Ngày 19/3, khi đi trên tuyến Quốc lộ 9, đoạn qua xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị), chúng tôi bắt gặp nhiều người dân đang rao bán các sản vật của núi rừng nên dừng lại tìm hiểu.
Thấy khách, những người phụ nữ người Vân Kiều nhiệt tình chào bán chuối rừng, cây cỏ máu (huyết đằng hoặc huyết rồng)... Đáng chú ý, có nhiều loại động vật hoang dã bị nhốt trong những chiếc lòng sắt và túi lưới được treo lên cao, trong đó là những con sóc có kích thước to, nhỏ khác nhau. Thậm chí có cả 1 con sóc mẹ và đàn sóc con cũng bị bắt nhốt vào lồng. Những con sóc này được rao bán với giá từ 50 - 100 nghìn đồng.
Trong túi lưới lớn màu trắng khá lớn là 1 con chồn bạc má. Một người phụ nữ giới thiệu với khách con chồn này có trọng lượng khoảng 1,5 kg. Cạnh đó là một lồng sắt hình hộp chữ nhật nhốt 1 con dúi rừng đang hốt hoảng chạy loạn xạ. Khi được hỏi nguồn gốc của các loài động vật kể trên thì người phụ nữ này cho biết “bắt ở trong rừng”. Thấy khách có vẻ quan tâm, một người đàn ông từ phía sau nhà xách ra 1 túi lưới bên trong đựng nhiều con kỳ tôm rừng (rồng đất) để mời chào.
Tìm hiểu được biết, Điều 234 Bộ luật Hình sự quy định, động vật hoang dã là các loài động vật rừng thông thường và các loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Như vậy, động vật rừng thông thường cũng là động vật hoang dã. Hành vi buôn bán động vật hoang dã bị nghiêm cấm. Tùy thuộc tính chất, mức độ hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Vì vậy, trước thực trạng trên, ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương huyện Đakrông cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp săn bắt, nuôi nhốt, mua bán trái phép động vật hoang dã; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong viêc chung tay bảo vệ động vật hoang dã.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)