Trở về đời thường với những kiến thức, kỹ năng được học tập, rèn luyện trong quân đội, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và đồng đội, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã dám nghĩ dám làm, không quản ngại khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc.
Từ nhiều năm nay, người dân thôn Vây 2, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa luôn xem cựu chiến binh (CCB) Hồ Văn Đường (71 tuổi) là tấm gương sáng để noi theo. Ông Đường không chỉ là người có uy tín trong cộng đồng mà còn làm kinh tế giỏi, chăm lo tốt cho gia đình. Năm 1979, ông Đường rời quân ngũ, trở về quê hương lập gia đình, xây dựng cuộc sống mới. Mảnh đất mà gia đình ông sinh sống bây giờ trước đây là vùng đất hoang vu, bạt ngàn lau sậy. “Lúc bấy giờ, có sức trẻ và lòng quyết tâm nên tôi ngày đêm phát lau sậy, vỡ đất trồng cây. Những mảnh ruộng, rừng cây dần hiện rõ hình hài. Sau khi đã có nhà, có rừng, tôi đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi gia súc và đào ao thả cá. Qua thời gian, cuộc sống của gia đình tôi dần khấm khá hơn”, ông Đường chia sẻ.
Nhờ đức tính cần cù, chịu khó và có tư duy làm ăn tiến bộ nên kinh tế của gia đình ông Đường hiện nay vững nhất trong thôn. Hiện tại, gia đình ông Đường có 2 ha lúa nước, 7 ha vườn đồi, 1 hồ cá nước ngọt diện tích 800 m2, đàn bò 15 con và 1 con trâu. Ngoài ra, nhà ông còn có nhiều máy móc cơ giới phục vụ sản xuất. Không chỉ làm ăn giỏi, ông Đường còn tích cực vận động người dân trong thôn tập trung phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân thôn Vây 2 ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Chủ tịch Hội CCB huyện Hướng Hóa Trương Văn Duế cho hay: “Được sự hỗ trợ của hội CCB các cấp, thời gian qua nhiều gia đình CCB đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở rộng diện tích trồng trọt, phát triển trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao; trong đó, có nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế và tiêu thụ trong nước như chuối, hồ tiêu, cà phê, bời lời đỏ… Cùng với đó, nhiều hộ gia đình cũng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thành lập công ty, doanh nghiệp, nhà máy, tổ hợp sản xuất. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số hội viên ngày càng được nâng cao”.
Theo báo cáo của Hội CCB huyện Hướng Hóa, tính đến nay, tổng diện tích trồng cây cà phê trong gia đình hội viên trên 2.000 ha, cây lương thực có hạt 1.839 ha, diện tích trồng sắn 2.380 ha, hồ tiêu 8 ha. Ngoài ra, tại các xã Tân Long, Tân Thành, Thuận, Hướng Lộc, Hướng Tân, thị trấn Lao Bảo phát triển mạnh về diện tích trồng chuối; xã Lìa tiếp tục đầu tư, chăm sóc cây cao su tiểu điền với diện tích 320 ha; xã Hướng Lập tập trung trồng cây bời lời đỏ với diện tích 532 ha... Cùng với trồng trọt, hội viên CCB Hướng Hóa còn chú trọng phát triển đàn gia súc. Hiện gia đình hội viên toàn huyện có đàn trâu, bò trên 3.500 con, đàn lợn 11.379 con, đàn dê 1.035 con, gia cầm các loại 62.520 con...
Những năm qua, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã huy động được nhiều nguồn lực, phát huy tiềm năng, nâng cao năng lực sản xuất cho hội viên. Toàn hội hiện có 29 doanh nghiệp, 83 trang trại, tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.700 lao động. Hội CCB huyện thành lập Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi với 15 thành viên nhằm kết nối, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ngoài ra, hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Trong 5 năm qua đã giải ngân gần 36,4 tỉ đồng, huy động quỹ hội cho hội viên vay không lấy lãi 190 triệu đồng. Từ các nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho gia đình hội viên đầu tư xây dựng gia trại, trang trại chăn nuôi, trồng trọt, mở mang nhà xưởng, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và cửa hàng kinh doanh dịch vụ. Nhờ có kế hoạch, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nên có nhiều gia đình hội viên thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/năm, các chủ trang trại thu nhập từ 90 -120 triệu đồng/năm, doanh nghiệp có doanh thu từ 500 triệu đến hàng tỉ đồng/ năm. Nhiều CCB đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng sức lao động của mình.
Để hội viên nắm vững các kỹ thuật sản xuất, hằng năm Hội CCB Hướng Hóa phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế cho cán bộ, hội viên ở cơ sở như tập huấn về khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, mở mang trang trại, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, kinh doanh, dịch vụ… Hội cũng tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, hội viên và Nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới, vận động con cháu vượt qua khó khăn, chăm ngoan trong học tập.
Cùng với đó, chỉ đạo hội CCB ở cơ sở làm nòng cốt trong đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đóng góp xây dựng quỹ ngày vì người nghèo, quỹ khuyến học... Các cấp hội đã tích cực vận động các nhà tài trợ, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng được 6 ngôi nhà tình nghĩa, tình thương và nhà đồng đội cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà ở dột nát, tạm bợ.
Ông Trương Văn Duế cho biết thêm: “Sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016 - 2021, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, chung sức của cán bộ, hội viên và Nhân dân, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở huyện Hướng Hóa đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)