Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được Đảng xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đặc biệt, trong thời kỳ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng có vai trò quan trọng, được xác định là một “khâu nối” để đưa pháp luật vào cuộc sống.
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và các văn bản pháp lý có liên quan nhằm tổ chức các hoạt động PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Từ ngày 1/1/2017 - 30/7/2021, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 398.078 cuộc PBGDPL, 618 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 188.205 người dự thi; tổng số tài liệu được phát hành miễn phí là 239.489 bản; 3.762 tin, bài về pháp luật được đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng; 153 chuyên mục pháp luật và đời sống, đặc biệt có 1.129 tài liệu PBGDPL được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số. Qua đó, hội đồng PBGDPL đã phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL ngày được kiện toàn đảm bảo về số lượng và chất lượng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh thường xuyên tham mưu kiện toàn thành viên hội đồng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở địa phương nhằm tạo lực lượng nòng cốt đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để thực hiện việc tuyên truyền, PBGDPL.
Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp huyện kiện toàn hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện và đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện và tuyên truyền viên tuyến xã. Đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh có 36 thành viên; toàn tỉnh hiện nay có 202 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; cấp huyện có 219 báo cáo viên pháp luật. Lực lượng này đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh, qua đó đưa chính sách, pháp luật vào thực tiễn đời sống.
Cùng với đó, công tác PBGDPL pháp luật được đổi mới hình thức, phương pháp, trong đó có một số hình thức có hiệu quả như: PBGDPL trực tiếp thông qua các hội nghị phổ biến, tuyên truyền, phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu, hoạt động của tổ chức hòa giải ở cơ sở, hoạt động trợ giúp pháp lý... Mặt khác, ngoài việc duy trì, phát triển các hình thức PBGDPL truyền thống, các cơ quan, tổ chức đã xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm mới, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và nhu cầu của Nhân dân; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông vào hoạt động PBGDPL.
Hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thiết lập trang thông tin điện tử, trong đó đăng tải rộng rãi các thông tin pháp luật, chính sách, thủ tục hướng dẫn người dân. Việc đa dạng các hình thức tuyên truyền PBGDPL đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước chuyển rõ nét về nhận thức và hành động của Nhân dân trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật của Nhà nước, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao trình độ dân trí, am hiểu pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là: Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan còn thiếu tính đồng bộ và chưa thực sự chặt chẽ, đôi khi còn chồng chéo. Kinh phí bố trí cho hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở của các cấp, các ngành còn ít. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến chưa được thường xuyên và sâu rộng, hình thức còn nghèo nàn; cơ sở, phương tiện tuyên truyền còn thiếu nên hiệu quả đem lại chưa cao...
Các địa bàn miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí còn thấp, ý thức tìm hiểu về pháp luật thấp nên công tác PBGDPL gặp nhiều khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả chưa cao và sâu rộng.
Để hoạt động PBGDPL đạt kết quả tốt hơn nữa, thời gian tới các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Trước hết, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đơn vị trong hoạt động phối hợp PBGDPL. Nâng cao vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện; thường xuyên có kế hoạch, các văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức và Nhân dân... Rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng, bổ sung nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ trong PBGDPL.
Mặt khác, cần nâng cao sự hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương cho đội ngũ trực tiếp làm công tác PBGDPL. Đặc biệt, tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại địa phương và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, trưởng bản và người có uy tín ở địa phương trong công tác PBGDPL và có những chính sách hỗ trợ cho những già làng, trưởng thôn, trưởng bản và người có uy tín ở địa phương khi thực hiện công tác PBGDPL.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền PBGDPL theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân đối với pháp luật, đa dạng hóa nội dung và hình thức PBGDPL. Đồng thời, kết hợp hài hòa hình thức PBGDPL truyền thống với hình thức mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn.
Những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần được tiếp tục triển khai sâu rộng như: PBGDPL thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật, cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số; lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa, tủ sách pháp luật và các mô hình tiêu biểu hưởng ứng ngày pháp luật trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo sự lan tỏa trong PBGDPL nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các nhà trường để có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên.
Qua đó, giúp cho các em sống, học tập và làm việc Hiến pháp, pháp luật. Có như vậy, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện mục tiêu “xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)