Hướng đến bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (PN&TE), thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã tăng cường công tác tuyên truyền về lĩnh vực này.
Bằng hình thức, nội dung tuyên truyền phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng, công tác tuyên truyền của các cấp hội phụ nữ ở Hướng Hóa đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như dần xóa bỏ định kiến về giới, hủ tục có hại cho PN&TE vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Giai đoạn 2021-2025, huyện Hướng Hóa có 692 cặp tảo hôn, đây chưa phải là con số thống kê đầy đủ. Trước thực trạng đó, nhằm chung tay giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, năm 2022, thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN&TE”, Hội LHPN huyện Hướng Hóa đã tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó đáng chú ý là mô hình tổ truyền thông cộng đồng.
Xã Thanh là địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tại 6 thôn của xã đã thành lập tổ truyền thông cộng đồng, mỗi tổ có từ 7 - 10 thành viên. Chủ đề chính trong năm 2023 các tổ triển khai thực hiện là “Giới và bình đẳng giới”. Hằng tháng, tổ chức ít nhất một hoạt động truyền thông như: lồng ghép nội dung vào các buổi họp thôn, nói chuyện chuyên đề, thăm hộ gia đình... qua đó, giúp người dân hiểu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; loại bỏ định kiến giới, hủ tục, thói quen lạc hậu; chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế...
Chị Hồ Thị Mé ở thôn A Ho, xã Thanh có con trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn. Tổ truyền thông cộng đồng tại thôn thường xuyên đến tận nhà chị Mé để tuyên truyền, vận động, cung cấp thêm kiến thức về tảo hôn và những hậu quả của tảo hôn... Nhờ vậy, gia đình chị Mé hiểu được con kết hôn phải theo đúng độ tuổi quy định của pháp luật.
Chị Mé chia sẻ: “Gia đình tôi rất vui khi được tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, đặc biệt trong đó có các quy định về độ tuổi kết hôn. Trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi thì được xem là hành vi tảo hôn. Tảo hôn, sinh con sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng nòi giống. Làm bố, làm mẹ sớm không có kinh nghiệm, điều kiện kinh tế sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống... Do đó, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, khuyên bảo con, không để xảy ra tình trạng con tảo hôn”.
Từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN huyện thành lập được 46 tổ truyền thông cộng đồng với gần 500 hội viên tại 9 xã, thị trấn. Những người có năng lực, có uy tín và có tiếng nói trong cộng đồng là những nhân tố nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các định kiến giới liên quan đến PN&TE. Đối tượng tuyên truyền chủ yếu là tất cả người dân, trong đó chú trọng PN&TE gái trong ở các thôn, bản.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với PN&TE tại địa phương. Các cấp hội phụ nữ ở Hướng Hóa đã thực hiện xác định nội dung, hình thức truyền thông phù hợp với địa phương; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông theo kế hoạch, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức về bình đẳng giới, tiến tới giải quyết căn bản các vấn đề cấp thiết cho PN&TE vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Hội LHPN huyện Hướng Hóa đã tổ chức khảo sát, thành lập, ra mắt tổ, hỗ trợ kinh phí, tập huấn, tổ chức diễn đàn giao lưu các tổ truyền thông. Hỗ trợ hoạt động, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền tại cơ sở. Hội đã tổ chức diễn đàn giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác truyền thông về bình đẳng giới năm 2023 nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp vận động hội viên phụ nữ và người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực tham gia các hoạt động hội, góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Đồng thời qua đây, các cấp hội phụ nữ đánh giá, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong tuyên truyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức và hành động về bình đẳng giới và quyền lợi trẻ em; giúp người DTTS và miền núi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có thể “giảm nghèo thông tin”, thúc đẩy quyền, trao cho họ cơ hội vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa Hồ Thị Thu Nhường cho biết: “Thời gian tới, hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa và hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.
Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ hội cũng như các thành viên trong tổ. Xây dựng kế hoạch giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ ở địa phương. Đa dạng hóa hình thức, lồng ghép nội dung tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, duy trì, nhân rộng các mô hình truyền thông trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)