Tận tụy phòng, chống dịch bệnh ở vùng biên

Trúc Phương |

Gần 3 năm qua, trước những ảnh hưởng phức tạp của COVID-19, lực lượng y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã không ngừng cố gắng để vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Sự nỗ lực của các y, bác sĩ nơi đây đã phần nào “chia lửa”, giúp tuyến trên giảm bớt áp lực trong "cuộc chiến" chống dịch đầy cam go.

Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Hướng Hóa ghi nhận trên 900 ca dương tính với SAR-COV-2, trong đó có hơn 600 ca trong cộng đồng. Trừ những ca bệnh nặng được chuyển lên tuyến trên, còn lại đều được chuyển vào điều trị tại 2 khu cách ly, điều trị F0 là đơn vị T51 và Trường Tiểu học Tân Long. Bác sĩ CK1 Nguyễn Đăng Xuân, Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, TTYT huyện Hướng Hóa cho hay, trong điều kiện dịch bệnh, TTYT huyện buộc phải chia nhỏ lực lượng để thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ: Chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tại cơ sở và tại các khu cách ly, điều trị bệnh nhân F0; tham gia đội phản ứng nhanh, sàng lọc, truy vết các ổ dịch trên địa bàn, theo dõi các ca bệnh điều trị tại nhà.

Bệnh nhân điều trị tại đơn vị T51 được lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày - Ảnh: T.P
Bệnh nhân điều trị tại đơn vị T51 được lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày - Ảnh: T.P

“Khối lượng công việc tăng lên gấp 2, gấp 3 lần so với thông thường; lịch trực của chúng tôi cũng dày hơn, thời gian nghỉ ngơi ít lại, nguy cơ nhiễm bệnh cao. Song anh em y, bác sĩ luôn tự động viên nhau cố gắng vượt khó, nỗ lực vì cộng đồng, góp phần “chia lửa” với tuyến đầu trong "cuộc chiến" phòng, chống COVID-19”, bác sĩ Xuân tâm sự.

Một ngày làm việc tại khu cách ly, điều trị bệnh nhân F0 T51 của Trưởng Khoa Chăm sóc sinh sản, bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Hằng và 5 y, bác sĩ khác của TTYT huyện Hướng Hóa bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến tận 11 giờ, thậm chí 12 giờ đêm. Nơi đây được ví như một bệnh viện thu nhỏ bởi mọi việc từ thăm khám, điều trị bệnh nhân F0, chăm sóc từng bữa ăn cho người bệnh đến làm hồ sơ bệnh án, thu chi viện phí đều do lực lượng làm nhiệm vụ tại đây phụ trách.

“Người bệnh phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chúng tôi ngoài đảm bảo sức khỏe còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của họ. Công việc ở đây vất vả, đợt trực kéo dài 30 ngày, nhiều chị em còn bị vàng da, stress nhưng ai cũng nỗ lực hết sức vì bệnh nhân”, chị Hằng bộc bạch.

Được biết, tuy bận rộn với công việc chuyên môn song chị Hằng vẫn cùng các y, bác sĩ khác thường xuyên kêu gọi, vận động các cá nhân, tổ chức hảo tâm hỗ trợ thêm bánh, sữa, nước cam cho bệnh nhân. Anh M., ở tại xã Húc, bệnh nhân vừa được điều trị khỏi COVID-19 xúc động cho biết: “Nhờ có sự chăm sóc của các y, bác sĩ của TTYT huyện, tôi đã nhanh chóng lành bệnh và trở về với gia đình. Tôi sẽ thực hiện nghiêm “5K” để giữ sức khỏe cho mình và gia đình như lời bác sĩ dặn”.

Đối với bác sĩ Đinh Thiên Long, Khoa Y học dự phòng, TTYT huyện Hướng Hóa, thành viên của đội phản ứng nhanh, có nhiệm vụ truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu ca bệnh COVID-19, tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua là một cái tết không thể nào quên với anh. Bởi trong khi mọi người nô nức đón chào năm mới, anh Long phải cùng đồng nghiệp tích cực khoanh vùng, truy vết F0, F1 tại “ổ dịch” chợ Tân Long. Anh Long chia sẻ: “Chúng tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng, chỉ cần nghe thông tin ca bệnh là lên đường ngay. Dù phải làm việc bất kể thời gian, đêm khuya hay mưa gió nhưng anh em trong đội luôn nêu cao trách nhiệm của mình đối với cộng đồng”.

Đến thời điểm hiện tại, tuy tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng bằng các giải pháp đồng bộ, TTYT huyện Hướng Hóa cơ bản kiểm soát được các địa bàn có dịch. Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng y tế tuyến huyện, góp phần san sẻ áp lực cho các tuyến trên. Giám đốc TTYT huyện Hướng Hóa, bác sĩ CK1 Lâm Chí Đức cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống COVID-19, bên cạnh tập trung tuyên truyền cho người dân vùng sâu, vùng xa, giúp họ hiểu cách phòng, chống dịch bệnh, TTYT huyện cũng xây dựng các kịch bản có thể xảy ra trên địa bàn để có phương án ứng phó kịp thời.

Cùng với đó là duy trì công tác khám, sàng lọc, phân loại, khai thác dịch tễ, phân luồng bệnh nhân đến khám tại cơ sở khám chữa bệnh; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, giường bệnh, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, kịp thời ứng phó trong trường hợp dịch bệnh căng thẳng hơn.

“Trước mắt, chúng tôi dự kiến sẽ chuyển số bệnh nhân đang điều trị tại Trường Tiểu học Tân Long sang khu điều trị khác để trả lại trường, phục vụ cho việc dạy và học trở lại. Đồng thời, tham mưu UBND huyện trưng dụng Trạm y tế (TYT) xã Thanh, TYT xã A Xing (cũ) để phục vụ điều trị ca bệnh tại các xã phía Nam; Bệnh xá Đoàn 337 hoặc TYT xã Hướng Phùng để điều trị ca bệnh tại các xã phía Bắc. Với 7 xã dọc Quốc lộ 9 thì khuyến khích các trường hợp F0 có đủ điều kiện thực hiện cách ly tại nhà.Tham mưu huyện thành lập TYT lưu động”, bác sĩ Lâm Chí Đức chia sẻ.

Có thể khẳng định, từ những đóng góp của mình, các nhân viên y tế địa phương xứng đáng được ghi nhận và rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời để họ có động lực gắn bó với nghề.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bỏ kiểm tra giấy xét nghiệm và tiêm đủ vắc xin khách đi máy bay từ sáng 22-1

Diệu Thuần |

Từ ngày 21-1 hành khách đi lại bằng hàng không sẽ không yêu cầu giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, giấy chứng nhận khỏi bệnh, giấy xét nghiệm.

Công bố quyết định thanh tra việc mua thiết bị y tế, kit xét nghiệm tại Bộ Y tế

Thanh Mai |

Mục đích cuộc thanh tra được nêu "nhằm chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm".

Khách nhập cảnh vào Việt Nam cần xét nghiệm COVID-19 như thế nào?

Thanh Mai |

Hãng hàng không nước ngoài có thể lựa chọn một trong hai phương án tính chi phí test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 của hành khách.

Bộ Công an: Công ty Việt Á chi "lại quả" cho các đối tác 800 tỷ đồng, nâng khống giá kít xét nghiệm Covid-19 lên 45%

Thnah Mai |

Trung tướng Tô Ân Xô thông tin về những lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á.