Phát huy vai trò của hương ước, quy ước ở Hướng Hóa

Lê An |

Với đặc thù là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chiếm gần 50% dân số, thời gian qua, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại các thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hoạt động tự quản, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Hương ước, quy ước được hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của mỗi cộng đồng dân cư; là tri thức dân gian được tích lũy, đúc kết từ nhiều thế hệ, không ngừng được bổ sung hoàn thiện và trở thành các quy tắc ứng xử do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội của Nhân dân.

Hiện nay, toàn huyện Hướng Hóa có 110/149 thôn, bản, khu phố có hương ước, quy ước được công nhận. Các thôn, bản, khu phố còn lại chủ yếu là do mới sáp nhập, hiện đang từng bước hoàn thành hương ước, quy ước. Đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã tuyên truyền, hướng dẫn các thôn, bản, khu phố rà soát các quy ước đã xây dựng để điều chỉnh nội dung trên cơ sở kế thừa và phát huy thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp; đồng thời bổ sung những nội dung mới, tiến bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Nội dung và hình thức của các bản quy ước, hương ước đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc của quy định hiện hành. Qua đó, góp phần phòng, chống các tệ nạn xã hội, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Các hương ước, quy ước đã thúc đẩy phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của Nhân dân - Ảnh: L.A
Các hương ước, quy ước đã thúc đẩy phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của Nhân dân - Ảnh: L.A
Ngoài ra, các xã, thị trấn còn lồng ghép xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước gắn liền việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động người dân đóng góp vào các quỹ: đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, vì người nghèo; gắn với phong trào toàn dân xây dựng xã hội học tập, gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ, để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của quy ước, hương ước đối với mọi tầng lớp nhân dân, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân về việc xây dựng, duy trì, thực hiện hương ước, quy ước.

Rà soát toàn diện công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn và kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế những hương ước, quy ước có nội dung chưa phù hợp để đảm bảo tính hợp pháp, hợp hiến, thống nhất, đồng bộ và phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư.

Tăng cường lồng ghép việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các phong trào, cuộc vận động khác do các cấp phát động. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức trong việc thực hiện hương ước, quy ước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt.

Phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, trưởng các dòng họ, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc tôn giáo… để vận động cán bộ, Nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chuyên môn, các địa phương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn. Chú trọng thẩm định, phê duyệt các bản hương ước, quy ước đảm bảo chất lượng, đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật.

Huy động sự tham gia của người dân trên địa bàn góp ý dự thảo hương ước, quy ước. Phối hợp, huy động, tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia giám sát, phổ biến, vận động Nhân dân thực hiện hương ước, quy ước gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở.

“Việc thực hiện tốt hương ước, quy ước tại các thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện đã khơi dậy tính chủ động, tự nguyện, tinh thần dân chủ để huy động sự tham gia tích cực của đông đảo người dân góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương”, ông Phạm Trọng Hổ khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lan toả những giá trị văn hóa tốt đẹp 'chân - thiện - mỹ' của dân tộc

Minh Khôi |

Đây là mong muốn, gửi gắm của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đến những người làm truyền hình tại lễ bế mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41, tối 18/3, tại TP. Hải Phòng.

Quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

Ngọc Trang |

Xác định bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) là một nhiệm vụ có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương, thời gian qua, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tác động tích cực đến ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn.

“Điểm tựa” quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số

Lê An |

Là những người được tín nhiệm, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, có khả năng tập hợp Nhân dân tin tưởng nghe và làm theo, thời gian qua, người có uy tín trên địa bàn huyện Hướng Hoá (Quảng  Trị) đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người có uy tín được xem là lực lượng quần chúng đặc biệt, là “điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Người bảo tồn văn hóa dân tộc Dao trên cao nguyên Sìn Hồ

PV |

Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc tại Sìn Hồ (Lai Châu) dần bị mai một và hòa tan với các nền văn hóa khác. Thế nhưng đồng bào dân tộc Dao Sìn Hồ vẫn gìn giữ, bảo tồn được nhiều nét văn hóa đặc trưng nhờ những nghệ nhân.