Nông dân đầu tư máy bay không người lái chăm sóc lúa

Mỹ Hằng |

Ứng dụng thiết bị máy bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là cách làm nông nghiệp đã cho thấy hiệu quả không chỉ trong sản xuất mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe con người. Nắm bắt lợi thế này và nhu cầu của người dân địa phương, anh Nguyễn Văn Tuần, thôn Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua drone để vừa chủ động trong phát triển kinh tế gia đình, vừa làm dịch vụ.


Theo chia sẻ của anh Tuần, từ nhiều năm trước đây, gia đình anh canh tác khoảng 8 ha lúa. Vào mỗi vụ sản xuất, các khâu như gieo trồng, thu hoạch, vận chuyển đều được ứng dụng cơ giới hóa. Tuy nhiên, khâu phun thuốc BVTV vẫn thực hiện thủ công. Với diện tích canh tác lớn nên công việc này thực hiện mất rất nhiều thời gian.

Mặt khác, một phần diện tích lúa đã bị giẫm đạp lên nên năng suất phần nào giảm đi; vỏ chai thuốc BVTV vứt bừa bãi làm ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Đến vụ đông xuân 2020 - 2021, sau khi tận mắt chứng kiến chương trình bay trình diễn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và được cán bộ kỹ thuật của công ty giới thiệu các vấn đề liên quan đến ứng dụng drone vào phun thuốc quản lý dịch hại trên cây lúa, anh thấy rất hiệu quả và rất mong muốn được sử dụng công nghệ này vào sản xuất.

Anh Tuần (ngoài cùng, bên trái) trình diễn drone phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa hữu cơ - Ảnh: M.H
Anh Tuần (ngoài cùng, bên trái) trình diễn drone phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa hữu cơ - Ảnh: M.H

“Qua tìm hiểu, được biết có rất nhiều người dân trong vùng có nhu cầu sử dụng drone vào sản xuất nhưng giá bán của thiết bị khá cao nên việc đầu tư để tự phục vụ rất khó khăn. Việc thuê thiết bị từ địa phương khác đến không chủ động được thời gian và nhiều khi không đặt được lịch. Từ thực tế này, ngay trong vụ đông xuân 2020 - 2021, tôi đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật bay và đầu tư 320 triệu đồng để mua một drone hiệu J10 vừa chủ động trong phát triển kinh tế gia đình, vừa làm dịch vụ”, anh Tuần cho biết.

Thiết bị drone có tính năng thiết lập đường bay tự động, điều chỉnh chế độ phun tự động cho nhiều loại cây trồng với cơ chế đầu phun liên tục xoáy tròn, hạt dung dịch thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ và mịn, lượng thuốc được phân bổ đều trên bề mặt ruộng lúa do đường bay không chồng lấn lên nhau. Khi dùng drone sẽ giảm được lượng thuốc, thời gian phun thuốc, tránh giẫm đạp khi đi lại trong quá trình phun thuốc và đặc biệt là tránh sự tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV so với phun thuốc thủ công thông thường.

Nếu như trước đây nông dân phải sử dụng 300 - 400 lít dung dịch thuốc BVTV để phun cho 1 ha lúa thì nay với việc sử dụng drone lượng nước giảm đến 90%, chỉ tốn khoảng 15 - 30 lít dung dịch thuốc nhưng với các công nghệ lập trình sẵn đường bay, hệ thống đầu phun siêu nhỏ nên hạt dung dịch thuốc được phun đều và mịn, trải đều mặt ruộng.

Anh Tuần cho biết: “Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, nếu phun thủ công mỗi ngày người dân chỉ thực hiện được trên diện tích khoảng 0,5 ha, tiền thuê nhân công 700 nghìn đồng/ha. Trong khi với drone, công suất phun tối thiểu sẽ đạt 16 ha/ ngày, tối đa 20 ha/ngày, chi phí cho 1 ha chỉ 350 nghìn đồng. Hiện nay, không chỉ người dân trong vùng mà người dân các địa phương như Hải Lăng, Triệu Phong và một số tỉnh lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình cũng liên hệ tôi đặt lịch phun thuốc”.

Song song việc mua drone làm dịch vụ, hiện nay, gia đình anh Tuần đang canh tác 8 ha lúa, trong đó có 4 ha lúa hữu cơ, liên kết với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị. Theo anh Tuần, trước đây gia đình anh canh tác lúa theo phương thức truyền thống phải bỏ ra nhiều sức lao động, nhiều chi phí đầu tư nhưng kết quả thu về không tương xứng vì giá bán bấp bênh.

Sau khi liên kết sản xuất với doanh nghiệp, các thành viên trong gia đình được giới thiệu, hướng dẫn cách thức sản xuất lúa hữu cơ, phù hợp xu thế nông nghiệp 4.0 và phát triển nông nghiệp bền vững. Anh Tuần cho biết: “Giống lúa đưa vào sản xuất là giống ST25. Tham gia liên kết, tôi được cung cấp toàn bộ giống, kỹ thuật gieo mạ và chăm sóc theo quy trình công nghệ sản xuất của công ty.

Khi thu hoạch công ty thu mua với giá 12 nghìn đồng/kg lúa tươi tại ruộng (cao hơn so với lúa sản xuất truyền thống khoảng 5 nghìn đồng/kg lúa tươi), trừ chi phí, lãi khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều so với trồng lúa truyền thống”. Ngoài mô hình này, bằng sự chịu khó và nhạy bén trong phát triển kinh tế, anh Tuần còn chăn nuôi trâu, bò sinh sản, mở dịch vụ vận chuyển vận tải bằng ô tô... Tổng lợi nhuận mỗi năm trên 300 triệu đồng.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lâm Lê Đức Long, mô hình kinh tế của gia đình anh Tuần là một trong những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù ban đầu gặp nhiều khó khăn song với nỗ lực của bản thân trong việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào quá trình sản xuất, giờ đây anh Tuần là một điển hình làm kinh tế giỏi để hội viên nông dân trong xã đến học hỏi và làm theo.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nông dân phấn khởi vì vụ lúa hè thu được mùa, được giá

Lê An |

Vụ hè thu năm nay toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy được trên 22.360 ha. Hiện tại trên các cánh đồng lúa, nông dân đang tất bật thu hoạch lúa với niềm vui được mùa, được giá.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng kiểm tra thu hoạch lúa vụ hè thu

Lê An |

Ngày 16/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã đi kiểm tra tình hình thu hoạch lúa vụ hè thu trên địa bàn huyện Hải Lăng.

Thị trường nông sản: Giá lúa, gạo trong nước tăng mạnh

PV |

Từ nay đến cuối năm nếu thời tiết không diễn biến bất thường thì sản lượng lúa sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu.

Cuộc khủng hoảng lúa gạo toàn cầu đang leo thang

Chấn Hưng |

Quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang bắt đầu có hiệu ứng domino trên toàn thế giới.