Sáng 24/11/1946, tại Hà Nội, hội nghị văn hóa Việt Nam lần thứ Nhất đã diễn ra nhằm huy động mọi đề xuất, sáng kiến chấn hưng văn hóa dân tộc. Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu quan trọng, Người khẳng định: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. Đó là kim chỉ nam phát triển nền văn hóa cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.
Cùng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, văn hóa quân sự là di sản quý báu, mang giá trị hết sức to lớn, xây dựng quân đội nhân dân trưởng thành và lớn mạnh, góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Bằng biểu hiện đặc sắc và rõ nét, đó là: “chủ nghĩa yêu nước và cách mạng cao cả”; “tinh thần đoàn kết và gắn bó máu thịt với Nhân dân”, “tính trí tuệ và nhân văn sâu sắc”… văn hóa quân sự Việt Nam tạo nên sức mạnh của “chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ Việt Nam”, tạo nên giá trị cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân… Đó là sự đặc biệt, riêng có của đội quân từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu.
Ngày nay, đất nước sau hơn 36 năm đổi mới, quốc phòng, an ninh ngày càng được tăng cường và củng cố; tạo cơ sở, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới, phát triển.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tăng cường hoạt động chống phá toàn diện, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
Trong tình hình mới, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu ngày càng cao. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, tác động đến quân đội.
Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh mạng và các hình thái chiến tranh mới ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng văn hóa quân sự Việt Nam.
Phát huy tinh thần của hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là nhiệm vụ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”, việc tiếp tục xây dựng, phát triển giá trị văn hóa quân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược cả trước mắt và lâu dài.
Nâng cao nhận thức các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc hiện nay không chỉ là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ về mặt tự nhiên - lịch sử, mà còn bảo vệ Tổ quốc về mặt chính trị - xã hội, trong đó có bảo vệ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, vấn đề bảo vệ Tổ quốc bằng phương thức phi vũ trang ngày càng nổi bật.
Văn hóa quân sự có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vì vậy phải phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa; trong đó, bồi đắp lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giáo dục truyền thống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, đoàn kết chống kẻ thù xâm lược, với tinh thần yêu thương đồng bào, đồng chí, gắn bó, sẻ chia, tương thân tương ái...
Đặc biệt, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” với những tiêu chí cụ thể, xứng đáng là đội quân “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu”, “Trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân”, có tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, có kỷ luật, tự giác, nghiêm minh, có tình đồng chí, đồng đội và tinh thần nhân văn, nhân đạo, gắn bó mật thiết với Nhân dân, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng thiêng liêng, cao quý; góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng và phát triển văn hóa quân sự góp phần quan trọng trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Văn hóa quân sự là nền tảng, là pháo đài bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, nhất là trên không gian mạng hiện nay.
Đồng thời, văn hóa quân sự phải tiên phong trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế. Thông qua văn hóa để tỏa sáng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, ý chí kiên cường, bất khuất của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, ủng hộ rộng rãi trong đối ngoại quốc phòng. Xây dựng các mối quan hệ đoàn kết quốc tế chặt chẽ, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.
Để xây dựng văn hóa quân sự Việt Nam ngày càng phát triển, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ra Chỉ thị số 335-CT/QUTW ngày 20/4/2017 và Kết luận số 1172-KL/QUTW ngày 16/6/2022 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong quân đội thời kỳ mới. Toàn quân phát huy những giá trị văn hóa quân sự đặc sắc, tiêu biểu và kết quả đạt được trong thời gian qua, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của cán bộ, chiến sĩ.
Phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong quân đội theo hướng bản sắc, hiện đại, hội nhập và bền vững, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trong cơ quan, đơn vị.
Thúc đẩy phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với hiện đại hóa hình thức thể hiện, đổi mới sáng tạo, lan tỏa đến với bộ đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên và Nhân dân.
Từ đó xây dựng, thúc đẩy làm cho văn hóa quân sự luôn là nền tảng tinh thần của quân đội, vừa là mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)