Tết Nguyên đán cận kề trong bối cảnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến lượng người tìm cách xuất, nhập cảnh trái phép tăng đột biến. Trước tình hình này, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang “căng mình” kiểm soát chặt biên giới Việt - Lào, thực hiện tốt nhiệm vụ “kép” vừa quản lý, bảo vệ biên giới vừa phòng, chống dịch.
Quảng Trị có 179,345 km đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Savanakhet và Salavan (Lào) với 2 cửa khẩu quốc tế, 4 cặp cửa khẩu phụ và rất nhiều đường mòn qua lại biên giới tự phát. Do điều kiện địa hình phức tạp, đường biên giới dài nên hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép thời gian qua diễn ra hết sức phức tạp. Đặc biệt trong thời điểm này, lượng người nhập cảnh trái phép tăng đột biến vì các đối tượng tính toán nếu nhập cảnh trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện thì vẫn còn đủ thời gian thực hiện quy định cách ly và kịp về quê đón Tết cùng gia đình. Trước tình hình này, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và duy trì 102 chốt kiểm soát cố định với 348 cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24. Các đồn biên phòng cũng cắt cử lực lượng tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới. Đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống COVID-19.
Năm 2020, BĐBP tỉnh đã tập trung lực lượng phá thành công 3 chuyên án và 1 vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, bắt giữ 6 đối tượng chủ mưu, cầm đầu tổ chức môi giới và 26 đối tượng có liên quan; xử phạt hành chính 222 vụ/279 trường hợp có hành vi xuất, nhập cảnh trái phép với số tiền 427,9 triệu đồng. Chia sẻ về quá trình đấu tranh phòng, chống các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, Trung tá Bùi Đình Lợi, cán bộ Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thông tin, tình hình xuất, nhập cảnh trái phép từ sau khi COVID-19 bùng phát đến nay ngày càng diễn biến phức tạp khiến lực lượng BĐBP trên tuyến biên giới rất vất vả. Cán bộ, chiến sĩ các chốt kiểm soát bám trú quá dài ngày, có người 3 - 4 tháng nay chưa được về nhà nên cũng ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe. Để phá được một đường dây đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép chúng tôi mất rất nhiều thời gian, công sức. “Ví dụ như chuyên án QT1220, chúng tôi phải mật phục, điều tra gần 3 tháng trời mới phá được. Đây là một đường dây tổ chức môi giới xuất nhập cảnh trái phép có quy mô lớn, có sự liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng tại các tỉnh, thành phố trong nước với các đối tượng trên khu vực biên giới, ngoài biên giới và đối tượng người Việt sinh sống trên đất Lào.
Chính vì vậy, sau khi nhận được thông tin về hoạt động của đường dây này từ tháng 9/2020, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm đã lựa chọn những cán bộ tinh thông nghiệp vụ, bố trí, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người để mở rộng điều tra. Đến ngày 1/12/2020, tại bến sông Sê Pôn thuộc thôn Nại Cửu, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, Ban chuyên án QT1220 mới bắt giữ được 2 đối tượng liên quan là Lê Kim Hùng, sinh năm 1971 và Nguyễn Thị Kim Vui, sinh năm 1986 cùng trú tại thôn Nại Cửu, xã Tân Thành (Hướng Hóa) đang thực hiện hành vi đưa 3 đối tượng ngoại tỉnh qua biên giới trái phép. Đấu tranh khai thác các đối tượng bị bắt và các đối tượng liên quan, Ban chuyên án mới tiếp cận, bắt khẩn cấp Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 1984 trú tại Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu đường dây tổ chức, môi giới cho các đối tượng xuất cảnh trái phép và Thạo Bun, sinh năm 1990 tại bản Ma Hạt, cụm bản Ka Túp, Ma Hạt, huyện Sê Pôn, Savannakhet (Lào), đối tượng có vai trò trực tiếp môi giới để đưa đón các người xuất cảnh trái phép. Quá trình đấu tranh, các đối tượng trên đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm. Vụ án đã được chuyển qua Công an tỉnh để khởi tố hình sự”, Trung tá Bùi Đình Lợi cho biết.
Việc bắt giữ được các đối tượng cầm đầu trong chuyên án QT1220 là thành công lớn của BĐBP Quảng Trị vì hiện nay các đường dây tổ chức, môi giới đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép hoạt động rất tinh vi, có sự mốc nối chặt chẽ giữa các đối tượng trong, ngoài nước nên rất khó để triệt phá tận gốc. Các đối tượng trong đường dây đều được phân công, phân đoạn cụ thể, không được biết mặt nhau, các số điện thoại được thay đổi liên tục và xóa ngay sau khi liên lạc. Thường thì những đối tượng này hay lợi dụng thời điểm nửa đêm để hoạt động đó là bố trí xe thồ chở người có nhu cầu xuất, nhập cảnh đến các bến trên sông Sê Pôn, tại đây có người đợi sẵn chèo đò vượt sông qua biên giới.
Qua điều tra của lực lượng BĐBP, các đối tượng tổ chức môi giới, đưa đón người khác xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới Việt - Lào thường lợi dụng phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số sống dọc biên giới tham gia vào đường dây đưa người vượt biên trái phép bằng các công việc như làm xe thồ, chèo đò vì dễ qua mắt lực lượng chức năng, hơn nữa đây là người bản địa nên thông thuộc địa bàn, có thể biết cách luồn lách nếu bị phát hiện. Đối tượng chủ mưu đưa người vượt biên trái phép cũng tìm hiểu khá kỹ pháp luật Việt Nam để tìm cách “lách luật”. Đó là rất ít khi cho đối tượng tham gia vào đường dây đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép nhận tiền thù lao tại địa phận Việt Nam nhằm thoát án hình sự. Vì thế, đa phần các vụ bắt giữ người vượt biên trái phép trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đều chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe, cảnh tỉnh.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình hoạt động của tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Để đấu tranh hiệu quả với loại tôi phạm này, BĐBP tỉnh trên tuyến biên giới Việt - Lào tăng cường phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về công tác quản lý xuất, nhập cảnh.
Phát động phong trào quần chúng nhân dân tích cực tố giác tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng, xây dựng kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá các đường dây tổ chức, môi giới, đưa đón người khác xuất, nhập cảnh trái phép. Làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, kết hợp chặt chẽ giữa phòng, chống COVID-19 với đấu tranh phòng, chống tội phạm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)