Thời gian qua, nhiều trường học ở Quảng Trị đưa võ cổ truyền vào dạy học, tập luyện nhằm đa dạng các môn thể thao trong học đường. Việc đưa võ cổ truyền vào trong chương trình học còn giúp học sinh được tiếp cận và hiểu biết thêm về tinh hoa võ Việt; nâng cao sức khỏe, khả năng tự vệ, bảo vệ người yếu thế, nâng cao tính kỹ luật, đồng thời giữ gìn và phát huy tinh hoa võ cổ truyền dân tộc.
Anh Nguyễn Quang Tánh, Tổng Thư ký Hội Võ thuật cổ truyền (VTCT) tỉnh cho biết, hội luôn quan tâm đến việc giữ gìn và quảng bá tinh hoa võ cổ truyền dân tộc. Hội đã phối hợp để đưa võ cổ truyền vào chương trình học thể dục của các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để lan tỏa tinh hoa võ Việt đến với các em học sinh; giúp các em có cơ hội được học võ thuật ngay tại nhà trường… Thường trực Hội VTCT tỉnh giao nhiệm vụ cho ban chuyên môn thống nhất với các võ sư, HLV tích cực tập luyện, lên giáo án để phối hợp với ngành GD&ĐT đưa võ cổ truyền vào trường học; phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn cho 100% đội ngũ giáo viên thể dục bậc THPT và 2 lớp võ cổ truyền cho đội ngũ giáo viên thể dục bậc THCS với 60 giáo viên.
Từ năm 2015 đến nay, việc đưa võ cổ truyền vào học đường ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện ở nhiều trường học trong toàn tỉnh. Thông qua các lớp tập huấn, đội ngũ giáo viên dạy thể dục đã trở thành những “hạt nhân” đưa võ cổ truyền vào học đường. Các em học sinh rất hứng thú khi được học võ cổ truyền ngay tại nhà trường. Thầy giáo Nguyễn Văn Bằng, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Đông Hà, cho biết: “Sau khi tham gia tập huấn, năm 2016, tôi đã triển khai dạy võ cổ truyền cho các em học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, cũng như dạy lại cho một số giáo viên khác về võ cổ truyền. Khi học võ cổ truyền, học sinh rất thích thú, nhất là đối với các em muốn học võ nhưng vì hoàn cảnh không thể theo học được”.
Hiện nay, tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, thầy giáo Nguyễn Văn Bằng tiếp tục dạy chương trình võ cổ truyền cho các lớp thuộc khối 7, 8, 9 do mình phụ trách. Ngoài việc dạy võ cổ truyền trong học đường, một số Phòng GD&ĐT đã quan tâm tổ chức Giải Võ cổ truyền nằm trong Chương trình thi đấu Hội khỏe Phù Đổng, qua đó tạo sân chơi bổ ích, ý nghĩa để các em học sinh có cơ hội giao lưu, thi đấu, tranh tài, đồng thời góp phần đưa võ cổ truyền phát triển sâu rộng trong các trường học.
Những năm qua, ngành GD&ĐT và Hội VTCT tỉnh đã nỗ lực đưa võ cổ truyền vào học đường, bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên việc triển khai chương trình đưa võ cổ truyền vào trường học gặp khó khăn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do ngành GD&ĐT chưa có giáo viên phụ trách môn võ cổ truyền nên rất khó khăn trong việc tập huấn chuyên môn; thời gian tập huấn võ cổ truyền ngắn, trong khi đa số giáo viên không am hiểu môn võ này nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu các bài tập võ cổ truyền, từ đó khó có thể ứng dụng trong việc dạy học, tập luyện cho học sinh ngay tại các trường… Để phát triển võ cổ truyền trong học đường, cần phải có sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp, ngành liên quan trong xây dựng kế hoạch triển khai, thống nhất giáo trình giảng dạy và tăng cường tập huấn cho giáo viên.
Võ sư cao cấp Nguyễn Quang Tâm, Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh cho biết, phong trào võ thuật cổ truyền trong toàn tỉnh được duy trì và phát triển khá mạnh mẽ trong thời gian qua. Các võ sư, HLV và những người tâm huyết với võ cổ truyền luôn nỗ lực, quyết tâm để đưa võ cổ truyền vào học đường. Hội VTCT tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến việc lan tỏa phong trào võ cổ truyền trong trường học. Thuận lợi hiện nay là Hội VTCT tỉnh không ngừng xây dựng, củng cổ và phát triển số lượng, cũng như chất lượng các CLB, môn phái. Hiện nay, Hội VTCT tỉnh có 1 võ sư cao cấp, 12 võ sư, 8 chuẩn võ sư, hơn 100 huấn luyện viên và hàng ngàn võ sinh. Đây được xem là lực lượng hùng hậu, giỏi chuyên môn, giàu tâm huyết sẽ góp phần đưa võ cổ truyền phát triển sâu rộng và hiệu quả trong học đường.
Thời gian tới, Hội VTCT tỉnh tăng cường công tác phối hợp với ngành GD&ĐT trong việc xây dựng chương trình võ cổ truyền trong học đường phù hợp với mọi lứa tuổi học sinh; tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ giáo viên thể dục nhằm trang bị đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ đứng lớp giảng dạy đạt kết quả cao, cũng như truyền nguồn cảm hứng cho học sinh yêu thích và lựa chọn học, tập luyện võ cổ truyền trong trường học. Cử võ sư, HLV tích cực hướng dẫn, hỗ trợ thêm giáo viên dạy võ cổ truyền trong trường học; tích cực tham mưu, hỗ trợ ngành GD&ĐT tổ chức các nội dung thi đấu võ cổ truyền nằm trong chương trình Hội khỏe Phù Đổng và các giải võ cổ truyền học đường, qua đó khuyến khích, động viên các trường tổ chức dạy võ cổ truyền cho học sinh, từng bước xây dựng phong trào võ cổ truyền phát triển mạnh trong nhà trường; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài võ thuật cho quê hương, đất nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)