Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, tình hình KT-XH ở huyện Đakrông (Quảng Trị) có bước phát triển rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện.
Đặc biệt, văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào DTTS nơi đây từng bước được bảo tồn và phát huy, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.
Đakrông là huyện có trên 97% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Vân Kiều và Pa Kô nên đời sống văn hóa của người dân ở địa phương phong phú, đa dạng. Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể và các nghệ nhân vùng đồng bào DTTS, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá vật thể, phi vật thể và các nghệ nhân đồng bào DTTS ở huyện đạt nhiều kết quả đáng kể.
Qua phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện khảo sát, kiểm đếm lập danh mục 51 loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô. Trong đó, vùng đồng bào Pa Kô có 24 loại hình văn hóa; vùng đồng bào Bru - Vân Kiều có 27 loại văn hóa.
Bằng nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, các chương trình, dự án trong và nước ngoài, ngân sách tỉnh, huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao tại các xã, thị trấn trong huyện để người dân có điều kiện sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần.
Việc bảo tồn các văn hóa vật thể như: cồng, chiêng, nhạc cụ, vật dụng truyền thống được huyện triển khai thực hiện hằng năm và được trưng bày tại nhà văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều, Pa Kô huyện. Các hiện vật được sưu tầm chủ yếu do các xã, thị trấn tặng. Hiện nay nhiều loại hình văn hóa vật thể còn đang lưu giữ trong Nhân dân.
Ngôn ngữ dân tộc Vân Kiều và Pa Kô ở huyện được hai dân tộc này sử dụng chính trong hoạt động giao tiếp hằng ngày, trong hoạt động tín ngưỡng dân gian, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao... Đối với chữ viết, hiện ở huyện có chữ viết của người Vân Kiều đưa vào giảng dạy và lưu truyền.
Tuy nhiên, các lớp tiếng Bru - Vân Kiều chủ yếu cho cán bộ, công chức, viên chức người Kinh công tác trên địa bàn huyện chưa được truyền dạy rộng rãi trong cộng đồng. Một số hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được triển khai bước đầu mang lại kết quả khả quan như: phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Vân Kiều và Pa Kô như: lễ hội Ariêuping/cúng nhà mồ ở xã Tà Rụt, lễ mừng lúa mới, lễ cúng thần làng, lễ đâm trâu; bảo tồn nghệ thuật truyền thống như: dân ca, dân vũ, dân nhạc.
Hiện nay, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh đang phối hợp với huyện hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận cấp quốc gia di sản văn hóa phi vật thể lễ hội A Riêu piing của đồng bào Pa Kô. Các hoạt động đội văn nghệ quần chúng, đội cồng chiêng các xã A Ngo, Tà Rụt, Đakrông thường xuyên được duy trì tổ chức hằng năm và tạo điều kiện để các đội văn nghệ, các nghệ nhân tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian tại các dịp lễ hội, các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội của huyện, tỉnh và khu vực.
Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp bảo tồn một số mô hình thôn, bản truyền thống như: nhà dài truyền thống của đồng bào Pa Kô ở các xã A Ngo, Tà Rụt; bảo tồn 16 nhà ở dân gian theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Bru - Vân Kiều tại thôn Klu, xã Đakrông.
Hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu một số sản phẩm ẩm thực mang nét đặc trưng của đồng bào DTTS Vân Kiều, Pa Kô ở địa phương như: cơm lam, cơm nếp cẩm, cháo ốc, cháo đoác, thịt dê, cá mát, gà bản, giống chuối lùn bản địa, cây gia vị, cây dược liệu; xây dựng thương hiệu một số sản phẩm ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô như: dệt thổ cẩm ở thôn Klu (xã Đakrông), thôn A Ròng Dưới (xã A Ngo), thôn Cu Tài (xã A Bung), nghề đan lát ở xã Tà Long, làm chổi đót ở thôn Cu Pua (xã Đakrông), rượu cần Nhất Hùng ở xã Hướng Hiệp, rượu men lá xã Pa Nang...
Hằng năm, huyện luôn tạo điều kiện để các sản phẩm hàng hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô tham gia gian hàng triển lãm vào các dịp hội chợ, triển lãm do tỉnh tổ chức được khách hàng đón nhận và đánh giá cao về chất lượng cũng như những đặc trưng riêng của sản phẩm. Hiện toàn huyện có 4 nghệ nhân ưu tú và 6 nghệ nhân đang đề nghị xét công nhận là nghệ nhân ưu tú.
Các nghệ nhân luôn tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, lễ hội hằng năm tổ chức tại địa phương, một số nghệ nhân tích cực tham gia các buổi tọa đàm, hội thảo, giao lưu văn hóa do các cấp, các ngành tổ chức, tham gia truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian, ngành nghề truyền thống cho thế hệ trẻ tại địa phương, góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Theo kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025, huyện Đakrông sẽ triển khai xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu tại thôn Klu, xã Đakrông; làng bản truyền thống tiêu biểu của các DTTS tại thôn Làng Cát, xã Đakrông. Xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao tại các thôn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; mô hình bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng di sản văn hoá phi vật thể trong cộng đồng các DTTS, hướng tới phát triển cộng đồng và phát triển du lịch.
Tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào DTTS. Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hoá di sản văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS. Tổ chức bảo tồn các loại hình văn hoá phi vật thể. Hỗ trợ các nghệ nhân bồi dưỡng những người kế cận. Tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy, câu lạc bộ cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nghề truyền thống. Hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống. Tổ chức hoạt động thi đấu truyền thống các DTTS. Hỗ trợ trang thiết bị cho các nhà văn hóa tại thôn, bản.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)