Sau vụ học sinh tử vong ở nhà khi học online, phụ huynh lo lắng nghỉ làm trông con

Nguyễn Trang |

Sau vụ học sinh lớp 5 tại Hà Nội tử vong do điện giật khi học online, không ít phụ huynh giật mình lo lắng về vấn đề an toàn của con khi học trực tuyến.

Phụ huynh gấp rút tìm gia sư, luân phiên nghỉ làm trông con mùa dịch

Anh Nguyễn Thanh Sơn (Hà Đông, Hà Nội) có con học lớp 2 cho biết, khi học online, gia đình luôn hướng dẫn con sử dụng những thiết bị điện, điện tử an toàn như không chạm tay vào ổ cắm điện, không vừa sạc điện thoại, máy tính vừa sử dụng, dặn dò con không tự ý cắm điện, tuy nhiên, nếu trường hợp phải cắm, con sẽ cầm phích cắm thế nào cho an toàn, bên cạnh đó, cũng hướng dẫn con những vật dụng nào có thể dẫn điện, vật dụng nào không.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Gia đình rất lo lắng khi con học online, bởi học sinh lớp 2 không chỉ khó khăn trong việc tiếp cận bài giảng mà còn cả về vấn đề an toàn của trẻ. Trong khi con học online thì bố mẹ vẫn phải đi làm cả ngày, việc học cùng con rất khó khăn. Gia đình tôi đã tìm gia sư để hỗ trợ con trong thời gian học trực tuyến, nhưng do dịch bệnh nên đến nay vẫn chưa tìm được. Tuần vừa qua, tạm thời vẫn để cháu tự học ở nhà cùng chị gái học lớp 8, nhưng khi nghe thông tin có học sinh bị tai nạn lúc học online, bản thân tôi cảm thấy rất bất an, nếu không còn giải pháp nào khác có lẽ bố mẹ phải xin nghỉ làm luân phiên để trông con. Trước mắt tuần tới mẹ cháu sẽ xin nghỉ phép để ở nhà học cùng con”, anh Sơn cho biết.

"Thực tế các kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích là một nội dung của chương trình Đạo đức lớp 1. Có nghĩa là các con ngay từ lớp 1 đã được học để nhận ra các tình huống nguy hiểm có thể gây ra tai nạn do điện giật, hiểu được nguyên tắc an toàn phòng tránh tai nạn điện giật và có khả năng xử lý các tình huống nguy hiểm do điện giật cũng như nhắc nhở người khác thực hiện. Câu hỏi đặt ra là chương trình đã được dạy như thế nào, bố mẹ đã đồng hành giúp con kết nối tri thức với cuộc sống ra sao để những kỹ năng an toàn cơ bản này vẫn chưa thể hình thành khi con đã học lớp 4, lớp 5? Sự việc học sinh lớp 5 bị tai nạn mới đây có thể coi như một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các cha mẹ và nhà trường" - PGS.TS Trần Thành Nam.

Nhiều ngày nay khi bắt đầu năm học mới, con trai chị Lê Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) đã chuyển sang học online, trong khi đó công việc của chị Hà vẫn phải thường xuyên đến cơ quan làm việc. Những buổi phải đi làm, chị thường hướng dẫn con trai học lớp 3 ở nhà tự sử dụng các thiết bị điện tử, hâm nóng đồ ăn bằng lò vi sóng… Nhưng sự cố xảy ra với học sinh lớp 5 mới đây khiến phụ huynh này không khỏi hoang mang.

“Tôi đã phải hướng dẫn con những điều cơ bản để đảm bảo an toàn trong trường hợp ở nhà một mình. Không chỉ riêng tôi lo lắng mà rất nhiều bố mẹ khác cũng có chung nỗi lo về an toàn của các con khi học online mà không có người lớn ở cạnh. Trong khi nhiều bố mẹ vẫn phải đi làm, việc học cùng con rất khó khăn. Ngay trong tối qua, tôi cùng một số hàng xóm đã quyết định sẽ luân phiên xin làm online ở nhà để hướng dẫn các con học. Nhóm học chung chỉ từ 3-4 con, đảm bảo giãn cách khi ngồi học, các con được học cùng các bố mẹ và chăm sóc cẩn thận hơn khi học online”, chị Hà chia sẻ.

Trong khi nhiều gia đình đã tìm được giải pháp, không ít phụ huynh vẫn loay hoay vì không có người trông con. Cả 2 vợ chồng anh Nguyễn Tiến Huy (Thanh Xuân, Hà Nội) đều phải đi làm trong thời gian này. Lúc trước, mỗi khi con phải học online, bố mẹ đi làm đã có ông bà ở nhà trông cháu, nhưng nay ông bà lại đang mắc kẹt ở quê chưa thể trở lại Hà Nội do dịch bệnh.

“Bố mẹ không được nghỉ làm, nhưng để con ở nhà một mình lại không yên tâm. Dù ở nhà đã có camera để dõi các hoạt động của con, hướng dẫn con từ xa khi cần, nhưng không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại. Tôi cảm thấy rất bất an khi các con học online một mình, chưa nói đến tính hiệu quả, nhưng khi trẻ ở nhà một mình đã rất nguy hiểm”, anh Huy nói.

Không được để trẻ ở nhà 1 mình không kiểm soát

Đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nghiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, với học sinh bậc tiểu học, khi chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến khiến các gia đình, thầy cô đều cảm thấy bỡ ngỡ, căng thẳng. Bên cạnh sự thiếu hụt mang tính hệ thống của việc đảm bảo hạ tầng, thiết bị và các tài nguyên số cần thiết (băng thông, đường truyền) thì còn rất nhiều yếu tố liên quan đến an toàn cần có sự cam kết đồng hành của cha mẹ. Để học được online, học sinh cấp 1 cần được đảm bảo 2 điều quan trọng nhất là an toàn và thoải mái.

Trong trường hợp cha mẹ vẫn phải đi làm, cần tìm đến những giải pháp công nghệ để theo dõi và hỗ trợ trẻ từ xa. Phụ huynh cũng có thể nhắc con bằng cách tạo các tờ giấy nhớ ghi chú lại nguyên tắc an toàn trong nhà, dán ở những nơi trẻ dễ nhìn, góc học tập của trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cần luôn nhớ rằng an toàn của con phải được ưu tiên hàng đầu, nếu bố mẹ đi làm, phải phân công lịch cụ thể để trông con. Khi ở nhà, bố mẹ cũng cần tìm cách quản lý những nguy hiểm có thể gây thương tích cho trẻ như rút ổ điện, bọc các góc nhọn bằng các tấm mút, giăng lưới ở cầu thang, rào ngăn lan can. Bố mẹ cũng cần chú ý chắc chắn không thể để con ở nhà một mình mà không trông hay có sự giám sát.“Không chỉ là an toàn trước tai nạn thương tích có thể xảy ra trong nhà như bỏng, ngã, điện giật, ngộp nước trong bồn tắm, bị thương bởi các vật sắc nhọn mà còn cả những nguy cơ trên mạng internet khi con học trực tuyến. Nguyên tắc an toàn đối với những trẻ từ 10 tuổi trở xuống là không được phép để trẻ ở một mình không kiểm soát quá 4 tiếng, không được để trẻ 10 tuổi trông trẻ 6 tuổi mà không có sự để mắt của người lớn. Trong các tình huống phải ở một mình lâu, trẻ có thể trở nên rất lo lắng và mất kiểm soát hành vi”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

“Điều cần làm lúc này là cha mẹ hãy lưu tâm đến các yếu tố an toàn và thoải mái của con trước khi để con học trực tuyến. Việc học trực tuyến bản thân cũng vốn là một tình huống gây stress và phải đối diện với rất nhiều nguy cơ nên không thể để các con một mình khi chưa chắc chắn về những kỹ năng bảo vệ sự an toàn bản thân của con chưa sẵn sàng”, PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên.

TS Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia về giáo dục STEM, Viện nghiên cứu giáo dục STEM, ĐH Missouri (Mỹ) chia sẻ, tại Mỹ, nhiều gia đình cũng gặp khó khăn khi phụ huynh không được nghỉ làm để ở nhà trông con mùa dịch. Nguyên tắc trẻ em dưới 12 tuổi không được ở nhà một mình, nên tại Mỹ, các trẻ có bố mẹ đi làm sẽ được học chung với nhau theo các nhóm nhỏ và có giáo viên, hoặc sinh viên tình nguyện hướng dẫn các em học. Trong trường hợp xấu nhất, nếu có học sinh trong nhóm này bị lây nhiễm Covid-19, các em sẽ được giãn cách tại nhà, học tại nhà cùng nhau, không gây xáo trộn và lây lan ra cộng đồng.

Tại Mỹ cũng thực hiện chương trình 1 học sinh là 1 ipad, khi các em học online sẽ được nhà trường phát máy tính bảng, trong đó cài sẵn các phần mềm quản lý thời gian học tập, các website các em có thể truy cập. Sau khi trở lại trường học trực tiếp, học sinh sẽ trả lại máy tính cho nhà trường. Các thiết bị học tập trong mùa dịch cũng được các trường đóng gói chuyển về từng nhà cho học sinh và hoàn toàn miễn phí.

Giáo viên trong thời gian dạy trực tuyến vẫn sẽ đến trường để có không gian tốt nhất chuẩn bị cho bài giảng, tuy nhiên thầy cô sẽ thường chỉ dạy 1 buổi, buổi còn lại trong ngày để tham gia tư vấn và tương tác với học sinh, các mục tiêu giáo dục cũng được giảm nhẹ, không đặt nặng kết quả học tập trong thời gian này.

(Nguồn: VOV.VN)

TAGS

Vừa học online vừa sạc điện thoại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, giật điện

Thanh Mai |

Người dùng sử dụng điện thoại kéo dài khi sạc pin có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Bé trai 10 tuổi tử vọng do điện giật chết khi học trực tuyến

Thanh Mai |

Trong lúc học trực tuyến tại nhà, bé trai 10 tuổi ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) không may bị điện giật chết thương tâm.

Dùng điện thoại khi đang cắm sạc, người phụ nữ bị điện giật tử vong

T. Thủy |

Một người phụ nữ Thái Lan đã bị tử vong khi đang nằm trên giường ngủ, nguyên nhân do bà sử dụng điện thoại trong lúc đang cắm sạc rồi bị điện giật.

Dựng cây nêu đón Tết, 3 người bị điện giật thương vong

Tuấn Quỳnh |

Ngày 25.1, tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) trong quá trình dựng cây nêu đón Tết do bất cẩn nên 3 thanh niên đã bị điện giật thương vong.