Để ứng phó với sạt lở đất khi mùa mưa lũ năm 2021 đã bắt đầu, tỉnh Quảng Trị khẩn trương di dời người dân đến khu tái định cư, đồng thời lên kịch bản sơ tán phù hợp tình hình thực tế mưa lũ.
Sau đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 10/2020, núi Tà Bang thuộc thôn Ra Ly - Rào, xã Hướng Sơn, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) xuất hiện vết nứt dài khoảng 200m, rộng từ 20 - 50cm nên nguy cơ sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã di dời người dân sinh sống dưới núi Tà Bang đến nơi ở tạm để đảm bảo an toàn. Để người dân có cuộc sống ổn định lâu dài và an toàn, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư. Tháng 9/2021, 45 hộ với 171 nhân khẩu sinh sống dưới núi Tà Bang đã được di dời đến khu tái định cư mới hoàn thành.
Ông Hồ Văn Hiền - một trong số người dân được di dời đến khu tái định cư phấn khởi chia sẻ, mưa lũ và sạt lở đất hồi cuối năm 2020 khiến người dân lo lắng. Ngay đầu mùa mưa lũ năm 2021, người dân đã được chuyển đến khu tái định cư sống trong ngôi nhà ở kiên cố nên rất yên tâm.
Ngoài xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa còn tổ chức di dời tái định cư cho hàng chục hộ dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất rất cao như: 56 hộ dân với 271 khẩu ở các thôn Cuôi, Cha Lỳ và bản Cooc Long, xã Hướng Lập; 18 hộ dân ở các thôn Tà Rùng, Cu Dong, Ta Núp, xã Húc.
Ban Chỉ huy phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị đã lên kịch bản sơ tán, di dời người dân ở vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất khi có mưa lũ để đảm bảo an toàn. Cụ thể, tổng số hộ dân cần sơ tán, di dời là trên 1.440 hộ với hơn 6.800 nhân khẩu ở 27 xã thuộc 4 huyện; trong đó tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi là Hướng Hóa (746 hộ với hơn 3.500 nhân khẩu), Đakrông (675 hộ với trên 3.200 nhân khẩu).
Kịch bản sơ tán, di dời dân ở vùng nguy cơ sạt lở đất từ các dự án điện gió có tổng số hộ dân là 163 hộ với 742 nhân khẩu sinh sống tại 7 xã, thị trấn thuộc hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông; trong đó, huyện Hướng Hóa có 147 hộ với 670 nhân khẩu, số hộ còn lại ở huyện Đakrông.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng yêu cầu các đơn vị hướng dẫn các địa phương hoàn thiện phương án ứng phó sạt lở đất; trong đó chú trọng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu và có phương án sơ tán, di dời dân phù hợp quy định phòng, chống dịch COVID-19. Chủ đầu tư các dự án điện gió phải có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời những bãi thải có nguy cơ sạt lở đất; gia cố đảm bảo ổn định, đề phòng sạt trượt mái ta-luy của các tuyến đường phục vụ thi công dự án.
Ở vùng miền núi tỉnh Quảng Trị, nhất là tại huyện miền núi Hướng Hóa có nguy cơ sạt lở đất rất cao khi vào mùa mưa lũ. Đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 10/2021 trên địa bàn tỉnh đã khiến 56 người chết, trong đó trên 30 người chết do sạt lở đất.
(Nguồn: TTXVN)