Người bảo tồn văn hóa dân tộc Dao trên cao nguyên Sìn Hồ

PV |

Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc tại Sìn Hồ (Lai Châu) dần bị mai một và hòa tan với các nền văn hóa khác. Thế nhưng đồng bào dân tộc Dao Sìn Hồ vẫn gìn giữ, bảo tồn được nhiều nét văn hóa đặc trưng nhờ những nghệ nhân.

Người Dao trên cao nguyên Sìn Hồ có lịch sử, văn hóa tín ngưỡng vô cùng đặc sắc, phong phú được lưu truyền từ trăm năm trước. Kho tàng kiến thức đồ sộ ấy được cất giữ qua tư liệu lịch sử, chữ viết, ca dao...đặc biệt là các lễ hội luôn được duy trì trong cộng đồng và được tổ chức hàng năm.

Dành hơn 20 năm nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao tới thế hệ trẻ, ông Tẩn Kim Phu (sinh năm 1939, xã Tả Phìn huyện Sìn Hồ) vẫn nỗ lực từng ngày để truyền dạy, quảng bá nét độc đáo của văn hóa dân tộc Dao tới cộng đồng.

 

Ông là người đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Dao ở Sìn Hồ, cụ thể là tiếng nói, chữ viết; đồng thời là Nghệ nhân Ưu tú cuối cùng còn đọc, hiểu được sách cổ của người Dao.

Dù sức khỏe đã yếu, mắt đã mờ dần theo thời gian nhưng mỗi ngày ông Tẩn Kim Phu vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy về văn hóa của đồng bào Dao cho thế hệ trẻ.

Để lưu giữ văn hóa người Dao, ông Phu đã viết những bản thảo bằng chữ Nôm Dao về tất cả những phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào Dao xưa trong các cuốn sổ tay. Với ông Phu cuốn sổ tay là “báu vật” của cá nhân ông nói riêng và của người Dao Sìn Hồ nói chung.

Nghệ nhân Ưu tú Tẩn Kim Phu vẫn miệt mài sưu tầm, nghiên cứu văn hoá Dao dù tuổi đã cao.

Theo già làng trong thị trấn Sìn Hồ, thuở nhỏ, ông Tẩn Kim Phu đã rất hiếu học, đặc biệt là rất say mê những bài hát của đồng bào dân tộc Dao. Để biết được những bài hát cổ, bắt buộc phải thuộc chữ Dao, vì vậy, ông Phu quyết tâm học bằng được chữ Dao cổ.

Nhiều lần được chứng kiến lễ cấp sắc, rước râu, lễ cúng thanh minh của đồng bào, ông Tẩn Kim Phu nhận ra rằng người dạy mình biết chữ, biết văn hóa Dao chỉ có các thầy tào, thầy mo vì không ai am hiểu văn hóa địa phương và thạo chữ Dao cổ bằng họ.

Ông Tẩn Kim Phu biết chữ phổ thông qua lớp “bình dân học vụ”. Sau 3 tháng học miệt mài, ông đã biết đọc, biết viết. Sau này thoát ly gia đình, ông vừa học, vừa làm và đã hoàn thành chương trình bậc Phổ thông Trung học và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tham gia cách mạng, ông là người lính Phòng không - Không quân, sau năm 1975 đất nước thống nhất, ông xuất ngũ trở về quê hương. Vốn là người am hiểu kỹ thuật vô tuyến, văn hóa... ông được lãnh đạo huyện Sìn Hồ giao nhiệm vụ hàng ngày mở đài phát thanh cho nhân dân nghe.

Đến năm 2001, khi nghỉ hưu, ông Tẩn Kim Phu mới có thời gian để nghiên cứu sâu về văn hóa dân tộc Dao. Với tình yêu và vốn kiến thức sâu về văn hóa người Dao, ông Phu được Ban Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Lai Châu mời làm cố vấn xây dựng chương trình phát thanh tiếng Dao. Năm 2006, ông được mời làm kiểm thính chương trình phát thanh tiếng Dao của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Việc nghiên cứu sưu tầm văn hóa của đồng bào người Dao Sìn Hồ ông Phu gặp không ít khó khăn, bởi chữ Dao cổ biến âm từ Hán tự cổ. Đầu tiên phải học thuộc chữ Hán cổ (theo âm Hán) rồi mới biến âm thành tiếng Dao.

Sau đó khi phát âm tiếng Dao thì dùng chữ Hán cổ lại biến thành bốn thứ tiếng Dao khác nhau như tiếng Dao thường ngày trong giao tiếp, tiếng Dao trong diễn xướng ca hát, tiếng Dao trong lễ cúng thông thường và tiếng Dao trong lễ cúng thần linh.

Theo ông Phu, dân tộc Dao trong cả nước có đến 24 ngành. Các ngành Dao phần lớn có văn hóa tương đồng nhưng có những từ ngữ khác nhau. Do việc sử dụng chữ Dao phức tạp mà những người biết chữ chưa chắc đã hiểu rõ nghĩa chữ Dao cổ, bởi vậy đối tượng am hiểu chữ Dao cổ rất hiếm.

Trước thực trạng chữ Dao cổ đang dần bị mai một, để có thể tìm lại được những văn tự cổ, hay những cuốn chuyện thơ, những bài hát, bài cúng trong dân gian, ông Phu không quản ngại khó khăn tìm đến những bản làng xa xôi, đến từng hộ người Dao để sưu tầm, ghi chép lại.

 

Chính trong những chuyến đi tìm kiếm giá trị văn hóa Dao cổ đang lưu truyền trong dân gian đã mở ra trước mắt ông cả một kho tàng văn hóa. Ông cố gắng tận dụng thời gian quý báu khi tiếp xúc với các thầy mo, thầy tào để lược ghi cơ bản nhất những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.

Nhiều câu chuyện về cuộc sống cũng như sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Dao được ông viết thành song ngữ để bà con dễ hiểu. Sau mỗi chuyến đi trở về, thành quả của ông là những cuốn sách quý về văn hoá người Dao Sìn Hồ cứ xếp dày lên theo thời gian.

Năm 2004, ông Tẩn Kim Phu cho ra đời 2 tập sách “Chuyện cổ người Dao” kể về sự ra đời, nguồn gốc của loài người, đặc biệt sự ra đời của người Dao. Tiếp đến là những cuốn sách về văn hóa Dao như: “Chuyện thơ người Dao Khâu, tập 1, tập 2; Nghi lễ trong việc cưới, việc tang của người Dao Khâu; Những lời răn dạy đạo đức...”.

Đến nay, ông Tẩn Kim Phu đã có gần mười đầu sách, thơ, phong tục văn hóa bằng tiếng Dao được xuất bản. Điển hình như cuốn “Truyện thơ người Dao Khâu ở Sìn Hồ - Lai Châu” xuất bản năm 2015. Với những cống hiến trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao, năm 2015 ông Tẩn Kim Phu vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có những cống hiến trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc và nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Lai Châu.

Giờ đây, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng mỗi lần có lễ hội hay có người đến tìm làm “cố vấn” về văn hóa, phong tục, tập quán của người Dao, ông Tẩn Kim Phu vẫn nhiệt tình hướng dẫn.

Nhưng trăn trở lớn nhất của ông Phu là cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa Dao cổ đã bị mai một, cách tân. Nếu không biết bảo tồn, phát triển, thì văn hóa, bản sắc dân tộc sẽ mất. Khi nào còn sức, ông Phu vẫn cố gắng lưu giữ, sưu tầm và truyền dạy văn hóa Dao cho thế hệ trẻ. Con em người Dao mà không biết văn hóa truyền thống, thì như cây bị ruỗng mục từ gốc.

(Nguồn: Ngày Nay)

Triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023

Thanh Hải |

Ngày 10/1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội nghị.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là giá trị cốt lõi

PV |

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ta xác định là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Chung lòng bảo tồn văn hóa truyền thống

Minh Long |

Sống và lớn lên nơi vùng đất có nhiều đặc trưng văn hóa của người Vân Kiều nên từ thời niên thiếu, những làn điệu dân ca và các loại nhạc cụ truyền thống đã thấm vào tim ông Hồ Văn Dưn ở thôn Trăng Tà Puồng (Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị). 

Văn hóa doanh nghiệp qua việc thưởng tết đồng đều

Bảo Bình |

Thời điểm cận kề cuối năm, chuẩn bị đón năm mới dương lịch và Tết cổ truyền, vấn đề được người lao động quan tâm và hy vọng nhiều nhất chính là khoản tiền thưởng tết của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động. Sau một năm làm việc vất vả, thưởng tết là điều mà mọi người lao động đều mong chờ. Điều đó thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của doanh nghiệp đối với người lao động sau một năm cống hiến.