Những năm trở lại đây, nhu cầu về cây tiêu giống để người dân phục hồi, cải tạo diện tích hồ tiêu bị chết do sâu bệnh, mưa bão trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Cam Lộ nói riêng khá cao. Nhanh nhạy, nắm bắt thị trường, chị Trần Thị Yến, ở thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đã đầu tư vườn ươm tiêu giống bài bản để phục vụ người trồng tiêu trong toàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Mô hình ươm tiêu giống của chị Yến vừa tạo được nguồn thu nhập ổn định, vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Chị Yến cho biết, gia đình chị bắt đầu với công việc ươm tiêu giống cách đây 10 năm, thời điểm UBND huyện Cam Lộ có đề án phục hồi và phát triển cây hồ tiêu. Trước khi triển khai thực hiện mô hình ươm tiêu giống, chị Yến có một thời gian dài đi làm công cho một chủ vườn ươm lớn ở địa phương khác. Quá trình làm công, chị để ý và nắm bắt được cơ bản kỹ thuật, kinh nghiệm trong việc ươm, chăm sóc tiêu giống. Tuy vậy, những năm đầu tiên chị cũng chưa dám ươm số lượng nhiều, chủ yếu là để phục vụ việc trồng mới của gia đình và một số hộ xung quanh.
Dần dần đúc rút được kinh nghiệm và tìm hiểu thêm kỹ thuật qua các lớp tập huấn, sách báo, internet, chị bắt đầu tăng số lượng lên. Năm ít thì ươm từ 1,5 - 2 vạn bầu, nhiều thì lên đến 3,5 - 4 vạn bầu. Những năm ươm với số lượng nhiều chủ yếu là phục vụ cho các dự án trồng cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh. Hom tiêu giống được chị chọn từ các vườn tiêu năng suất cao, sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh ở huyện Vĩnh Linh. Theo chị Yến, hiện nay ở Quảng Trị, giống tiêu Vĩnh Linh được xem là giống sạch bệnh, cho năng suất cao nhất nên năm nào hom giống chị cũng mua tại địa phương này.
Chị Yến cho biết: “Tiêu giống bắt đầu ươm từ tháng 4 dương lịch, đến tháng 8 là có thể xuất vườn để trồng. Quá trình ươm tiêu giống khá công phu, nhất là khâu chuẩn bị đất. Đất ươm tiêu phải sử dụng đất mặt, tơi xốp, khô ráo, sàng sạch sẽ cỏ rác, đá sỏi, đất càng mịn càng dễ đóng bầu và bảo đảm độ chắc của bầu, như vậy sẽ tránh cho cây tiêu giống bị động rễ. Khi đóng bầu phải đóng chặt, vị trí đặt bầu ươm không được đọng nước, xếp bầu thành hàng ngay ngắn, chiều rộng 1 - 1,2 m để thực hiện thao tác cắm hom tiêu vào bầu, nhổ cỏ, chăm sóc cây giống thuận lợi. Ngoài ra, sau khi hom tiêu được cấy vào bầu, vườn ươm phải có mái che nắng và đảm bảo nước tưới hằng ngày”.
Nhờ áp dụng quy trình ươm bài bản nên chất lượng tiêu giống của vườn ươm chị Yến năm nào cũng phát triển tốt, tỉ lệ sống trên 80%, kiểm soát được sâu bệnh. Tiêu giống của chị cung cấp cho phần lớn người trồng tiêu ở Cam Lộ; có năm còn xuất bán cho nông dân các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.
Hiện nay, mỗi bầu tiêu giống được bán với giá 10.000 đồng, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi vụ ươm tiêu giống chị Yến có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Mô hình của chị cũng tạo việc làm theo thời vụ cho khoảng 10 lao động ở địa phương. Điều đặc biệt hơn là từ vườn tiêu giống đảm bảo chất lượng này, nông dân vùng Cùa có thể chủ động về nguồn giống, giảm chi phí cho người trồng tiêu.
“Mô hình ươm tiêu giống của chị Yến góp phần quan trọng trong việc thực hiện Đề án phục hồi và phát triển cây hồ tiêu ở địa phương, đặc biệt là giúp nông dân có nguồn giống chất lượng, sạch bệnh để trồng lại trên những diện tích tiêu chết do sâu bệnh, mưa lũ những năm trước. Hiện nay, đa số những vườn tiêu ở vùng Cùa được trồng từ nguồn tiêu giống của chị Yến đều phát triển tốt, ít sâu bệnh. Đây là mô hình vừa mang lại hiệu quả kinh tế khá cao vừa giải quyết được việc làm cho một số lao động ở địa phương”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Nghĩa Mai Vĩnh Trình cho biết.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)