Phân loại rác thải góp phần bảo vệ môi trường ở nông thôn

Minh Long |

Xác định hiện nay rác thải luôn là vấn đề nóng, gây bức xúc ở nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn, thời gian qua, Hội LHPN phụ nữ xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã có nhiều cách làm thiết thực góp phần bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, hội tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và người dân tham gia thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ, góp phần tích cực trong việc xây dựng cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp” ở địa phương.

Vừa qua, thôn Long Quang được Hội LHPN xã Triệu Trạch chọn làm điểm ra mắt mô hình phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ. Để mô hình triển khai thuận lợi, hội hỗ trợ chi hội thôn 100 sọt rác và 50 gói chế phẩm vi sinh cho 50 hội viên.

Việc phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội cả về môi trường lẫn kinh tế, giúp việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt thuận tiện; giảm thiểu rác qua xử lý để tái chế, tái sử dụng, hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Các loại rác thải hữu cơ được xử lý thành phân bón cho cây trồng thay thế phân hóa học, giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất.

Phụ nữ thôn Long Quang được hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ - Ảnh: M.L
Phụ nữ thôn Long Quang được hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ - Ảnh: M.L

Những năm gần đây, cùng với phát triển KT-XH, đời sống người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng nên kéo theo lượng chất thải phát sinh tăng. Nhiều nơi, rác thải xuất hiện khắp đường, dọc sông, suối, bờ kênh... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Việc phân loại xử lý rác thải chưa được cộng đồng, người dân quan tâm đúng mức.

Nhiều hộ vẫn bỏ rác chung chứ không phân loại. Từ đó, gây nhiều khó khăn trong việc thu gom và xử lý rác thải, làm cho môi trường sống bị ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống hằng ngày của người dân.

Phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ đối với việc bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Hội LHPN xã Triệu Trạch kêu gọi toàn thể hội viên và Nhân dân cùng chung tay phân loại rác thải tại nguồn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải. Đồng thời, phát hàng trăm tờ rơi hướng dẫn về phân loại rác tại nguồn, xử lý rác hữu cơ thành phân hữu cơ tại hộ gia đình.

Tích cực hướng dẫn hội viên phụ nữ và Nhân dân cách phân loại rác thải trong đời sống sinh hoạt theo 3 nhóm rác thải: đối với rác hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, vỏ trái cây, rau củ quả hư hỏng, lá cây khô... thì đào hố di động trong vườn để xử lý, hoặc dùng xô nhựa có đục lỗ ở phía dưới và 2 bên thành, sau đó hằng ngày đổ rác hữu cơ vào và sử dụng chế phẩm vi sinh để ủ thành phân bón cho cây trồng. Đối với rác tái chế, tái sử dụng như kim loại, chai nhựa, giấy thì dùng để bán phế liệu. Loại rác vô cơ khó phân hủy như túi nilon, gốm sứ, thủy tinh thì thu gom, tập kết để vận chuyển đi xử lý.

Với sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, phong trào bảo vệ môi trường, trong đó có phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ thực sự lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân xã Triệu Trạch.

Qua đó, góp phần giữ gìn môi trường sống, xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp thiết thực trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương.

Chủ tịch Hội LHPN xã Triệu Trạch Phan Thị Hoài My cho biết: “Việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nếu các gia đình luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường “sáng- xanh-sạch-đẹp” hơn.

Trên cơ sở hiệu quả bước đầu của mô hình phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ ở Long Quang, thời gian tới, hội nhân rộng mô hình này ra các chi hội trong toàn xã, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt tiêu chí môi trường để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Phụ nữ Hải Lăng tích cực bảo vệ môi trường

Hoài Nhung |

Xác định công tác bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những nội dung trọng tâm của công tác hội và phong trào phụ nữ, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực, hiệu quả trong xây dựng, bảo vệ và duy trì môi trường xanh, sạch, đẹp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên hơn 4.000 đồng/lít

An Ly |

Mới đây, cơ quan quản lý đã đề xuất sửa khung thuế bảo vệ môi trường với xăng theo hướng giữ mức thuế tối thiểu hiện hành là 1.000 đồng/lít và tăng mức thuế tối đa lên hơn 4.000 đồng/lít.

Khôi phục và phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Lâm Khanh |

Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Trị gắn với sự tồn tại các làng nghề. Qua thời gian, có nhiều làng nghề đã bị mai một nhưng cũng có không ít làng nghề vẫn đang tồn tại và phát triển. Vì thế, việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với công tác bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu phát triển trong tổng thể kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Phật giáo với vấn đề bảo vệ môi trường

PV |

Không phải đến thời điểm này, vấn đề môi trường mới được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết của toàn nhân loại. Những hậu quả của việc tàn phá môi trường đang đưa cuộc sống của loài người đến gần hơn với những hiểm họa của sự diệt vong.