Quảng Trị: Chủ động ứng phó với tình trạng khô hạn

Lê An |

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, vụ hè thu năm nay khô hạn và mặn xâm nhập sẽ diễn biến khó lường. Thời điểm này, ngành nông nghiệp và các địa phương đang linh hoạt triển khai nhiều biện pháp ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Theo kế hoạch, vụ hè thu năm nay huyện Vĩnh Linh sẽ đưa vào gieo cấy khoảng 3.000 ha lúa. Hiện tại, các hồ chứa lớn do xí nghiệp thủy nông quản lý như hồ La Ngà, Bảo Đài, Bàu Nhum đang có lượng nước đạt khoảng 67% dung tích thiết kế. Còn các hồ thủy lợi nhỏ do địa phương quản lý do các đợt nắng nóng liên tục nên mực nước đang giảm xuống khá nhanh.

Cụ thể, khu vực xã Vĩnh Chấp lượng nước tại các hồ đập nhỏ như hồ Trằm, Khe Cáy còn khoảng 60% dung tích thiết kế, các công trình còn lại như hồ Hà, Trằm Trưỡi, Bội… lượng nước dưới 50% dung tích thiết kế. Tại xã Trung Nam, lượng nước các hồ Cựa An, Khe Đá còn khoảng 50% dung tích thiết kế.

Hồ thủy lợi Trúc Kinh hiện có lượng nước khoảng 65% dung tích thiết kế - Ảnh: L.A
Hồ thủy lợi Trúc Kinh hiện có lượng nước khoảng 65% dung tích thiết kế - Ảnh: L.A

Đập Khe Nây tại xã Hiền Thành còn khoảng 30% dung tích thiết kế. Đặc biệt, một số hồ còn dưới 20% như hồ Khe Ná, xã Vĩnh Hòa. Theo khảo sát, dự kiến diện tích lúa bị hạn vụ hè thu trên địa bàn huyện khoảng 804 ha. Trong đó, diện tích không có nước tưới cần phải chuyển đổi là 80 ha, diện tích cần bổ sung bơm tưới là 724 ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất vụ hè thu, huyện đã chỉ đạo các địa phương tổ chức ra quân làm thủy lợi, vệ sinh hệ thống kênh mương tưới, tiêu, đảm bảo truyền tải nước tốt nhất; kiểm tra, khắc phục sửa chữa kịp thời các cống lấy nước, cửa van bị rò rỉ nhằm chống thất thoát nước. Xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất hè thu cho từng công trình, từng vùng cụ thể.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đối với những vùng thiếu nước; chỉ đạo thực hiện tưới tiết kiệm, tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau các đợt mưa từ ao, hồ, sông suối, kênh tiêu để làm đất gieo sạ.

Phối hợp với Xí nghiệp thuỷ nông Vĩnh Linh tiến hành rà soát, phân vùng tưới được, vùng có khả năng tưới được, vùng khó tưới để có biện pháp tưới hỗ trợ và khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng hợp lý.

Đối với các diện tích không tưới được cần phải chuyển qua các loại cây trồng chịu hạn khác. Áp dụng các biện pháp tưới luân phiên, tưới tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ, chủ động khoanh vùng đặt máy bơm dã chiến để hỗ trợ khi cần thiết.

Quản lý chặt chẽ các cống ngăn mặn, không để mặn xâm nhập vào nội đồng làm ô nhiễm nguồn nước. “Đến thời điểm này, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 81 ha diện tích trồng lúa thiếu nước sang trồng các loại cây trồng cạn như dưa hấu, đậu xanh…”, ông Tuấn cho biết thêm.

Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi (QLKTCTTL) Quảng Trị hiện đang quản lý 16 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế 188,5 triệu m3; 2 đập dâng có tổng lưu lượng thiết kế 33 m3/giây, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho hơn 32.000 ha/ năm đất sản xuất nông nghiệp của 8/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; ngăn mặn, giữ ngọt cho hơn 13.000 ha.

Ông Nguyễn Sinh Công, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV QLKTCTTL Quảng Trị cho biết, để phòng ngừa hạn hán có thể xảy ra trong vụ hè thu, ngay từ đầu vụ đông xuân, đơn vị đã chủ động lập kế hoạch sử dụng nước cụ thể cho từng hệ thống công trình; chỉ đạo các xí nghiệp thủy nông bám sát kế hoạch tưới với các biện pháp điều tiết nước tiết kiệm như tưới luân phiên, kéo dài thời gian nghỉ tưới hợp lý giữa các đợt tưới.

Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, dung tích các hồ chứa do đơn vị quản lý còn khoảng 65 - 70% so với dung tích thiết kế. Qua tính toán thì nguồn nước hiện có tại các hồ, đập này cơ bản đủ nước phục vụ tưới đảm bảo diện tích kế hoạch vụ hè thu, bao gồm tưới tự chảy khoảng 10.789 ha, bơm điện 2.223 ha và tưới tạo nguồn 3.267 ha.

Trước dự báo vụ hè thu nắng nóng có thể xảy ra gay gắt, công ty đã chủ động xây dựng phương án điều tiết cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp khi có nắng hạn kéo dài.

Trong đó, chú trọng các biện pháp như điều tiết nước tưới hỗ trợ giữa các hệ thống công trình thủy lợi; sử dụng nước theo kế hoạch tiết kiệm, có hiệu quả; tận dụng tối đa nguồn nước các sông, suối, ao hồ, kênh tiêu trên khu tưới và nước hồi quy từ các hồ đập để bơm tưới cho các vùng khó tưới; ưu tiên nguồn nước tự chảy cho những vùng không có nguồn bơm.

Điều chỉnh lịch tưới phù hợp với tình hình hạn hán thực tế; quản lý chặt chẽ các cống ngăn mặn, tuyệt đối không để mặn xâm nhập vào nội đồng…

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, để chủ động phòng, chống nắng nóng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, các địa phương cần tập trung nhân lực để làm đất, gieo cấy lúa với phương châm “nước đến đâu, làm đất gieo cấy đến đó” đảm bảo đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống. Xây dựng kế hoạch điều tiết nước theo vùng, liên vùng, cấp nước luân phiên vào các giai đoạn cần thiết của cây lúa; đảm bảo đủ nước tưới, nhất là giai đoạn làm đòng, trổ bông.

Chủ động rà soát các diện tích ruộng lúa thiếu nước không thể sản xuất hoặc sản xuất lúa hiệu quả thấp để vận động người dân chuyển đổi sang các cây trồng cạn như đậu xanh, ngô, dưa hấu, mè… hoặc các hình thức sản xuất khác phù hợp.

Tổ chức nạo vét các kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng. Phân loại diện tích và các loại cây trồng để có thứ tự ưu tiên cấp nước tưới, rút ngắn thời gian các đợt tưới, thực hiện tưới luân phiên, tưới ẩm.

Các đơn vị trong ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước, sử dụng giống ngắn ngày, mùa vụ, kỹ thuật gieo trồng và phòng chống sâu, bệnh.

Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, để chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn các địa phương các giải pháp chăm sóc cây trồng ứng phó với nắng nóng, hạn hán, mặn xâm nhập. Xây dựng phương án và kịch bản chống hạn đồng bộ, phù hợp, đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong điều kiện hạn hán xảy ra.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Dự báo nắng hạn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp

Tú Linh |

Nhằm triển khai sản xuất vụ hè thu 2023 đảm bảo kịp thời vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết nắng hạn được dự báo khắc nghiệt trong năm nay, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương động viên người dân tập trung các phương tiện máy móc làm đất, xuống giống. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn NGUYỄN HỒNG PHƯƠNG.

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc kéo dài đến bao giờ?

Thanh Mai |

Dự báo, ngày mai (2/6), miền Bắc tiếp tục có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.

Nắng nóng tiếp diễn ở Bắc Bộ và Trung Bộ, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng

Hoàng Nam |

Ngày 29/5, Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao, phổ biến 35-36 độ C, độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 55-65%.

Chủ động ứng phó với nắng nóng

PV |

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.