phong cách đó một quãng đồng cũng diễn ra tương tự. Bà Phan Thị Mai, sinh sống từ hàng chục năm qua ở càng này có lẽ là người phấn khởi nhất bởi trạm cấp nước lọc tinh khiết được tài trợ bởi Chương trình vùng Hải Lăng được đặt chỉ cách nhà bà vài bước chân. Chồng mất sớm, tuổi đã khá cao, 3 người con đều lập gia đình sống ở xa, lại sống một mình như bà thì có sẵn nước sạch gần nhà như vậy rất tiện lợi và yên tâm. Bà Mai kể, gia đình bà cũng như 20 hộ dân ở càng Hội Điền từ lâu rất bức bối vì thiếu nước sạch sinh hoạt nghiêm trọng. Vì khan hiếm nước sạch nên người dân đành sử dụng nguồn nước được hút lên từ sông rồi lọc thô qua bể lọc không đảm bảo.

“Mùa khô nước cạn, sông có nhiều rác, túi nilon, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư nhiều nên người dân hết sức lo ngại nhưng vì không có nguồn nào khác nên đành sử dụng nguồn nước đó để tắm giặt. Mùa mưa lũ thì nước bạc dù tràn ngập đồng nhưng cũng không thể sử dụng được. Nhiều năm qua, để phục vụ việc ăn uống, chúng tôi đành phải bỏ tiền mua nước bình với giá 10.000 đồng/ bình. Để tiết kiệm chi phí, đa số các hộ phải qua xin nước bên nhà thờ càng Cây Da, thuộc thị trấn Diên Sanh, cách hơn 1 km đường đồng. Do không biết đi xe máy nên cứ vài ngày là tôi lại đẩy chiếc xe rùa qua xin khoảng 40 lít nước về dùng dần. Nay có nước sạch có thể dùng ngay thế này là tôi và bà con ở đây sung sướng lắm”, bà Mai vừa tiếp nhận nước từ hệ thống nước lọc tinh khiết vừa vui vẻ nói.

Anh Nguyễn Quốc Tiến, cán bộ phụ trách dự án cải thiện tình trạng nước sạch vệ sinh cho trẻ em và cộng đồng dễ bị tổn thương cho biết, mục tiêu của dự án nhằm tăng cường sử dụng nước chất lượng và thực hành vệ sinh hợp lý thông qua các biện pháp can thiệp nước sạch và vệ sinh tại các xã mục tiêu của Chương trình vùng Hải Lăng. Dự án đã tiến hành khảo sát và thiết kế các công trình hệ thống cấp nước,vệ sinh phù hợp với bối cảnh của mỗi địa phương. Theo đó, dự án đã triển khai xây dựng các công trình, gồm: Nâng cấp hệ thống nước Hội Điền, hệ thống nước càng Hưng Nhơn (xã Hải Phong); xây nhà vệ sinh và bồn rửa tay Nhà văn hóa thôn Trà Lộc, hệ thống cống thoát nước thôn Trà Lộc (xã Hải Hưng); lắp đặt máy lọc nước cho hộ gia đình có trẻ em dễ bị tổn thương, trẻ em được bảo trợ ở xã Hải Trường. Tổng kinh phí thực hiện dự án này là hơn 30,3 nghìn USD. Đến nay các hợp phần của dự án đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng với tổng số 607 hộ gia đình (2.759 nhân khẩu) được hưởng lợi từ dự án.

Anh Tiến cho biết, mục tiêu cơ bản của dự án là cung cấp nước sạch để ăn uống và sinh hoạt, đảm bảo cho người dân các xã hưởng lợi phòng tránh các bệnh qua đường tiêu hóa, bệnh ngoài da do nước bẩn, nước không hợp vệ sinh gây ra. “Dự án không chỉ giúp các hộ gia đình tiếp cận được nguồn nước sạch để sử dụng mà qua các buổi truyền thông, chúng tôi cũng muốn truyền tải thông điệp về sự thiết yếu, quý giá của nước sạch để bà con sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả cho cuộc sống. Ngoài ra, thông qua dự án chúng tôi cũng mong muốn xây dựng cộng đồng an toàn cho người dân trong sinh hoạt hằng ngày, nâng cao đời sống sức khỏe cho cộng đồng, cho các đối tượng như người nghèo, trẻ em, phụ nữ, những đối tượng dễ bị tổn thương”, anh Tiến chia sẻ thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cần sớm đầu tư công trình nước sạch cho một số vùng nông thôn, miền núi

Hà Vân An |

Một trong những tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh cũng như cả nước khó đạt được là môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó nước sạch là vấn đề đáng quan tâm để đảm bảo sức khỏe cho người dân. 

Bàn giao hệ thống nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Trang - Nguyên Đồng |

Ngày 12/10/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Linh tổ chức nghiệm thu, đưa vào sử dụng hệ thống nước sạch tại thôn Thúc, xã Vĩnh Ô. Tham dự có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng.

Chủ động nguồn nước sạch với mô hình xử lý và trữ nước an toàn

Trường Sơn |

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam - Chương trình vùng Hướng Hóa đã phối hợp với Trạm Y tế xã Hướng Lập triển khai, kích hoạt mô hình xử lý và trữ nước an toàn tại thôn Cù Bai (Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị) thông qua phương pháp xử lý nước bằng hình thức xây dựng bể lọc hộ gia đình.

Miễn, giảm mức thu giá nước sạch cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19

Q.H |

Ngày 16/8/2021, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định về việc miễn, giảm mức thu giá nước sinh hoạt nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19.