Những ngày nắng nóng, nhiệt độ tăng cao ở Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung, người ta mới thấy giá trị của cây xanh và hồ nước, nhất là ở vùng đô thị trong việc điều hòa khí hậu.
Không gian xanh đô thị được đề cập ở đây bao gồm công viên, cây xanh, hồ nước, kể cả sông ngòi. Ngày nay trên thế giới, không gian xanh tính trên đầu người dân được xem như là một chỉ số đáng sống.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, xét về sức khỏe cộng đồng, mỗi thành phố tối thiểu phải có 9 m2 không gian xanh cho mỗi người, tốt nhất là 10 - 15 m2. Với một đô thị trẻ như Đông Hà, không gian xanh cần được đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển.
Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, thành phố Đông Hà có khí hậu mang đặc điểm vùng Đông Trường Sơn, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa và gió phơn Tây Nam; chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô nóng. Quá trình xây dựng và phát triển, thành phố đã chú trọng phát triển cây xanh đều khắp, góp phần tạo cảnh quan môi trường và điều hòa sinh thái. Ngoài nguồn nước từ các con sông như sông Hiếu, sông Vĩnh Phước, sông Thạch Hãn, Hói Sòng tạo cân bằng sinh thái, Đông Hà còn có một số hồ nước nhân tạo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường như hồ Trung Chỉ, hồ Khe Mây, hồ Đại An, hồ Khe Sắn. Thành phố đã xây dựng được một số công viên, như Công viên Fidel, Công viên Lê Duẩn, một số vườn hoa; đặc biệt Công viên sinh thái Cọ Dầu có diện tích tương đối lớn (hơn 25 ha), là “lá phổi xanh” giữa lòng thành phố.
Hiện nay khi thành phố phát triển theo hai bờ sông Hiếu, quỹ đất để phát triển công viên, cây xanh - không gian mở của thành phố còn tương đối lớn. Tuy vậy, trong những năm qua, cũng như nhiều đô thị trong nước, quá trình đô thị hóa đã làm cho dân số Đông Hà tăng nhanh, cùng với đó là việc xây dựng công sở, nhà ở, công trình công cộng, đường giao thông với những khối bê tông, nhựa đường, đá ốp lát… làm tăng hấp thụ nhiệt, kết quả làm tăng nhiệt độ không khí trong mùa nắng nóng, từ đó giảm chất lượng sống của cư dân đô thị.
Để cải thiện môi trường sống cho cư dân đô thị, trong thời gian tới thành phố Đông Hà cần quan tâm dành quỹ đất để xây dựng thêm những công viên có nhiều cây xanh, hồ nước, tạo không gian xanh cho đô thị, từng bước hình thành các điểm vui chơi, giải trí, tương xứng với tầm vóc phát triển của đô thị. Đồng thời, trong bố trí dân cư cần ưu tiên đất xây dựng nhà vườn, có diện tích để trồng cây quanh nhà, góp phần làm giảm nhiệt độ không khí, làm tăng độ ẩm môi trường. Hằng năm, vào mùa mưa hoặc vào dịp tết trồng cây, thành phố phát động người dân ở các khu dân cư tăng cường trồng cây phân tán trong vườn, ở tất cả các tuyến đường. Phải nhận thức được rằng cây xanh có tác dụng như một nhà máy hóa học, thu khí độc CO2 và cung cấp oxy (O2) cho con người; rừng cây trong thành phố được coi là “lá phổi của đô thị”. Nếu cứ mãi miết chạy theo những công trình bê tông cốt thép mà bỏ quên cây xanh sẽ làm cho đô thị mất linh hồn.
Mặt khác, quá trình phát triển, khi xây dựng các công trình công cộng, khu dân cư, thành phố cần kiểm tra nghiêm ngặt, tránh để xảy ra tình trạng xâm phạm đến diện tích cây xanh, các hồ nước sẵn có. Khi xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ ở phía Nam thành phố, cần tận dụng, trồng lại những cây cọ dầu lâu năm hiện có, tránh thu hẹp cây xanh, thảm cỏ, tăng bê tông và mặt kính gây hiệu ứng không tốt cho môi trường. Bài học những năm đầu lập lại tỉnh, các địa phương đã cho san lấp các hồ nước, như hồ nước ở Phường 2 (nay là khu chợ đêm thành phố Đông Hà) và hồ nước ở đường Nguyễn Huệ (nay là khu biệt thự dân cư liền kề)… đã làm thu hẹp không gian xanh giữa lòng thành phố. Bởi các hồ nước trong đô thị ngoài giá trị cảnh quan, còn được coi là “hồ điều hòa”, nó hấp thụ nhiệt và bay hơi nước có tác dụng chống nóng hiệu quả trong thời tiết gió Tây Nam khô nóng, góp phần giảm úng lụt sau những trận mưa lớn trong mùa mưa.
Việc thành phố quan tâm điều chỉnh quy hoạch, đưa công sở các cơ quan, doanh nghiệp và hình thành khu dân cư ở phía Bắc sông Hiếu hiện nay là cần thiết, không chỉ làm cân đối thành phố hai bên bờ sông mà trong thực tế còn tận dụng được lợi thế con sông chảy qua trong lòng thành phố, đưa không khí trong lành của dòng sông vào trong đô thị vào mùa hè và thoát nước hiệu quả sau các trận mưa lớn vào mùa mưa. Trong thành phố cũng cần duy trì, phát triển các thảm cỏ, có tác dụng không chỉ làm giảm nhiệt độ bề mặt khi trời nóng mà còn làm thấm nước, giảm bớt hiện tượng ngập lụt sau những trận mưa, trả lại nước ngầm và tạo ra môi trường khí hậu trong lành. Bài học về việc ào ạt bê tông hóa thành phố Hà Nội, làm cho diện tích mặt thoát nước hẹp dần, gây nên cảnh lũ lụt trong phố những năm qua vẫn còn nhãn tiền.
Để thành phố Đông Hà phát triển mạnh mẽ, trên cơ sở khai thác những lợi thế về tiềm năng đa dạng, đẩy nhanh tốc độ xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội là việc làm cần thiết. Trong đó tập trung phát triển thành phố xanh - sạch - đẹp, hài hòa với môi trường thời biến đổi khí hậu là rất quan trọng, đặc biệt phải quan tâm quy hoạch tổng thể diện tích cây xanh đô thị và xây dựng các công viên cây xanh, hồ nước. Điều đó sẽ đem lại sự cải thiện môi trường, điều hòa khí hậu, hạn chế sự tàn phá của thiên nhiên, làm phong phú đời sống văn hóa, mỹ quan thành phố. Đó cũng là tiêu chí quan trọng trong quá trình phấn đấu xây dựng Đông Hà trở thành đô thị loại II, như mong ước của nhiều thế hệ lãnh đạo và cư dân thành phố trên hành trình phát triển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)