Xác định bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) là một nhiệm vụ có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương, thời gian qua, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tác động tích cực đến ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn.
Tháng 10/2022, sau một quá trình được tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tích cực của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa, Đội văn nghệ truyền thống xã Hướng Phùng gồm 12 thành viên được thành lập. Trong những ngày đầu năm mới vừa qua, không khí sinh hoạt của đội sôi nổi hẳn. Tất cả các thành viên trong đội đều sắp xếp công việc gia đình, tranh thủ buổi tối để tập luyện, chơi nhạc cụ, hát dân ca.
Ông Hồ Xa Văn, Đội trưởng Đội văn nghệ truyền thống xã Hướng Phùng cho biết: “Trước đây, do thiếu nhiều nhạc cụ nên mỗi khi các nghệ nhân trong thôn, xã muốn tập luyện, sinh hoạt văn hóa văn nghệ rất khó. Đặc biệt, tại thôn Chênh Vênh có mô hình làng du lịch sinh thái, chúng tôi cần tập luyện nhiều để biểu diễn phục vụ du khách nhưng nhạc cụ ít quá.
Vừa qua, nhân dịp tết Nguyên đán 2023, đội được huyện hỗ trợ cồng chiêng, đàn, khèn bè, trang phục truyền thống của người Vân Kiều nên ai cũng phấn khởi, thường xuyên tham gia tập luyện, nhiệt tình sưu tầm các làn điệu dân ca, truyền dạy cho nhau cách chơi các loại nhạc cụ. Vì thế, không khí các buổi sinh hoạt của đội luôn sôi nổi”.Đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa có đời sống văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội và sự giao thoa văn hóa nhiều vùng miền, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây có phần bị mai một, một số nét văn hóa đặc sắc có nguy cơ mất hẳn.
Xác định tầm quan trọng cũng như định hướng nhiệm vụ cụ thể và lâu dài cho chiến lược bảo tồn văn hóa các dân tộc ở địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hướng Hóa đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/HU, ngày 28/10/2021 về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
UBND huyện cũng đã ban hành các kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa chủ trương của nghị quyết này, trong đó chú trọng các nhiệm vụ bảo tồn văn hóa các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Trên cơ sở đó, huyện tập trung triển khai các giải pháp sát hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Gắn trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa các dân tộc.
Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động trong cán bộ và Nhân dân, đặc biệt là các cộng đồng DTTS về ý thức, trách nhiệm của việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa thôn bản, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của người dân.
Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa truyền thống, đặc biệt là tổ chức các hoạt động văn hóa, phục dựng lễ hội, thành lập các câu lạc bộ di sản, tập huấn kỹ năng hát dân ca truyền thống và nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, sử dụng các loại nhạc cụ. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về bản sắc văn hóa các DTTS nhằm nâng cao ý thức về việc bảo tồn văn hóa dân tộc trong Nhân dân.
Riêng trong năm 2022, huyện đã tiến hành phục dựng có quy mô về lễ hội mừng lúa mới-một lễ hội lớn nhất và có ý nghĩa đặc biệt nhất đối với đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, được đông đảo Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Vận động, hỗ trợ thành lập 8 câu lạc bộ di sản, trong đó có 5 câu lạc bộ cồng chiêng, 2 câu lạc bộ đan lát và 1 câu lạc bộ hát dân ca truyền thống.
Để hỗ trợ điều kiện cho các câu lạc bộ di sản duy trì hoạt động thường xuyên và có hiệu quả, huyện đã hỗ trợ nhạc cụ bao gồm cồng, chiêng, đàn dây, khèn bè và trang phục truyền thống với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng. Tổ chức 4 lớp tập huấn biểu diễn cồng chiêng, trong đó 3 lớp cho học viên người Vân Kiều và 1 lớp cho người Pa Kô; 3 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng biểu diễn các làn điệu dân ca truyền thống của người Bru-Vân Kiều.
Các lớp tập huấn thu hút trên 350 học viên là thành viên các đội, nhóm văn nghệ của các thôn bản trên địa bàn huyện tham gia. Xây dựng clip quảng bá về lễ hội mừng lúa mới của người Bru-Vân Kiều và clip quảng bá về nhạc cụ của người Vân Kiều, Pa Kô; xây dựng tập ảnh tư liệu phản ánh những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán, lễ hội…của người Vân Kiều, Pa Kô; xây dựng chuyên mục quảng bá văn hóa các DTTS trên trang thông tin điện tử của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện; tổ chức phiên chợ vùng cao Xuân 2023 với hoạt động trọng tâm là quảng bá nông sản cùng những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô…
Bên cạnh đó, huyện định hướng phát triển cho các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng DTTS nhằm kết hợp mục tiêu vừa bảo tồn văn hóa gắn kết với phát triển du lịch của địa phương.
Nhờ được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt, những giá trị văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều, Pa Kô được bảo tồn và phát huy như: trang phục, dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống…
Một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang được định hướng xây dựng thành sản phẩm du lịch, góp phần thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo tăng cường các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/ HU của Đảng bộ huyện đề ra.
Trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa, các mô hình làng bản truyền thống, các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng DTTS…nhằm làm sống lại môi trường văn hóa truyền thống của các DTTS.
Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chủ động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)