Vẫn thiếu giáo viên, tại sao tốt nghiệp sư phạm không xin được việc?

Tuệ Nhi |

Hiện nay tỉ lệ tuyển dụng sinh viên ngành sư phạm ra trường khá thấp, trong khi đó tại một số địa phương tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Gửi kiến nghị tới Bộ GDĐT, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nêu: Hiện nay tình trạng sinh viên ngành sư phạm được đào tạo ra trường tỉ lệ được tuyển dụng khá thấp, trong khi đó tại một số địa phương tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra. Cử tri đề nghị Bộ GDĐT phối hợp với các Bộ ngành liên quan đổi mới phương án, cách thức để công khai rộng rãi về thông tin tuyển dụng giáo viên đến tận các UBND cấp xã, để sinh viên ra trường tăng cơ hội tiếp cận thông tin và tham gia dự tuyển.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn xảy ra cục bộ ở nhiều địa phương. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn xảy ra cục bộ ở nhiều địa phương. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Cũng liên quan tới tuyển dụng biên chế, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nêu thực trạng: Hiện tại, ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang còn thiếu 1.448 biên chế sự nghiệp. Tuy nhiên, theo yêu cầu thực tế chỉ thiếu 963 biên chế. Từ đó, đoàn kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có chủ trương bổ sung thêm cho tỉnh Hậu Giang 963 biên chế sự nghiệp giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác dạy và học trên địa bàn tỉnh.

Hiện tượng chỉ tiêu biên chế chênh lệch so với thực tế yêu cầu cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Trước những nội dung liên quan đến việc làm, Bộ GDĐT cho biết, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (có hiệu lực thi hành từ ngày 29.9.2020) quy định việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên là nhiệm vụ và quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, khi tuyển dụng, các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng phải đăng thông báo tuyển dụng công khai ít nhất 1 lần trên 1 trong những phương tiện thông tin đại chúng như: báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình; đồng thời đăng tải trên cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.

Bộ GDĐT đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng có ý kiến với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng hoặc cơ quan được giao tuyển dụng thực hiện việc đăng thông báo tuyển dụng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định, đồng thời có phương án chuyển tải thông tin tuyển dụng giáo viên đến UBND cấp xã để sinh viên ra trường tăng cơ hội tiếp cận thông tin và tham gia dự tuyển.

Về chỉ tiêu biên chế, Bộ GDĐT trả lời cụ thể như sau: Bộ Nội vụ là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ GDĐT chỉ đạo các địa phương rà soát biên chế, thực hiện biên chế để báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung biên chế (Công văn số 6450/BNV-TCBC ngày 5.12.2020 về việc điều chỉnh biên chế sự nghiệp ngành giáo dục).

Vì vậy, để bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang kiến nghị với UBND tỉnh chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ GDĐT luôn ủng hộ việc bổ sung biên chế cho địa phương nhằm đáp ứng đủ về số lượng nhà giáo trong công tác dạy học và sớm có ý kiến thẩm định gửi Bộ Nội vụ khi nhận được đề xuất của địa phương.

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

Giáo viên tiểu học hạng IV phải học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp?

Minh Hương |

Bạn đọc hỏi: "Tôi là giáo viên tiểu học (có bằng đại học) vừa tuyển dụng hạng IV thì có cần học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không?

Lại một kiểu “giấy phép con” hành giáo viên

Đặng Chung - Nguyễn Hùng |

Dù vui mừng khi Bộ Giáo dục Đào tạo đã bỏ các điều kiện về chứng chỉ tin học và ngoại ngữ trong việc bổ nhiệm, thăng hạng cho giáo viên, nhưng hiện nhiều nhà giáo đang tâm tư và lo lắng. Nhiều nơi, giáo viên phải “chạy đua” đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và “thấm” những đoạn trường trong công cuộc thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Lãng phí và hình thức từ các lớp “thăng hạng” giáo viên

Q. Đại - Hưng Thơ |

Để được “thăng hạng”, hưởng lương cao hơn, giáo viên trên cả nước ồ ạt đăng ký tham gia học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên (CDNNGV). Các lớp cấp chứng chỉ này được mở ra liên tục, đem lại lợi nhuận rất lớn cho các đơn vị, làm giáo viên mệt mỏi, tốn kém.

Khi nào giáo viên phải đi học lấy chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp

Tú Quỳnh |

Theo quy định trong một loạt Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hiệu lực từ ngày 20.3.2021, giáo viên các cấp sẽ phải đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Vậy, khi nào thì phải đi học để có chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp với giáo viên?