Để thực hiện trách nhiệm và quan tâm hơn đến tương lai của vị thành niên, thanh niên nói chung, trẻ em gái nói riêng, những năm qua, ngành y tế - dân số tỉnh Quảng Trị tích cực phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho vị thành niên, thanh niên, trong đó có nhiều trẻ em gái.
Qua đó, góp phần nâng cao sự hiểu biết của học sinh về kiến thức giới, dân số, bảo vệ, giúp các em học tập tốt, có kinh nghiệm tự CSSKSS cho bản thân và sống lành mạnh.
Vị thành niên ở lứa tuổi từ 10 - 17 rất thích khám phá năng lực bản thân, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ mới. Do đó, các em có rất nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý cũng là điểm quan trọng khởi đầu để hình thành kỹ năng sống, chuẩn bị cho giai đoạn trưởng thành sau này. Việc tuyên truyền CSSKSS cho trẻ vị thành niên rất quan trọng, đang đặt ra những yêu cầu cấp bách trong điều kiện các em chịu tác động từ nhiều yếu tố xung quanh.
Nếu không được tuyên truyền đúng cách, các em rất dễ có các nguy cơ: Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, dễ bị xâm hại tình dục dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục kể cả HIV/AIDS, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn và kéo theo những hệ lụy không nhỏ về sau. Thực tế cho thấy, trẻ vị thành niên còn thiếu hụt kiến thức về CSSKSS và sức khỏe tình dục, chưa hiểu rõ cơ thể của bản thân.
Tại nhà trường, mặc dù đã có các môn học như: Sinh học, Giáo dục công dân nhưng những kiến thức mới dừng lại ở lý thuyết. Nhu cầu về việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản rất quan trọng, tuy nhiên một số bậc phụ huynh còn né tránh khi nhắc tới vấn này, chưa thật sự quan tâm sát sao tới tâm tư, nguyện vọng của trẻ. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi internet luôn có tác động hai chiều đến nhận thức của các em, trong đó thông tin tiêu cực vẫn còn khá nhiều, vì vậy các em rất cần được cung cấp kiến thức, kỹ năng qua các kênh chính thống, được các bác sĩ có chuyên môn tư vấn, cung cấp thông tin tới các em.
Trước thực tế nói trên, ngành y tế - dân số tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp với các trường học trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động truyền thông nói chuyện chuyên đề về CSSKSS, chống xâm hại tình dục cho vị thành niên, thanh niên với hình thức và nội dung phong phú như: Nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp, lồng ghép sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong trường học.
Hiệu trưởng Trường THPT Chế Lan Viên, huyện Cam Lộ Phạm Thị Ánh Tuyết cho biết: “Thời gian qua, nhà trường tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn, hỏi, đáp cho học sinh về kiến thức CSSKSS, phòng, tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Ngoài chương trình các môn học thì giáo viên chủ nhiệm còn thường xuyên quan tâm tư vấn về CSSKSS, cách phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục và tệ nạn xã hội cho học sinh vào giờ sinh hoạt lớp.
Tổ chức các buổi ngoại khóa, xây dựng các tiểu phẩm, chương trình văn hóa văn nghệ với chủ đề liên quan đến CSSKSS, phòng, chống tệ nạn xã hội... thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia. Việc tuyên truyền CSSKSS vị thành niên, thanh niên trong trường học là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo bình đẳng được cung cấp các kiến thức đối với học sinh nữ, giúp các em không còn rụt rè, e ngại khi muốn tìm hiểu về kiến thức CSSKSS, có sự hiểu biết và nhận thức rõ ràng hơn về sức khỏe sinh sản, từ đó các em có cách sống lành mạnh về thể chất và tinh thần”.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 27 buổi nói chuyện chuyên đề về CSSKSS vị thành niên, thanh niên tại các trường THCS và THPT. Tại các buổi truyền thông, học sinh tích cực tham gia thảo luận, trả lời các câu hỏi tình huống, rất đông bạn trẻ đặt nhiều câu hỏi và trả lời những câu hỏi của bác sĩ tư vấn. Nhờ vậy, các em được nâng cao nhận thức trong việc CSSKSS.
Đây là mô hình hoạt động được giáo viên các trường học đánh giá sẽ đem lại nhiều lợi ích cho học sinh và cần được tiếp tục nhân rộng trên địa bàn. Em Trần Thị Hải Yến, học sinh lớp 11B5, Trường THCS và THPT Cửa Việt, huyện Gio Linh chia sẻ: “Các nội dung trong buổi sinh hoạt ngoại khóa do nhà trường tổ chức cho học sinh có ý nghĩa thực tế rất lớn. Đặc biệt trong đó, chúng em được tiếp thu nhiều kiến thức quan trọng để biết cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân, ứng xử trước sự thay đổi tâm sinh lý, tránh được những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của mình để chuẩn bị hành trang bước vào đời tốt hơn”.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn... ở vị thành niên, thanh niên vẫn có xu hướng gia tăng. Theo số liệu báo cáo chính thức của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Những con số rất đáng lo ngại này càng đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực lớn hơn nữa, đầu tư nhiều hơn nữa để đảm bảo không còn các ca mang thai ngoài ý muốn ở vị thành niên, thanh niên.
Để việc giáo dục giới tính, SKSS cho vị thành niên, thanh niên được triển khai một cách hiệu quả, kịp thời, trong thời gian tới, các cấp, ngành, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, giáo dục và trang bị đầy đủ kiến thức về CSSKSS cho vị thành niên, thanh niên. Đặc biệt, cần quan tâm nhiều hơn nữa trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục trẻ em gái vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo mọi trẻ em gái được sống trong môi trường an toàn, bình đẳng để các em có điều kiện phát triển toàn diện.
Cùng với đó, tăng cường tính sẵn có và chất lượng của mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên; hạn chế những rào cản, khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ CSSKSS góp phần phòng ngừa các tệ nạn và các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho các trẻ em gái.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)