Tạo hứng thú cho môn Lịch sử khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Tuệ Linh |

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT.

Theo đó, môn Lịch sử cấp THPT sẽ có phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết cho mỗi năm học lớp 10, 11 và 12. Thay vì là môn lựa chọn hoàn toàn và học sinh có thể không chọn học môn này như trong chương trình giáo dục phổ thông đã ban hành năm 2018, tất cả học sinh THPT năm học tới trở đi sẽ học đầy đủ số tiết bắt buộc này. Những em lựa chọn môn Lịch sử để học chuyên sâu, theo hướng định hướng nghề nghiệp, thì sẽ học nhiều hơn. Sự thay đổi từ môn lựa chọn thành môn có cả phần bắt buộc và lựa chọn là theo yêu cầu của Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6. Hiện Bộ GD&ĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về việc ban hành Chương trình GDPT 2018 theo hướng môn Lịch sử gồm có cả phần bắt buộc và tự chọn. Dự thảo giữ nguyên phần chuyên đề học tập môn Lịch sử tự chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề 70 tiết/ năm học thành phần bắt buộc nhưng chỉ còn 52 tiết/năm học.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là với thời gian 1 tháng để điều chỉnh chương trình môn Lịch sử liệu có ảnh hưởng tới chất lượng và kế hoạch đã có hay không? Sau thông tin Bộ GD&ĐT điều chỉnh một số nội dung môn Lịch sử thành bắt buộc ở bậc THPT, các trường THPT học trên cả nước nhanh chóng điều chỉnh, sắp xếp lại các tổ hợp. Đặc biệt, chương trình Lịch sử tự chọn là các kiến thức chuyên sâu và nâng cao hơn so với chương trình bắt buộc đại trà như trước đây.

Vậy, việc sửa nội dung, giảm tải kiến thức để phù hợp với đại trà học sinh là rất khó và cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết/năm học không phải là chương trình được xây dựng mới từ đầu mà được điều chỉnh tinh giảm từ chương trình môn Lịch sử 70 tiết/năm học đã được xây dựng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, việc thực hiện sẽ bảo đảm về tiến độ và chất lượng như kế hoạch đã ban hành.

Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, sau khi công tác tuyển sinh lớp 10 hoàn thành vào cuối tháng 6/2022, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tập huấn cho phụ huynh và học sinh lớp 10 năm học 2022- 2023 việc chọn tổ hợp môn học tự chọn. Trong đó, ngoài 7 môn học và hoạt động bắt buộc, học sinh phải chọn học 5 môn tự chọn. Đến nay, học sinh đã chọn xong các môn học tự chọn, các trường cũng đã hoàn thành chia lớp theo nguyện vọng của học sinh.

Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT thực hiện kế hoạch xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp học THPT từ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo yêu cầu của Nghị quyết 63 thì sở phải chờ hướng dẫn cụ thể từ bộ. Theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các đợt tập huấn hướng dẫn chương trình Lịch sử bắt buộc hoàn thành trước 20/9/2022. Sau đó, Sở GD&ĐT sẽ triển khai tập huấn đại trà về tổ chức dạy học chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc cho cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp với điều kiện địa phương.

Trước đó, theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, ở cấp THPT, từ năm học 2022-2023, có 7 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Nội dung giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Ngoài ra, học sinh được tự chọn 5 trong số 10 môn học thuộc các tổ hợp, trong đó có môn Lịch sử. Cụ thể, 5 trong 10 môn học tự chọn được thiết kế theo 3 tổ hợp tương ứng với 3 định hướng nghề nghiệp là: Khoa học xã hội (các môn Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và Pháp luật); Khoa học tự nhiên (các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ - nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Đặc biệt, đối với môn Lịch sử, Chương trình GDPT 2018 được phân làm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản kết thúc ở lớp 9 với Lịch sử là môn bắt buộc; giáo dục hướng nghiệp bắt đầu từ lớp 10 với Lịch sử trở thành môn tự chọn.

Việc môn Lịch sử có trở thành môn học bắt buộc hay tự chọn thời gian qua đã trở thành vấn đề quan tâm của dư luận xã hội. Thực tế bấy lâu nay đã xảy ra tình trạng nhiều học sinh không hứng thú với môn học Lịch sử. Vì vậy, môn học này tự chọn hay bắt buộc, điều cốt yếu phải có những thay đổi về cách biên soạn sách giáo khoa hiện đại, thiết kế chương trình khoa học, cách ra đề thi mới mẻ nhằm giúp giáo viên sáng tạo hơn trong giảng dạy kiến thức và kỹ năng, giúp học sinh hứng thú khi tiếp cận lịch sử một cách tự nhiên, không gượng ép. Từ đó, học sinh sẽ yêu thích môn Lịch sử dẫn đến việc tiếp thu kiến thức sẽ nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế phân tích: Lịch sử là một khoa học liên ngành, vốn hình thành từ 3 hệ tuyến song song và đan xen. Đó là lịch sử hình thành cộng đồng, lịch sử hình thành nhà nước, sự vận động và phát triển các hình thái KT-XH. Chiến tranh để xác lập quyền lực là một kiểu hình thái vận động chứa đựng bên trong cả 3 hệ tuyến lịch sử đó. Thế nhưng, tiếc thay lịch sử đương đại đang được đưa vào giảng dạy trong các trường học phần lớn cứ lấy các cuộc xung đột chính trị và chiến tranh làm trung tâm của lịch sử nên cái nhìn lịch sử không chỉ nghèo đi mà còn bị sai lệch, mất hứng thú với người học.

Thực tế cho thấy bánh xe lịch sử luôn lăn trên 3 hệ tuyến vận động của lịch sử (cộng đồng - nhà nước - hình thái KT-XH) qua các biến cố và sự kiện lịch sử. Dấu ấn để lại trong sử học không phải là toàn bộ diễn biến của cả 3 hệ tuyến đó mà là dấu ấn của các biến cố và sự kiện nổi bật. Do đó dạy Lịch sử là khai thác những điều thú vị từ các sự kiện và biến cố đó. Có thế mới tạo nên cảm hứng cho người nghe, người học và cả người dạy. Không cứ nhất thiết phải mang vào trong bài giảng bằng những số liệu không phải là thuộc tính.

Có như vậy, bài giảng sẽ đem dòng chảy lịch sử gối đầu qua các sự kiện đầy hứng thú mà không buộc phải nạp vào học sinh những chi tiết vô cảm, con số vô hồn. Từ những bài học lịch sử hấp dẫn ấy sẽ tạo ra năng lượng dồi dào cho lòng yêu nước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bộ GD&ĐT làm rõ những điều chỉnh trong môn Lịch sử cấp THPT

PV |

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch thực hiện điều chỉnh môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã trao đổi với báo chí một số nội dung để làm rõ hơn kế hoạch điều chỉnh này.

Môn Lịch sử bậc THPT sẽ có 52 tiết bắt buộc mỗi năm

PV |

Ngày 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thí điểm sản phẩm du lịch đêm tại một số di tích lịch sử

Mai Lâm |

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị đang tích cực phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan gấp rút chuẩn bị chương trình thí điểm du lịch đêm tại 2 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Thành Cổ Quảng Trị.

Vạch trần luận điệu xuyên tạc, xét lại lịch sử hòng thực hiện “Cách mạng màu - cách mạng trắng” ở Việt Nam

Nguyễn Tuấn Anh |

Sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng trong hơn 35 năm qua của đất nước ta tiếp tục giành được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, được đông đảo các quốc gia, bè bạn quốc tế ghi nhận và tôn vinh.