Tuần qua, báo chí trong nước đưa một thông tin tuy không lớn nhưng rất thiết thực cho người dân.
Đó là Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với các đơn vị tổ chức khai giảng khóa học tiếng Anh chuyên ngành du lịch cộng đồng tại xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch và xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. Đây là hai xã đặc trưng thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài. Làng Cự Nẫm là làng kháng chiến nổi tiếng được xây dựng thành làng văn hóa - du lịch đầu tiên của tỉnh Quảng Bình, còn làng Cảnh Dương là làng biển với 400 năm hình thành và phát triển, nơi đây có mô hình du lịch cộng đồng gồm những sản phẩm độc đáo.
Tại các lớp học, học viên được trang bị kiến thức tiếng Anh cơ bản và kỹ năng giao tiếp, xử lý các tình huống trong quá trình phục vụ khách du lịch, như tiếng Anh trong lễ tân, trong nghiệp vụ buồng, nhà hàng… Thiết nghĩ đây là hoạt động cần thiết để nâng cao chất lượng đón tiếp khách du lịch, nhất là du lịch thời hậu COVID-19 mà nhiều địa phương khác cần quan tâm thực hiện.
Như chúng ta đã biết, sau hai năm bị gián đoạn hoạt động du lịch do dịch bệnh, nhờ nhanh chóng nâng tỉ lệ bao phủ vắc xin cao, kiểm soát tốt dịch bệnh, từ ngày 15/3/2022 nước ta đã mở cửa du lịch trở lại. Dịch bệnh dĩ nhiên để lại thiệt hại lớn về nguồn thu, nhiều người làm du lịch đã chuyển đổi nghề nghiệp nên nhân lực thiếu hụt nhưng đây cũng là khoảng thời gian để ngành du lịch các địa phương củng cố lại cơ sở vật chất, đội ngũ người làm du lịch, thích ứng với hoàn cảnh mới để tăng tốc phát triển. Vấn đề đặt ra cho ngành du lịch, dịch vụ và các địa phương là phải có kế hoạch, giải pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo lại nguồn nhân lực gắn với chuyển đổi số.
Ở Quảng Trị hầu hết các điểm du lịch là di tích văn hóa, lịch sử chiến tranh cách mạng, nằm ở ngoài trời nên nhanh xuống cấp theo thời gian, tác động của thời tiết, khí hậu như: Các cửa hầm gia cố hai bên bằng gỗ ở địa đạo Vịnh Mốc thời gian qua bị mục nát; các tường thành xung quanh Thành Cổ Quảng Trị bị đổ sau các đợt thiên tai năm 2020… cần đầu tư kinh phí để gia cố, nâng cấp. Cùng với đó là xây dựng, đào tạo lại đội ngũ làm công tác hướng dẫn du lịch, trong đó có bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho những người làm dịch vụ du lịch ở các điểm du lịch cộng đồng.
Chẳng hạn việc mở các lớp đào tạo tiếng Anh cho người làm du lịch cộng đồng như ở tỉnh Quảng Bình. Không chỉ quan tâm đối với các di tích lịch sử đặc biệt quốc gia, những người làm dịch vụ du lịch ở các điểm du lịch cộng đồng ở Hướng Hóa, Đakrông… cần được sự hỗ trợ mở các lớp tiếng Anh chuyên ngành du lịch cộng đồng, các lớp nâng cao kỹ năng nghiệp vụ ẩm thực, buồng, bar, kỹ năng vận tải khách; hướng dẫn cho chủ các cơ sở homestay (nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê) kỹ năng cung ứng trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú.
Ở các điểm du lịch cộng đồng, nếu đội ngũ người làm dịch vụ có được vốn tiếng Anh trong giao tiếp sẽ gây thiện cảm và thuận lợi trong việc đón khách, lưu giữ khách lâu hơn tại cơ sở của mình. Một việc tưởng như nhỏ nhưng rất quan trọng nữa ngoài ngôn ngữ giao tiếp là thái độ phục vụ, việc niêm yết giá dịch vụ công khai làm cho khách du lịch thấy thoải mái khi chọn lựa dịch vụ.
Có một sở thích của khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài đó là thích gặp gỡ với người dân địa phương và tìm hiểu về văn hóa truyền thống, từ lịch sử hình thành đến văn hóa, ẩm thực, cuộc sống hằng ngày. Sự tham gia của cộng đồng bổ sung thêm các giá trị cho các chương trình du lịch bền vững, trong đó các cộng đồng truyền thống cảm thấy tự hào hơn nhờ vào những mối quan tâm, tôn trọng của người đến từ bên ngoài.
Tuy nhiên sự thành công của phần lớn của các chuyến tham quan này phụ thuộc vào các cư dân địa phương điều khiển các quá trình và hoàn cảnh. Trong đó kỹ năng ngôn ngữ là rất cần thiết đối với nỗ lực này. Chẳng hạn nếu một số cư dân địa phương nói được tiếng Anh cơ bản và giao tiếp, hướng dẫn cho du khách nước ngoài thì rất thuận tiện cho việc tiếp xúc, quảng bá những giá trị của địa phương. Và như thế du lịch có thể cung cấp công việc trực tiếp đến cư dân địa phương.
Nếu có dịp đến các phiên chợ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chúng ta có thể thấy có nhiều người bán hàng cho khách du lịch giao tiếp với khách quốc tế bằng tiếng Anh, mới thấy sự vui vẻ, thuận lợi cho cả hai phía: Người cung cấp dịch vụ và khách du lịch. Đã có nhiều câu chuyện khách du lịch mê đắm các thiếu nữ người Mông vùng cao xinh đẹp nói tiếng Anh trôi chảy, để khi xa rồi, có nhiều khách du lịch đã quay trở lại.
Gần đây, một số cơ sở du lịch cộng đồng, gia đình có mở homestay cũng đã đề xuất nguyện vọng được học tiếng Anh để có thể nói được những từ cơ bản giới thiệu cho khách quốc tế về văn hóa, phong tục tập quán, món ăn, sản vật của địa phương mình, trả lời về giá cả dịch vụ…
Điều này cần được hỗ trợ, phối hợp của ngành du lịch, ngành giáo dục, hội khuyến học của các địa phương. Có thể tận dụng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh ở các địa phương cho công việc này, bởi trong thực tế nhiều nơi ở trong nước các lớp học tiếng Anh miễn phí đã thu hút được nhiều cư dân địa phương tham gia; một số nơi còn thành lập cả câu lạc bộ nói tiếng Anh cho những người làm dịch vụ du lịch ở địa phương. Các lớp học tiếng Anh ở các địa phương hiện nay cho thấy đã góp phần nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho người dân trong các hoạt động kinh doanh, phục vụ du lịch cộng đồng. Một khi đã có nhu cầu, việc học tiếng Anh sẽ thu hút được đông đảo những người làm dịch vụ du lịch cộng đồng ở cơ sở tham gia.
Việc quan tâm, chú trọng mở các khóa học tiếng Anh cho những người làm du lịch cộng đồng là việc làm không mới, nhiều nơi trong nước đã làm và làm một cách có hiệu quả trong thực tế. Đây là một trong những việc cần làm cho đội ngũ những người làm dịch vụ du lịch cộng đồng ở Quảng Trị hiện nay trong giai đoạn phục hồi, phát triển dịch vụ du lịch hậu COVID, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thu hút được ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến các điểm du lịch trong tỉnh. Với ý nghĩa rộng hơn, đây cũng là cách giúp người dân có môi trường học tập để nâng cao dân trí, học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)