Thoát nghèo nhờ chương trình Tài chính vi mô

Đức Việt |

Với chiến lược hoạt động hướng tới hiệu quả xã hội, từ năm 2011 đến nay, chương trình Tài chính vi mô thuộc tổ chức Tầm nhìn Thế giới đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ thu nhập thấp và trẻ em hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) được vay với tổng số nguồn vốn vay hơn 132 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp cho các hộ vay đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế hiệu quả hơn và góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhằm tạo sinh kế cho các hộ dân, qua đó góp phần cải thiện an sinh trẻ em và kế thừa thành tựu của Chương trình vùng Hải Lăng, từ năm 2011, tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam đã triển khai chương trình Tài chính vi mô (TCVM) tại 9 xã trên địa bàn huyện Hải Lăng. Định hướng của chương trình là vì mục tiêu xã hội phi lợi nhuận theo hướng bền vững và tiếp tục hoạt động khi Chương trình vùng Hải Lăng kết thúc. Năm 2021, chương trình TCVM đã cung cấp vốn cho 1.350 hộ vay với số tiền hơn 21 tỉ đồng, nâng tổng số nguồn vốn vay từ năm 2011 đến nay là hơn 132 tỉ đồng. Cùng với việc được vay vốn phát triển sản xuất, các hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện Hải Lăng còn được tập huấn kiến thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kỹ năng xử lý chuồng trại sau dịch bệnh và được tham gia tập huấn nâng cao năng lực từ chương trình. Thông qua nguồn vốn vay và các lớp tập huấn, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Cán bộ chương trình Tài chính vi mô huyện Hải Lăng tập huấn giáo dục tài chính, trang bị kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế cho các hộ vay - Ảnh: Đ.V
Cán bộ chương trình Tài chính vi mô huyện Hải Lăng tập huấn giáo dục tài chính, trang bị kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế cho các hộ vay - Ảnh: Đ.V

Gia đình chị Nguyễn Thị Lệ Huyền ở thị trấn Diên Sanh là một trong những điển hình về phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ chương trình. Trước đây, gia đình chị Huyền thuộc diện hộ nghèo, chăn nuôi nhỏ lẻ. Do thiếu vốn, nhiều năm liền gia đình chị không thể mở rộng mô hình chăn nuôi nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, sau khi được chương trình TCVM hỗ trợ vay vốn ban đầu với số tiền 10 triệu đồng, gia đình chị đã đầu tư mua thêm giống lợn để chăn nuôi. Sau 10 tháng chị đã hoàn trả được món nợ này và tiếp tục đăng ký món vay cao hơn mua thêm giống gà, lợn, thức ăn chăn nuôi để mở rộng quy mô. Qua 6 vòng vay vốn với tổng số tiền hơn 110 triệu đồng, hiện nay chị đang phát triển mô hình chăn nuôi khá quy mô, thu nhập cũng nâng cao rõ rệt.

Chị Huyền cho biết, tại khu vực công thương nghiệp Khóm 5, thị trấn Diên Sanh phần lớn phụ nữ theo nghề buôn bán nhưng quy mô nhỏ lẻ, nguồn vốn ít nên khó mở rộng việc làm ăn. Cuối năm 2015, chương trình TCVM đến với chị em ở đây. Ban đầu nhiều người còn lúng túng, hoài nghi nhưng được cán bộ chương trình hướng dẫn, phân tích cặn kẽ nên mọi người đã nắm được mục tiêu của chương trình là phát triển cộng đồng toàn diện, giúp các hộ nghèo khó khăn phát triển kinh tế đạt sự bền vững, lâu dài, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em. Qua đó nhiều phụ nữ đã tiếp cận được nguồn vốn của chương trình. “Trước đây gia đình tôi chăn nuôi nhỏ lẻ nên thu nhập bấp bênh. Từ khi được vay vốn, việc chăn nuôi thuận lợi, quy mô phát triển hơn và lợi nhuận cũng được nâng lên nhiều hơn. Tôi rất cảm ơn chương trình đã hỗ trợ vay vốn kịp thời trong lúc khó khăn để giúp gia đình vươn lên”, chị Huyền chia sẻ.

Cũng được tạo điều kiện vay vốn từ chương trình, chị Nguyễn Thị Hà, làm nghề thợ may ở chợ Diên Sanh cho biết: “Trước đây tôi may ở nhà, nhiều lúc cũng muốn ra chợ đấu lô quầy để dễ phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên do thiếu vốn nên có lúc cũng tìm đến các nguồn vốn vay của cá nhân ở chợ nhưng phải trả lãi hằng ngày với mức cao, vì thế lợi nhuận thu lại không được là bao. Cuối năm 2015, khi được biết đến kênh vay không thế chấp từ chương trình TCVM qua chi hội phụ nữ thôn, tôi đã đăng ký vay 10 triệu đồng. Qua 10 tháng, tôi vừa làm vừa trả gốc lẫn lãi thấy rất thuận lợi nên tiếp tục đăng ký vay vốn vòng 2 là 15 triệu đồng để mua thêm vải, kim chỉ, nhận thêm hàng để may. Nhờ đó thu nhập từng bước được cải thiện, công việc làm ăn ngày càng thuận lợi”.

Ngoài được tạo điều kiện về nguồn vốn vay, chị Hà và các hộ vay còn được cán bộ chương trình hướng dẫn tiết kiệm chi tiêu để hoàn trả vốn hằng tháng một cách dễ dàng. Nhờ vậy đến nay, chị Hà đã vay tổng cộng 6 vòng với tổng số tiền 118 triệu đồng để phát triển, mở rộng tiệm may. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay gia đình chị Hà đã thoát nghèo, con cái được học hành đầy đủ, nhà cửa được sửa sang khang trang hơn.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Diên Sanh Trần Thanh Vinh cho biết, ở khu vực chợ trung tâm Diên Sanh, số hộ buôn bán nhỏ lẻ rất lớn. Trước đây, khi chưa có chương trình TCVM thì người dân chủ yếu vay mượn nhau, đáng lo ngại là đã có tình trạng vay nóng, vay từ “tín dụng đen” khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người vay cũng như gây khó khăn cho phát triển kinh tế địa phương. Trong một thời gian dài, chính quyền địa phương rất quan tâm đến thực trạng trên.

“Từ khi có chương trình TCVM của tổ chức Tầm nhìn Thế giới, UBND thị trấn đã phối hợp với Hội LHPN thị trấn tổ chức cho người dân địa phương, đặc biệt là các hộ buôn bán nhỏ lẻ sử dụng nguồn vốn này để đưa vào kinh doanh và hạn chế tối đa việc vay các nguồn vốn “tín dụng đen”. Qua 3 năm thực hiện, chúng tôi nhận thấy chương trình rất hiệu quả, góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn trong quá trình kinh doanh, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất nạn “tín dụng đen” xâm nhập vào địa bàn”, ông Vinh cho biết.

Có thể thấy rằng, chương trình TCVM không những mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn có tác động tích cực đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, nhất là trong việc giảm thiểu tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn.

Chia sẻ thêm về chương trình trong giai đoạn tiếp theo, anh Phạm Văn Toán, Trưởng chi nhánh chương trình TCVM huyện Hải Lăng cho biết: “Qua hơn 15 năm triển khai tại Việt Nam và 10 năm triển khai tại huyện Hải Lăng, từ những kết quả đạt được, chương trình TCVM luôn nỗ lực thay đổi để phù hợp với bối cảnh của địa phương cũng như nhu cầu của người dân; mang lại những giá trị tốt nhất cho các hộ dân tại các địa bàn mà chương trình triển khai. Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai và dịch bệnh như hiện nay, chương trình sẽ nghiên cứu thêm các sản phẩm cũng như thay đổi quy trình nhằm đáp ứng tốt nhất, kịp thời nhất nhu cầu của người dân. Các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực bao gồm giáo dục tài chính, tập huấn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, định hướng thị trường cũng sẽ được tăng cường và ưu tiên hơn cho người dân trong quá trình tham gia vay vốn của chương trình thời gian tới. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với đối tác địa phương trong quá trình triển khai chương trình nhằm đạt kết quả cao nhất và góp phần cùng huyện hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội”.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, chương trình TCVM huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn trên địa bàn các xã đã triển khai, đồng thời mở rộng thêm một số địa phương mới ngoài vùng dự án trong thời gian tới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cựu chiến binh huyện Hướng Hóa giúp nhau thoát nghèo

Trần Tuyền |

Trở về đời thường với những kiến thức, kỹ năng được học tập, rèn luyện trong quân đội, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và đồng đội, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã dám nghĩ dám làm, không quản ngại khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc.

Cựu chiến binh huyện Hướng Hóa giúp nhau thoát nghèo

Trần Tuyền |

Trở về đời thường với những kiến thức, kỹ năng được học tập, rèn luyện trong quân đội, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và đồng đội, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã dám nghĩ dám làm, không quản ngại khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc.

“Cầm tay chỉ việc” giúp phụ nữ vùng khó thoát nghèo

Ngọc Trang |

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có nhiều giải pháp tích cực trong việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, trên địa bàn xã ngày càng có nhiều chị em làm ăn hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thoát nghèo nhờ nuôi dê

Thục Quyên |

Với bản tính cần cù và ý chí vượt khó, sau gần 3 năm thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, chàng thanh niên dân tộc Vân Kiều Hồ Văn Ngui ở thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập từ 60 – 70 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn tấm gương khởi nghiệp cho nhiều thanh niên ở xã vùng cao Hướng Việt.