Trong số gần 53.000 người tham gia hoạt động kinh tế, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có trên 2.500 lao động người dân tộc Vân Kiều, tập trung tại 3 xã miền núi, đông nhất ở xã Vĩnh Ô.
Nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp, song những năm trở lại đây, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; chi phí sản xuất, lưu thông hàng hoá tăng cao khiến việc làm của bộ phận lao động này đối mặt với nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, trong các nhóm giải pháp, huyện Vĩnh Linh ưu tiên chuyển đổi sinh kế, đa dạng hoá ngành nghề, lĩnh vực, tích cực hỗ trợ lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thêm nhiều việc làm mới.
Cuối năm 2021, UBND xã Vĩnh Ô phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị tổ chức đào tạo nghề, tuyển dụng công nhân cạo mủ cao su tại Nông trường Quyết Thắng.
Thông qua các kênh tuyên truyền của xã, chị Hồ Thị Phú ở Bản 1 mạnh dạn đăng ký tuyển dụng. Sau thời gian chăm chỉ học nghề, tháng 1/2022, chị Phú được công ty nhận vào làm công nhân.
Đặc biệt, gần 10 tháng đầu năm 2022, nhờ có tay nghề tốt, cạo mủ cao su đảm bảo kỹ thuật và diện tích nên thu nhập của chị Phú đạt khoảng 14 triệu đồng/tháng, được Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị biểu dương, tặng giấy khen.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Hồ Văn Đàn cho biết: “Riêng trong đợt này, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị đã đào tạo nghề, tuyển mới 30 công nhân là lao động người dân tộc Vân Kiều thuộc 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà.
Vốn chưa có kỹ năng, công việc, nay được nhận vào làm với mức thu nhập từ 8 triệu - 12 triệu đồng/tháng/người, lại được tạo điều kiện về chỗ ở, chi phí sinh hoạt nên người lao động rất phấn khởi”.
Tạo việc làm và mở hướng tiếp cận việc làm mới cho lao động người dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Tại huyện Vĩnh Linh, tập trung thực hiện các chính sách, chủ trương ưu tiên phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tác động tích cực đến cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế 3 xã miền núi, góp phần tạo việc làm cho người dân.
Bên cạnh đầu tư, nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, thời gian qua, chính quyền, cơ quan chuyên môn từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh đào tạo nghề; kết nối, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để tăng việc làm mới cho lao động người dân tộc thiểu số.
Hằng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Linh tăng cường phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp và sử dụng vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm cho người lao động. Thường xuyên cập nhật thông tin, giới thiệu doanh nghiệp uy tín đến tuyển dụng lao động, đặc biệt lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Giai đoạn 2016- 2021, huyện Vĩnh Linh chỉ đạo tổ chức khoảng 15 lớp đào tạo nghề cho gần 350 học viên/hơn 270 hộ nghèo. Ngoài những nghề về nông nghiệp, lao động người dân tộc thiểu số còn được học các nghề mới như kỹ thuật sản xuất chổi đót; kỹ thuật xây dựng…
Ngành nghề đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực nên hầu hết lao động đều tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Lao động người dân tộc thiểu số cũng dần quan tâm, tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Từ năm 2021 đến nay, riêng xã Vĩnh Ô đã có hơn 100 lao động đi làm việc cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh; 4 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Nhờ đó, tại 3 xã miền núi huyện Vĩnh Linh, tỉ lệ lao động có việc làm tăng đáng kể.
Dù đã đạt được những kết quả khả quan song theo đánh giá của huyện Vĩnh Linh, công tác giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc Vân Kiều vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đảm bảo tính bền vững, cần sớm khắc phục.
Trong đó, xác định xuất khẩu lao động là một hướng đi hiệu quả trong chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thu nhập nhưng số lượng hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia còn thấp. Tính riêng giai đoạn 2016- 2020, toàn huyện có trên 1.670 người xuất khẩu lao động đến các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Lào…
Trong số đó, chỉ có 12 lao động thuộc diện hộ nghèo, 34 lao động hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số xuất khẩu, chủ yếu làm việc ở thị trường Lào. Nguyên nhân cơ bản là do nguồn vốn trợ giúp cho những đối tượng này đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn thấp.
Cơ chế còn chưa linh hoạt, vẫn còn đặt hàng hoặc giao cho doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp phụ trách. Đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiếp nhận lao động có thu nhập cao về nhiều mặt như ngoại ngữ, kỹ năng, sức khỏe...
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động nên đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận...
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trên cơ sở đánh giá công tác giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số, thời gian tới huyện Vĩnh Linh xây dựng các nhóm giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn.
Cụ thể, tiếp tục ưu tiên chính sách hỗ trợ về mọi mặt cho 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu và đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ phù hợp.
Đổi mới, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề gắn với sản xuất, nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Đặc biệt, tăng cường truyền thông, trực tiếp trợ giúp về học nghề, pháp lý, nguồn vốn, người dân sẽ tự tin khi tham gia xuất khẩu lao động…
Từ đó lao động người dân tộc thiểu số có thêm lựa chọn, định hướng, nỗ lực tự tìm kiếm, tạo việc làm phù hợp với khả năng, trình độ, phấn đấu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, rút ngắn dần khoảng cách về tốc độ phát triển kinh tế- xã hội giữa vùng miền núi và đồng bằng trong huyện.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)