Bộ GD&ĐT quyết định tiếng Hàn là một trong 7 môn ngoại ngữ chính thức được đăng ký ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 và có thể sử dụng để xét tuyển đại học.
Theo thông tin đăng tải trên báo Vietnamne, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các ĐH, học viện; các trường ĐH, các trường sĩ quan đào tạo trình độ ĐH; các trường CĐ có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non rà soát, cung cấp và công bố thông tin tuyển sinh các hình thức đào tạo trình độ đại học và cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2021.
Để tạo điều kiện cho các thí sinh lựa chọn môn tiếng Hàn được sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển trình độ ĐH; CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2021, Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường rà soát, quyết định việc bổ sung mã tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Hàn để xét tuyển vào các ngành nghề đào tạo, bảo đảm theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành.
Theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm các môn thi thành phần là Vật lý, Hóa học, Sinh học); 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm các môn thi thành phần là Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên). Riêng với bài thi ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn để đăng ký dự thi một trong 6 thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức hoặc tiếng Nhật.
Với quy định mới của Bộ GD&ĐT về việc bổ sung môn tiếng Hàn vào danh mục các môn thi, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, thí sinh sẽ có 7 thứ tiếng để lựa chọn khi đăng ký dự thi ngoại ngữ.
Bộ GD&ĐT trước đó quyết định đưa môn tiếng Hàn và tiếng Đức vào giảng dạy thí điểm như một môn ngoại ngữ 1 ở một số cơ sở giáo dục phổ thông. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Nhật); ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn (trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn).
Bộ GD&ĐT nêu rõ, sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương, nhu cầu học ngày càng cao, nhiều cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn hai thứ tiếng này như các môn ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập, thi cử của học sinh.
Từ các nhu cầu thực tế trên, đồng thời để giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác, Bộ GD&ĐT quyết định thí điểm dạy hai thứ tiếng này là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu. Đây cũng là nội dung thoả thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Đức về việc dạy tiếng ở trường phổ thông Việt Nam, theo VTC News.
(Nguồn: Ngày Nay)