Nông dân gặp khó khăn vì giá vật tư phân bón tăng cao

Võ Thái Hòa |

Từ đầu vụ hè thu đến nay, giá các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn khi tiến hành sản xuất vụ hè thu năm 2021. Chi phí đầu tư cho sản xuất của nông dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung càng nhiều hơn trong khi tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp làm cho giá nhiều loại nông sản giảm hoặc khó tiêu thụ hơn bình thường.


Giá tăng, hàng thiếu

Theo kết quả thanh tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trên thị trường giá hầu hết các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đều tăng. Giá tăng dần và đến nay đang ở mức cao. Tùy theo từng loại phân bón và thuốc BVTV có mức độ tăng giá khác nhau. So với đầu năm 2021, mặt hàng tăng giá nhiều nhất hiện nay là đạm urê đến nay ở mức 12.600 đồng/kg, tăng 70,27%; NPK 17-12-3 Đầu Trâu giá 9.400 đồng/kg, tăng 25,33%; kali giá 9.400 đồng/kg, tăng 20,51%; NPK 10-12-5 Ninh Bình giá 6.500 đồng/kg, tăng 12,07%; giá các loại thuốc BVTV tăng bình quân từ 25- 30%.

Chăm sóc lúa vụ hè thu - Ảnh: V.T.H
Chăm sóc lúa vụ hè thu - Ảnh: V.T.H

Cùng với việc tăng giá là tình trạng ít hàng. Hiện tại, các đại lý phân bón trên địa bàn mặc dù vẫn đủ lượng phân bón cung cấp cho nông dân nhưng lượng hàng nhập vào ít đi nên có khả năng các đại lý không đủ phân bón và vật tư nông nghiệp để bán cho nông dân đến hết các kỳ bón phân cho cây trồng vụ hè thu. Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Nga, Đông Hà Trần Ngọc Linh cho biết: “Mọi năm trước vào vụ sản xuất công ty có lượng hàng rất nhiều nhưng vụ này lượng hàng giảm đáng kể. Hiện tại, công ty vẫn còn lượng phân bón và vật tư để bán cho nông dân nhưng thời gian tới nguồn cung cho công ty khó khăn hơn nên công ty sẽ khó xoay xở các nguồn cung ứng khác để đáp ứng cho nông dân”.

Nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá theo Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Quảng Trị Nguyễn Thị Ngọc Bích là do giá cước vận tải tăng cao trên toàn cầu trong thời gian qua đã làm cho giá thành một số loại phân nhập khẩu hoặc giá các loại nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất phân bón bị đẩy lên. Mặt khác, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nguyên vật liệu sản xuất phân bón gặp nhiều khó khăn, vì thế sản lượng phân cung ứng trên toàn quốc giảm. Nguồn cung khan hiếm không chỉ làm cho giá tăng mà còn thiếu hàng để bán.

Từ những nguyên nhân tăng giá phân bón trên đã làm cho doanh nghiệp và người nông dân đều gặp nhiều khó khăn trong vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết thêm: “Nhiều doanh nghiệp hiện nay thiếu vốn sản xuất, biết là trong tình hình này nên nhập hàng đủ lượng để cung ứng cho nông dân như các năm trước nhưng không làm được. Do đó, đề nghị các ngân hàng tăng hạn mức cho doanh nghiệp vay vốn để dự trữ hàng cung cấp cho nông dân phục vụ sản xuất”.

Nông dân gặp nhiều khó khăn

Chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng lên là bài toán khó hiện nay mà nông dân chưa tính được. Chi phí trong sản xuất nông nghiệp chiếm phần nhiều là vật tư phân bón (chiếm khoảng 60% - 70% cả phân bón và BVTV) nên bây giờ giá vật tư phân bón tăng cao đã làm cho nông dân thiếu vốn sản xuất. Trong khi giá sản phẩm nông nghiệp vụ đông xuân mới thu hoạch xong khó bán được hoặc bán giá thấp do ảnh hưởng của COVID-19 bùng phát làm thị trường nông sản không lưu thông được.

Hộ ông Lê Văn Trắc ở thôn Hải Chữ, xã Trung Hải, Gio Linh hàng vụ trồng 1,3 mẫu lúa. Mấy năm trước, chi phí mua phân bón và thuốc BVTV để sản xuất chừng đó diện tích lúa của ông Trắc là khoảng 6 triệu đồng nhưng vụ hè thu năm nay ông Trắc phải chi hơn 8,5 triệu đồng. Vụ đông xuân vừa qua, lúa gia đình ông được mùa nhưng toàn bộ sản lượng lúa của ông bán ra không đủ trang trải cho những khó khăn của cuộc sống do bị ảnh hưởng bởi trận lũ lớn năm 2020. Nay tiến hành sản xuất trong điều kiện chi phí vật tư phân bón tăng trung bình gần 50% thì thực sự gia đình ông đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trắc cho biết: “Vừa mới bị thiệt hại do lũ lụt xong, giờ giá vật tư phân bón lên cao nên gia đình tôi gặp khó khăn trong sản xuất. Mua nợ phân bón bây giờ cũng khó hơn vì các cửa hàng ít cho nợ do hàng của họ không đủ để bán”.

Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo trồng hơn 26.000 ha, trong đó nhóm cây lương thực đạt trên 22.300 ha, nhóm cây thực phẩm đạt hơn 3.000 ha. Đó là chưa kể nhóm cây công nghiệp dài ngày hơn 4.000 ha cũng cần chăm sóc bón phân. Theo tính toán, giá phân bón chiếm khoảng 35% chi phí sản xuất, thuốc BVTV chiếm khoảng 30% - 35%. Giá vật tư phân bón, thuốc BVTV vụ này tăng cao ngay đầu vụ nên nông dân phải chi trả hoàn toàn chi phí phân bón, thuốc BVTV cho cả vụ ở mức cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân. Trong khi đó, giá cả nông sản trong vụ đông xuân vừa qua, ngoài giá lúa ổn định và có tăng nhẹ, còn giá các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả… đều giảm xuống thấp, thậm chí nhiều nơi không tiêu thụ được nông sản.

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Trước tình hình tăng giá vật tư phân bón nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cùng các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp đến các tổ chức, cá nhân và người sản xuất. Phối hợp chặt chẽ với thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và PTNT tiến hành thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh vật tư phân bón, thuốc BVTV đảm bảo theo quy định của pháp luật. Bắt buộc các cơ sở kinh doanh niêm yết công khai giá vật tư phân bón, không để xảy ra trường hợp ém hàng để nâng giá và cung ứng vật tư không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng suất, sản lượng cây trồng.

Hướng dẫn nông dân căn cứ vào tính chất của cây trồng và mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất và sử dụng theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây trồng, đúng nhu cầu sinh thái, đúng thời vụ và thời tiết, đúng phương pháp). Khuyến khích nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo phân hữu cơ bón cho cây trồng thay dần phân bón vô cơ để tiết kiệm chi phí sản xuất và ra tạo sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng rộng rãi chương trình “3 giảm, 3 tăng”, sử dụng các loại phân bón dạng chậm tan để hạn chế thất thoát phân do biến đổi khí hậu, giúp tiết kiệm lượng phân bón và tăng năng suất cây trồng. Kết hợp bón phân vùi trong đất và bón phân qua lá làm tăng sức chống chịu của cây trồng, giảm chi phí bón phân đa lượng.

Các đơn vị thủy nông thực hiện điều tiết nước tưới tiết kiệm, hợp lý, khoa học, theo giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, chỉ bón phân khi trong ruộng lúa có nước để hạn chế phân bón thất thoát do khô hạn.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bùi Phước Trang cho biết: “Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh tùy theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư phân bón và thuốc BVTV; tăng cường cán bộ về cơ sở hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp canh tác tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất cây trồng. Thực hiện tốt công tác điều tra, dự báo, phát hiện kịp thời sinh vật gây hại, dịch hại để có biện pháp phòng trừ nhanh chóng, hiệu quả, giảm chi phí sản xuất. Đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT về trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, thực hiện các biện pháp thủy lợi, điều tiết nước để phục vụ tốt nhất cho nông dân đạt hiệu quả cao nhất. Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh tiếp tục đồng hành, kết nối, mời gọi các tổ chức, cá nhân liên kết với nông dân để tiến hành sản xuất, tiêu thụ nông sản hiệu quả, thuận lợi”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hải Lăng: 500 ha lúa được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái

Lê An |

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Hồ Quốc Minh cho biết, nhằm đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, vụ hè thu năm nay huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã hỗ trợ 50 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện, mỗi HTX xây dựng 1 điểm trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng thiết bị bay không người lái (drone) với quy mô 10 ha.

Đẹp ngỡ ngàng Pù Luông mùa lúa chín

Đinh Lê |

Pù Luông được người dân xứ Thanh ví như một Sa Pa thu nhỏ, thời tiết ở đây mát mẻ quanh năm và đã trở thành địa điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng. Đặc biệt, vào những mùa lúa chín, nơi đây tràn ngập sắc vàng, trải dài trên những thửa ruộng bậc thang đẹp đến mê mẩn.

Nhiều giống lúa mới có triển vọng

Lê An |

Nhằm tìm ra các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, sức chống chịu tốt để bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị đã tăng cường phối hợp với các đơn vị sản xuất giống cây trồng tập trung khảo nghiệm một số giống lúa mới và bước đầu đã xác định được một số giống lúa phù hợp, có khả năng nhân rộng trong thời gian tới.

Triệt phá điểm đá gà giữa đồng lúa

Vũ Tiến |

Ngày 30.5, Công an huyện Châu Phú (An Giang) xác nhận, lực lượng Cảnh sát hình sự đã triệt phá điểm đá gà giữa đồng lúa.