Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy hoạch, kế hoạch, cá biệt có trường hợp tổ chức phân lô, bán nền và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Tiến sĩ NGUYỄN TRƯỜNG KHOA về giải pháp bảo vệ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Thưa ông! Đề nghị ông cho biết công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch về sử dụng đất đai của tỉnh được thực hiện trong thời gian gần đây như thế nào?
-Quy hoạch đất đai và xây dựng kế hoạch sử dụng đất có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương. Chính vì vậy công tác quản lý và bảo vệ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được thực hiện nghiêm túc. Trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, công tác quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Trên cơ sở đó, ngành Tài nguyên và Môi trường đã được UBND tỉnh Quảng Trị giao nhiệm vụ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ngành liên quan xây dựng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Quảng Trị trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 81/NQ-CP ngày 12/11/2014.
Bên cạnh đó, căn cứ Thông tư số 29/2014/ TT-BTNMT ngày 2/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, UBND tỉnh đã lập và trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016- 2020) tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 14/11/2018 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Quảng Trị. Sau khi Chính phủ ban hành các nghị quyết phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công khai quy hoạch theo quy định.
Trên cơ sở Luật đất đai 2013, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập 10 năm/lần, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hằng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trình Hội đồng thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt. Sở Tài nguyên và Môi trường trình và UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cho 10/10 đơn vị cấp huyện. Theo phân cấp của Luật đất đai, sau khi quy hoạch được phê duyệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tổ chức công khai theo quy định.
Căn cứ vào quy hoạch, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm và được UBND tỉnh phê duyệt. Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện là căn cứ quan trọng để thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất cho giai đoạn tiếp theo.
Về công tác quản lý quy hoạch nói chung và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng đã được pháp luật quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện thông qua công tác thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm, cụ thể kế hoạch hằng năm phải có trong chỉ tiêu của quy hoạch.
-Ông có thể cho biết về công tác quy hoạch và bảo vệ quy hoạch sử dụng đất đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn?
-Đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh: Sau khi các dự án nói chung được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đưa vào quy hoạch của tỉnh, của huyện, đối với các dự án phát sinh sau khi quy hoạch đã được phê duyệt thì đơn vị tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để điều chỉnh chỉ tiêu và bổ sung vào quy hoạch, đồng thời lấy ý kiến thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, các dự án trọng điểm được phê duyệt đã giao cho các cơ quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố công khai, quản lý chặt chẽ. Có thể hiểu đơn giản là các quy hoạch khác, quy hoạch của địa phương không được chồng lấn lên các khu vực quy hoạch sử dụng đất.
Đến thời điểm hiện nay, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của thành phố Đông Hà đã được phê duyệt, huyện đảo Cồn Cỏ đã được thẩm định, các huyện đang trình cấp thẩm quyền của huyện xem xét trước khi trình hội đồng thẩm định. Huyện Hải Lăng đã ban hành chỉ thị riêng về tăng cường quản lý đất đai thực hiện trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện vì vậy đảm bảo quy hoạch, giành quỹ đất cho các dự án trọng điểm, các mục tiêu phát triển có sử dụng đất là nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện Nghị quyết của Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và nghị quyết của đại hội Đảng bộ các huyện, thị xã thành phố, làm cơ sở tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2050.
-Trước tình trạng “sốt đất” trên phạm vi cả nước trong những ngày đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh cũng để xảy ra một số trường hợp chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai (những trường hợp phân lô bán nền trên đất rừng, đất trồng cây lâu năm). Giải pháp của Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới là gì và ông có khuyến cáo như thế nào đối với người dân về vấn đề này?
-Trước tình trạng “sốt đất” hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 994/UBND-TN ngày 23/3/2021 chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố về tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2021) và phải công khai cho Nhân dân biết. Thực hiện chỉ đạo này, UBND các huyện, thị xã thành phố đã thực hiện khá nghiêm túc.
Để hạn chế các vi phạm trong sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải pháp đặt ra là quản lý chặt chẽ công tác chứng thực hồ sơ liên quan đến nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở cấp xã và các cơ quan có chức năng chứng thực, công chứng. Tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, đặc biệt là điều kiện, thủ tục chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng; các trường hợp được nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các hình thức xử lý vi phạm về công tác quản lý, sử dụng đất… Cảnh báo cho Nhân dân địa phương đề cao cảnh giác về các hành vi lừa đảo, mua bán không lành mạnh, các thông tin sai sự thật…
Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp và thực hiện tốt vai trò của cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Trước hết phải phối hợp cùng với cấp huyện chỉ đạo công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; căn cứ quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật xác định cụ thể các chỉ tiêu sử dụng đất, khu vực thực hiện dự án, các huyện xây dựng nhu cầu sử dụng đất đến đơn vị hành chính cấp xã. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của địa phương đảm bảo tính khoa học, pháp lý phù hợp với thực tế theo quy định. Cụ thể, sẽ tham mưu để ban hành quy định về hạn mức giao đất, tách thửa mà đặc biệt là hạn mức tách thửa các loại đất nông nghiệp; điều kiện tách thửa, không được tách thửa. Hiện nay, ngành đang triển khai lấy ý kiến các ngành, địa phương, dự kiến trong tháng 5 sẽ trình UBND tỉnh ban hành.
Ngành tài nguyên và môi trường cũng kỳ vọng các kế hoạch sử dụng đất năm 2021 và quy hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 được UBND tỉnh phê duyệt sẽ góp phần quản lý nhà nước chặt chẽ, hiệu quả, phát huy giá trị của đất đai cho mục tiêu phát triển của tỉnh trong những năm tới.
-Xin cảm ơn ông!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)