Ôn thi tốt nghiệp THPT: Không nên học đến quên ăn quên ngủ

Nguyễn Trang |

Các thầy cô khuyên trước kỳ thi quan trọng, lo lắng là điều khó tránh, đặc biệt trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học do dịch bệnh, song các em cần sắp xếp thời gian hợp lý, không nên quá căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là kỳ thi quan trọng bởi kết quả này không chỉ được sử dụng để công nhận tốt nghiệp mà còn được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển đại học.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay, hàng chục địa phương trên cả nước buộc phải cho học sinh dừng đến trường, chuyển sang học online.

Lo lắng, căng thẳng là tâm trạng chung của nhiều sĩ tử trước mùa thi. (Ảnh minh họa)
Lo lắng, căng thẳng là tâm trạng chung của nhiều sĩ tử trước mùa thi. (Ảnh minh họa)

Lo lắng, bất an, áp lực là tâm lý chung của nhiều sĩ tử mùa thi.

Học ngày "cày" đêm vẫn thấy chưa đủ

Nguyễn Thanh Nga (Hà Nội) dự định thi khối B (Toán, Hóa, Sinh) vào Đại học Dược Hà Nội cho biết, kế hoạch học tập của em bị xáo trộn rất nhiều khi dịch bệnh bùng phát trở lại. Từ học trực tiếp, đến nay Nga cũng như nhiều học sinh Hà Nội khác phải chuyển sang học trực tuyến. Hình thức học này không còn xa lạ khi đã sang “năm covid” thứ 2, nhưng nói về tính hiệu quả, nữ sinh cho rằng vẫn không thể so sánh với việc học trực tiếp.

“Cùng một thời gian học 45 phút, nhưng em thấy lượng kiến thức khi học trực tuyến không được nhiều như học trên lớp, thầy cô cũng không thể giảng bài kỹ như trên lớp. Hiện tại em đang trong quá trình ôn lại toàn bộ kiến thức của các môn dùng để xét tuyển đại học và luyện đề để bổ sung những phần kiến thức còn hổng. Đây là giai đoạn nước rút rất quan trọng, chúng em cần sự giúp đỡ nhiều từ thầy cô và trao đổi với bạn bè, nhưng mọi thứ đều khó khăn hơn do không thể đến trường. Các lớp học ôn thi tại các trung tâm cũng phải dừng lại. Em thấy rất hoang mang, lo lắng, học bao nhiêu cũng chưa thấy đủ”, Nga chia sẻ.

Nữ sinh cho hay, không chỉ hoang mang khi bài vở cần ôn tập còn nhiều, mà em cũng lo ngại về việc kỳ thi sẽ bị thay đổi thời gian, lịch thi: “Em không muốn phải hoãn thi quá lâu do dịch bệnh, vì chưa thi ngày nào là căng thẳng, hồi hộp ngày ấy”.

Mỗi ngày của Trường bắt đầu bằng việc thức dậy lúc 4h sáng để luyện các dạng đề, học online theo lịch của nhà trường, học nhóm online cùng các bạn và học cùng gia sư buổi tối. Mỗi ngày nam sinh đều học từ sáng sớm đến đêm khuya nhưng vẫn không khỏi lo lắng: “Ngành mà em có nguyện vọng xét tuyển điểm trúng tuyển rất cao, nếu như những năm trước, phải đạt ít nhất 9 điểm 1 môn mới có cơ hội nên em thấy rất áp lực. Với các môn tự nhiên, học trực tuyến sẽ khó tiếp thu hơn rất nhiều. Trong giai đoạn này, em nghĩ quan trọng nhất là sự tự giác, sắp xếp thời gian một cách khoa học để ôn thi tăng tốc”.

Nam sinh cũng cho biết đang tích cực làm các đề thi thử và tính thời gian đúng như thi thật để luyện tốc độ và kỹ năng làm bài trong phòng thi.

Học nhiều nhưng vẫn cần... chơi

Đưa ra lời khuyên cho các sĩ tử trong thời gian ôn thi nước rút, thầy Lê Châu Vân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Kon Tum cho rằng, do nhu cầu và kỳ vọng xã hội ngày càng cao, việc học tập trở thành yêu cầu bắt buộc để con người có thể đạt được những thành tựu nhất định. Cùng với đó là các kỳ thi, tình hình dịch bệnh phức tạp, hơn thế nữa, xuất phát từ gia đình, bạn bè hay thầy cô đặt kỳ vọng lên các em quá nhiều đang ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý thi cử của học sinh.

Lê Châu Vân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Kon Tum khuyên thí sinh nên sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, vẫn có thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thẳng. (Ảnh: GDTĐ)
Lê Châu Vân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Kon Tum khuyên thí sinh nên sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, vẫn có thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thẳng. (Ảnh: GDTĐ)

Để giảm căng thẳng khi thi, thầy Vân khuyên các thí sinh cần nhanh chóng lấy lại được sự bình tĩnh và tự chủ. “Khi các em làm bài thi trong trạng thái căng thẳng sẽ đều ảnh hưởng lớn tới kết quả bài làm. Do đó các sĩ tử cần xây dựng thời gian biểu hợp lý, hài hòa để có thời gian nghỉ ngơi, giải trí và đủ thời gian ôn tập, đảm bảo được sức khỏe bản thân.

Bên cạnh đó, khi bước vào kỳ thi các sĩ tử nên giữ vững tinh thần thoải mái, tự tin để có thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất”, thầy Vân nhấn mạnh.

Thầy Lê Châu Vân cũng lưu ý rằng, để kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đạt kết quả tốt nhất, việc lập thời gian biểu ôn thi là một công việc khá quen thuộc nhưng không hề dễ dàng đối với các sĩ tử.

“Đứng trước một kỳ thi quan trọng chắc hẳn em học sinh nào cũng lo lắng làm sao có thể “nhồi nhét” một khối lượng lớn kiến thức của ba năm học mà vẫn đảm bảo được thời gian nghỉ ngơi để có sức khỏe tốt trong suốt mùa thi.

Nếu như bình thường, thời gian một ngày của học sinh cân bằng giữa việc học, chơi và ngủ nghỉ thì trong thời gian ôn thi hãy cố gắng hạn chế tối đa thời gian dành cho việc giải trí, thay vào đó, ưu tiên cho thời gian học.

Việc học cần chiếm nhiều hơn trong quỹ thời gian, nhưng tuyệt đối không nên làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của các em. Nếu các em học sinh học quá nhiều, học quên ngủ, lo lắng rằng mình chưa học đủ gây trằn trọc mất ngủ… đều rất có hại cho sức khỏe. Bởi lẽ thời gian ngủ là thời gian cơ thể được nghỉ ngơi, nạp năng lượng, phục hồi chức năng của các cơ quan, bộ phận. Nếu không có những giấc ngủ ngon, các sĩ tử sẽ luôn trong trạng thái mệt mỏi, học nhanh quên… trong suốt mùa thi”, thầy Lê Châu Vân nhắc nhở học sinh.

Cũng theo thầy Vân, trong thời gian học, để tránh việc gây hại cho sức khỏe vì ngồi học quá lâu, học sinh nên nghỉ giải lao 5-10 phút sau 45 phút tập trung học ôn. Trong thời gian nghỉ ngơi sĩ tử có thể nạp năng lượng bằng việc ăn nhẹ hoặc thư giãn bằng các bài hát, điệu nhạc.

Đặc biệt, các em nên tránh việc vì lo lắng quá mức dẫn đến thiếu ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Thầy Lê Phước Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng khuyên thí sinh nên chấp hành việc học online như học trực tiếp trên lớp. (Ảnh: GDTĐ)
Thầy Lê Phước Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng khuyên thí sinh nên chấp hành việc học online như học trực tiếp trên lớp. (Ảnh: GDTĐ)

Nên chấp hành học trực tuyến như học trên lớp

Còn theo thầy Lê Phước Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, những học sinh đang phải tạm dừng đến trường, học trực tuyến, các em nên chú ý theo dõi, cập nhật những thông tin mới trên các group học tập do giáo viên lập. Đối với các bài tập, đề thi thử được giao, học sinh cố gắng hoàn thành theo đúng thời gian yêu cầu của giáo viên. Tùy theo môn học, một số giáo viên có thể quy định một thời gian cụ thể nào đó để cả lớp tương tác trực tuyến nhằm giải đáp thắc mắc, hỗ trợ học sinh ôn tập. Các em nên chấp hành như đang tham gia lớp học trực tiếp để có thêm cơ hội củng cố, hệ thống lại kiến thức và kinh nghiệm, kỹ thuật làm bài thi phù hợp với hình thức thi.

Theo thầy Bình, tại nhiều trường, thời điểm này, học sinh chỉ còn 1 số tiết ôn tập, củng cố kiến thức, do đó thời gian này học sinh cần tự ôn tập nhằm hệ thống lại kiến thức đã học và làm quen với các dạng đề.

“Bên cạnh sự hỗ trợ của thầy cô giáo thì học sinh phải nỗ lực tự học. Phụ huynh phải thường xuyên động viên, nhắc nhở con em mình. Đối với những học sinh chưa có ý thức cao trong việc tự học thì rất cần sự phối hợp nhắc nhở của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Trong khi học sinh tạm dừng đến trường thì giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 là cầu nối thông tin giữa nhà trường với học sinh và phụ huynh, nhất là những thông tin có liên quan đến thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh CĐ, ĐH”, thầy Bình lưu ý.

(Nguồn: VOV.VN)

TAGS

Điểm mới thí sinh cần lưu ý trước khi đăng ký thi Tốt nghiệp THPT

Phạm Mai |

Ngày 27/4, thí sinh trên cả nước bắt đầu làm thủ tục đăng ký dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm ngành giáo dục mầm non.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra vào ngày 7, 8/7

T.L |

Bộ GD&ĐT vừa có Công văn 1318/BGDĐT-QLCL hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.   Theo đó, lịch thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 bắt đầu từ ngày 6/7 đến chiều ngày 8/7 và thêm 1 ngày dự phòng là ngày 9/7, cụ thể như sau:  

Tiếng Hàn là môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021

PV |

Bộ GD&ĐT quyết định tiếng Hàn là một trong 7 môn ngoại ngữ chính thức được đăng ký ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 và có thể sử dụng để xét tuyển đại học.

Vẫn thiếu giáo viên, tại sao tốt nghiệp sư phạm không xin được việc?

Tuệ Nhi |

Hiện nay tỉ lệ tuyển dụng sinh viên ngành sư phạm ra trường khá thấp, trong khi đó tại một số địa phương tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.