Những năm qua, các mô hình “Hội đồng trẻ em”, Câu lạc bộ “Quyền trẻ em”, Diễn đàn “Đại biểu Quốc hội với trẻ em”, Diễn đàn “Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân với trẻ em”… đã giúp tiếng nói của thiếu nhi trong tỉnh ngày càng có trọng lượng. Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã nỗ lực quan tâm, chăm lo cho trẻ em tốt hơn nữa, vì vậy quyền trẻ em ngày càng được khẳng định.
Cuối năm 2020, Diễn đàn “Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân với trẻ em” được tổ chức với sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo học sinh và sự lắng nghe của những người có trách nhiệm. Tại diễn đàn, các em đã phát biểu, đề đạt những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của mình lên các cấp có thẩm quyền. Đây cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại với các em và thể hiện vai trò đại biểu dân cử.
Tự tin, bản lĩnh, học sinh đã đặt ra nhiều câu hỏi về những vấn đề nóng trong xã hội hiện nay như: Biện pháp để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em; giải pháp để hạn chế các vụ bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em… Các vấn đề được nhiều học sinh đặt ra tại diễn đàn chủ yếu liên quan đến quyền và bổn phận của trẻ em cũng như chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Trong đó, đáng chú ý các em đề nghị điều chỉnh chương trình hoặc phương pháp dạy học giúp học sinh giảm áp lực học hành; tạo thêm nhiều sân chơi cho trẻ em ở vùng nông thôn và ngăn chặn các thông tin không có lợi cho trẻ em trên internet.
Đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh và các ban, ngành, cơ quan chức năng đã lắng nghe, trả lời từng câu hỏi, giải đáp những thắc mắc cụ thể; đồng thời, chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng của học sinh, hướng các em luôn có những suy nghĩ, hành động đẹp.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng đánh giá cao những suy nghĩ, ý kiến và mong muốn của học sinh. Ông Hoàng Đức Thắng cho biết: “Những năm qua, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội đã có nhiều nỗ lực trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đặc biệt triển khai tổ chức thực hiện Luật Trẻ em và các chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hiện nay, trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục ngày càng đầy đủ và tốt hơn. Nhà nước đã tạo dựng môi trường để trẻ em được sống an toàn và phát triển. Những ý kiến, thắc mắc của các em đã được lãnh đạo các sở, ban, ngành giải đáp cặn kẽ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện giám sát việc giải quyết của các cơ quan, tổ chức liên quan đến trẻ em đối với những kiến nghị được đưa ra. Thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổ chức nhiều hơn nữa những diễn đàn đối thoại với trẻ em để lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng cùng lắng nghe và hành động vì trẻ em".
Một diễn đàn khác là “Hội đồng Trẻ em” được Tỉnh đoàn thành lập với 40 thành viên nhằm giúp các em nhỏ hiểu rõ 4 nhóm quyền: Được sống, được bảo vệ, được phát triển và được tham gia. Các thành viên là những tuyên truyền viên về Luật Trẻ em. Trước khi “Hội đồng Trẻ em” ra đời, năm 2019, Câu lạc bộ “Quyền trẻ em” được thành lập có nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy quyền tham gia của các bạn nhỏ vào những vấn đề liên quan đến thiếu nhi.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Mai Văn Nam cho biết: “Hội đồng trẻ em” đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Qua đó, tạo cơ hội, môi trường, diễn đàn để trẻ em được phát huy quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em; là kênh thông tin quan trọng để các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành trong quá trình thiết kế, xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách, chương trình liên quan đến đối tượng này.
Nhằm nâng cao hơn nữa quyền tham gia của trẻ em trong tỉnh, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam tại Quảng Trị tổ chức lớp tập huấn “Sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em” cho giáo viên, tổng phụ trách đội của các trường TH&THCS trên địa bàn TP. Đông Hà và huyện Gio Linh.
Các giáo viên tìm hiểu, trao đổi thông tin xung quanh 3 chuyên đề gồm: “Đặc điểm của trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em miền núi”; “Những yếu tố cản trở sự tham gia của trẻ em”; “Cách thức hỗ trợ trẻ em phát huy quyền tham gia vào các vấn đề của trẻ em”. Đây là hoạt động thiết thực để các giáo viên giúp trẻ em có cơ hội phát huy quyền tham gia của mình vào các vấn đề của trẻ em tại địa phương đang sống…
Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Ái Loan cho biết: Thời gian qua, tình hình COVID-19 diễn phức tạp, khó lường, trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, các ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường nhiều giải pháp để tham mưu, chỉ đạo, giám sát, đánh giá trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, quyền trẻ em luôn được quan tâm, hỗ trợ trong mọi điều kiện. Bên cạnh các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về công tác trẻ em tại đơn vị. Nhờ đó, quyền trẻ em ngày càng được khẳng định hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)