Ngày 16/6/2021, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam làm trưởng đoàn kiểm tra thực trạng nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó trên địa bàn huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông.
Tại các trường: Mầm non A Dơi, Tiểu học và THCS A Dơi, Mầm non Xy (huyện Hướng Hóa) và các điểm trường của Trường Tiểu học Tà Long, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Pa Nang (huyện Đakrông) mà đoàn đến kiểm tra, hầu hết nhà ở công vụ cho giáo viên còn thiếu thốn, nhà xây dựng từ lâu thì đã xuống cấp, tạm bợ; nhiều nơi do thiếu nhà ở công vụ nên giáo viên phải ở nhờ nhà dân, ở tạm trong phòng học. Do thiếu nhà ở công vụ cho giáo viên nên đời sống sinh hoạt của đội ngũ giáo viên vùng khó gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện toàn tỉnh có 1.144 nhà ở công vụ cho giáo viên đã được xây dựng trong tổng số nhu cầu nhà ở công vụ cần có là 1.805 (đạt 63,8%). Phần lớn nhà ở công vụ cho giáo viên được xây dựng từ năm 2008 đến nay, nhiều nhà đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Nhu cầu toàn tỉnh hiện cần 533 nhà ở công vụ cho giáo viên. Đối với huyện Hướng Hóa, hiện tại thiếu 195 nhà ở công vụ cho giáo viên (494 giáo viên có nhu cầu nhà ở công vụ), trong đó cần cấp bách 48 nhà; huyện Đakrông thiếu 170 nhà ở công vụ cho giáo viên, trong đó cần cấp bách là 45 nhà.
Dù nhu cầu về nhà ở công vụ cho giáo viên hết sức bức thiết nhưng do cần nguồn kinh phí lớn nên việc triển khai xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay đề án về nhà ở công vụ cho giáo viên đã cơ bản hoàn thành, chuyến kiểm tra thực địa lần này nhằm nắm bắt tình hình thực tế, nhu cầu của các trường học, giáo viên; tranh thủ ý kiến, đề xuất của các sở, ngành, đơn vị liên quan để qua đó làm căn cứ hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh ban hành đề án tổng thể.
Các huyện Hướng Hóa, Đakrông đề nghị tỉnh sớm phê duyệt đề án nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó để đảm bảo nơi ở ổn định giúp giáo viên vùng khó yên tâm công tác. Đồng thời kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ nguồn lực theo hình thức xã hội hóa để triển khai xây dựng phòng học tạm, phòng học mượn, nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó trong thời gian tới.
Trên cơ sở đề xuất, ý kiến đóng góp của các địa phương, các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam lưu ý cần phải xác định được tiêu chí, định mức của nhà ở công vụ cho giáo viên; chủ động lựa chọn thiết kế mẫu nhà ở công vụ cho giáo viên với yêu cầu tối thiểu là mỗi phòng phục vụ 2 người ở, có nhà vệ sinh khép kín, có khu bếp nấu ăn, bàn làm việc để trình Sở Xây dựng thẩm định. Tính toán, rà soát kỹ nhu cầu thực tế nhà ở công vụ cho giáo viên, trước mắt là nhu cầu về nhà ở công vụ cho giáo viên thuộc diện cấp bách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát kỹ về nguồn vốn trung ương, nguồn vốn đối ứng của địa phương; các chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để lồng ghép vào đề án nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó. Trước mắt, cần ưu tiên và quyết tâm sớm triển khai xây dựng các nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó thuộc diện cấp bách; đồng thời phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ cơ bản xây dựng được các nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho giáo viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở những địa bàn vùng khó. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương rà soát lại các nội dung, yêu cầu của đề án, phấn đấu hoàn thành đề án trong tháng 7/2021.
Box: Hiện toàn tỉnh có 1.144 nhà ở công vụ cho giáo viên đã được xây dựng trong tổng số nhu cầu nhà ở công vụ cần có là 1.805 (đạt 63,8%). Phần lớn nhà ở công vụ cho giáo viên được xây dựng từ năm 2008 đến nay, nhiều nhà đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)