“Cô Thương” của những trẻ em tật nguyền ở xứ Cùa

Nam Phương |

Gắn bó với Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) từ những ngày đầu mới thành lập, chị Nguyễn Thị Thương luôn cống hiến hết mình cho công việc, chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam bằng tất cả trách nhiệm và tình thương. 14 năm qua, dù chưa trải qua một khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm bài bản nào song người phụ nữ ấy vẫn luôn được người dân địa phương và những đứa trẻ tật nguyền ở xứ Cùa gọi bằng cái tên trìu mến: “Cô Thương”.


Chúng tôi có dịp ghé thăm Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa trong chương trình trao quà trung thu do Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam tổ chức cách đây không lâu. Nơi đây được trang bị một số thiết bị, máy móc đơn giản và có hơn 10 cháu với nhiều độ tuổi khác nhau, là nạn nhân chất độc da cam, trẻ khuyết tật trên địa bàn đang thực hiện điều trị, phục hồi chức năng.

Thấy người lạ đến, một vài đứa trẻ bỗng trở nên tăng động, bắt đầu khóc lóc, la hét. Nhưng chỉ ít phút sau đó, cô Thương đã nhanh chóng ổn định, nhẹ nhàng dỗ dành để các cháu bình tĩnh hơn. Phụ huynh của cháu N. cho hay: “Một số cháu thấy sợ khi có người lạ nhưng không sao đâu vì đã có cô Thương. Con tôi cũng như các cháu ở đây rất mến cô. Từ ngày có trung tâm, có cô, tôi cũng yên tâm gửi con để đi làm”.

Cô Thương luôn tận tình chăm sóc trẻ ở Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa - Ảnh: T.P
Cô Thương luôn tận tình chăm sóc trẻ ở Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa - Ảnh: T.P

Chúng tôi gọi người phụ nữ ấy như cách mà người dân địa phương và những đứa trẻ tật nguyền ở xứ Cùa vẫn gọi “cô Thương”. Được biết, trước khi làm việc tại Trung tâm Phục hồi chức năng, cô từng có thời gian làm cộng tác viên y tế thôn Quật Xá, xã Cam Nghĩa.

Thời điểm đó, cô gây ấn tượng với nhiều người bằng thái độ làm việc trách nhiệm, tận tâm. Đến năm 2008, trước thực tế nhiều trẻ khuyết tật, nạn nhân da cam trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, cần được chăm sóc, hỗ trợ phục hồi chức năng, lãnh đạo xã Cam Nghĩa đã đứng ra vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm xây dựng trung tâm phục hồi chức năng xã. Với những kiến thức, kỹ năng có được trong quá trình làm cộng tác viên y tế thôn, cô Thương được người dân và chính quyền địa phương “chọn mặt gửi vàng”, giao trách nhiệm chăm sóc những đứa trẻ “đặc biệt” ở xứ Cùa.

Cô Thương chia sẻ: “Hồi mới về làm, dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng tôi vẫn không tránh khỏi lúng túng, bỡ ngỡ khi trực tiếp chăm sóc các cháu. Khó khăn, vất vả thật đấy nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của các cháu, tôi lại thấy thương và tự động viên mình cố gắng, kiên trì cho đến bây giờ”.

Hầu hết các trẻ đến trung tâm đều là trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, mắc các tật vận động, bại não, thiểu năng, khiếm thị..., không có khả năng tự phục vụ. Khó khăn lớn nhất của cô Thương là phải làm cùng lúc 2 vai trò, vừa chăm sóc, vừa giúp các cháu tập những bài tập phục hồi chức năng. Không những thế, cô và chính quyền địa phương còn luôn phải đối mặt với việc thiếu kinh phí hoạt động, đến mức tưởng chừng như phải đóng cửa trung tâm. Nhiều người từng xin đến đây làm việc nhưng chỉ sau vài tháng là nghỉ việc, chỉ có cô Thương suốt 14 năm qua vẫn ở lại.

Bằng trách nhiệm với công việc và hơn hết là tình yêu dành cho những đứa trẻ ấy, cô dần vượt qua tất cả, làm quen với việc nghe trẻ khóc lóc, bị cào cấu mỗi ngày để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Cô Thương cũng thường xuyên tham gia các buổi tập huấn do Hội người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh hay Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC), RENEW Quảng Trị tổ chức để bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật.

Đồng thời, cô cũng tranh thủ vận động nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm quyên góp, hỗ trợ tiền ăn cho các cháu, kinh phí duy trì hoạt động cho trung tâm. Có tận mắt chứng kiến cô dỗ dành, vỗ về cơn đau của các em nhỏ tại trung tâm mới thấy hết được tình thương, sự tận tụy của người phụ nữ đặc biệt này.

Mọi sự nỗ lực của cô Thương đều được lãnh đạo địa phương và người dân ghi nhận. “14 năm gắn bó với trung tâm, niềm vui lớn nhất của tôi chính là nhìn thấy những đứa trẻ do mình chăm sóc được hòa nhập cộng đồng. Như trường hợp của cháu V.T.T., cháu V.T.H. hay cháu N.V.T. bây giờ đều trở thành những người có ích cho xã hội”, cô Thương bộc bạch.

Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa Lê Hữu Phương, người đã có nhiều năm chứng kiến, đồng hành với sự thay đổi của Trung tâm Phục hồi chức năng xã Cam Nghĩa đánh giá: “Chị Thương là một đảng viên tận tình, trách nhiệm, tâm huyết với công việc. Dù không được đào tạo về kỹ năng sư phạm nhưng chị ấy đã chăm sóc rất tốt, giúp đỡ các cháu là trẻ khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam của địa phương tiến bộ hơn từng ngày”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Người chuyên ươm tiêu giống ở vùng Cùa

Anh Vũ |

Những năm trở lại đây, nhu cầu về cây tiêu giống để người dân phục hồi, cải tạo diện tích hồ tiêu bị chết do sâu bệnh, mưa bão trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Cam Lộ nói riêng khá cao. Nhanh nhạy, nắm bắt thị trường, chị Trần Thị Yến, ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đã đầu tư vườn ươm tiêu giống bài bản để phục vụ người trồng tiêu trong toàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Mô hình ươm tiêu giống của chị Yến vừa tạo được nguồn thu nhập ổn định, vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Xứ Cùa trù phú

Nguyễn Phúc |

Từ thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), muốn vào Cùa phải di chuyển theo con đường độc đạo len lỏi giữa trùng điệp núi đồi, hai bên là rừng keo lai xanh rì.

Người tâm huyết với thương hiệu gà Cùa

Lê Trường |

Sinh ra và lớn lên tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nhưng anh Vũ Văn Bắc (sinh năm 1983) lại bén duyên, lập nghiệp ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) và trở thành người gắn bó với việc xây dựng, phục hồi thương hiệu gà Cùa.

Người tiên phong thử nghiệm nhiều cây trồng mới trên đất Cùa

Anh Vũ |

Năm nay đã 62 tuổi nhưng ông Nguyễn Ngọc Thỉnh, ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vẫn là một trong những hội viên nông dân tích cực, đi đầu trong đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới để nâng cao thu nhập cho gia đình, trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi ở vùng Cùa.