Cựu thanh niên xung phong nêu gương sáng làm giàu

Thu Hạ |

Sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho cách mạng, trở về với cuộc sống đời thường, các cựu thanh niên xung phong (TNXP) huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vẫn không ngừng nêu cao ý chí kiên cường, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Huyện Cam Lộ hiện có 532 hội viên cựu TNXP, sinh hoạt tại 7 tổ chức hội cơ sở và 1 chi hội trực thuộc. Thực hiện phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội”, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy tinh thần “tự lực, tự cường”, vượt khó vươn lên của các hội viên. Hằng năm, các cấp hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức; ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, phát triển cây trồng, vật nuôi; tổ chức các buổi thảo luận và tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả cho cán bộ, hội viên. Thường xuyên khảo sát đời sống của hội viên, xác định những trường hợp khó khăn nhằm kịp thời giúp đỡ thông qua việc gây quỹ tại chỗ, đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh… Phát huy tinh thần của thế hệ thanh niên một thời không tiếc máu xương vì sự nghiệp cách mạng, nhiều cựu TNXP đã nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, trở thành sợi dây gắn kết, là chỗ dựa vững chắc để những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên xây dựng cuộc sống.

Năng động trong phát triển kinh tế, mỗi năm gia đình cựu TNXP Nguyễn Cử có thu nhập gần 400 triệu đồng - Ảnh: H.T
Năng động trong phát triển kinh tế, mỗi năm gia đình cựu TNXP Nguyễn Cử có thu nhập gần 400 triệu đồng - Ảnh: H.T

Nói đến phong trào TNXP làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Cam Lộ, không thể không nhắc đến cựu TNXP Nguyễn Cử, ở thôn Ba Thung, xã Cam Tuyền. Tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn từ năm 1978, trải qua bao khó khăn, bằng ý chí và nghị lực vượt khó, ông Cử đã cùng với lực lượng TNXP địa phương, dân công, cán bộ và chiến sĩ các đơn vị quân đội vượt qua nắng lửa, bệnh tật, bom mìn còn sót lại dày đặc sau chiến tranh để hoàn thành nhiệm vụ đưa nước về tưới cho những vùng đất khát. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Cử trở về quê hương lập gia đình và bắt tay vào phát triển kinh tế. Năm 1996, được sự hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ, ông Cử tìm hiểu, nghiên cứu rồi vào miền Nam để mua sắm các loại máy móc phục vụ nông nghiệp, thực hiện ước mơ vươn lên làm giàu chính đáng. Qua nhiều năm, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, đến nay gia đình ông Cử đã sở hữu 3 chiếc máy làm đất nông nghiệp với tổng trị giá gần 700 triệu đồng, chuyên phục vụ vận chuyển, làm đất nông nghiệp cho người dân trong thôn và nhiều xã lân cận. Bên cạnh đó, từ năm 1999 - 2004, Dự án trồng rừng Việt - Đức và Dự án trồng rừng ADB được triển khai trên địa bàn xã Cam Tuyền. Cả vùng đất đồi hoang hoá được chia thành từng lô cho người dân trồng rừng với bình quân mỗi hộ khoảng 5 ha. Thời gian đầu với nhiều bỡ ngỡ, có không ít người dân trong thôn đã bỏ cuộc do thiếu kinh nghiệm hoặc không đủ sức để làm nhưng vợ chồng ông Cử vẫn quyết tâm bám trụ và mở mang, phát triển những cánh rừng trồng. Thành quả của những tháng ngày lao động miệt mài ấy đã cho “quả ngọt” ngày hôm nay là 30 ha rừng tràm tươi tốt cùng trang trại chăn nuôi bò sinh sản với tổng thu nhập gần 400 triệu đồng/năm…

Đến nay, trên địa bàn huyện Cam Lộ có 25 mô hình kinh tế tiêu biểu do cựu TNXP làm chủ, với thu nhập bình quân từ 150 - 300 triệu đồng/năm. Những mô hình kinh tế này đã tạo việc làm cho gần 100 lao động là con em cựu TNXP và người địa phương với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, từ nguồn quỹ “Nghĩa tình đồng đội” và nguồn xã hội hóa, hội đã trao tặng nhiều nhà tình nghĩa, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hội viên ốm đau, nữ TNXP neo đơn, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam vào các dịp lễ, tết… Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, hội đã trao tặng 70 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 24 triệu đồng; xây dựng 1 nhà tình nghĩa trị giá 40 triệu đồng; thực hiện có hiệu quả các mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện…

Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Cam Lộ Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Dù mỗi cựu TNXP có một cách làm giàu khác nhau, nhưng đây chính là kết tinh của trí tuệ, công sức, nghị lực và quyết tâm vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu của cựu TNXP. Trong thời gian tới, hội tiếp tục phát huy truyền thống của TNXP, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghĩa tình đồng đội, tạo điều kiện, động viên, khuyến khích hội viên, con em hội viên phát triển kinh tế. Với những thành tích đạt được, Hội Cựu TNXP huyện được các cấp chính quyền biểu dương, khen thưởng. Nổi bật là được Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước và hoạt động công tác hội”.

Ngọn lửa quyết chiến, quyết thắng năm nào vẫn luôn thôi thúc cựu TNXP huyện Cam Lộ không ngừng nỗ lực vượt khó để vươn tới cuộc sống ấm no, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cựu chiến binh làm giàu trên vùng cát quê hương

Thanh Lê |

Ở vùng biển bãi ngang quanh năm bời bời nắng gió, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngò, thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh khiến nhiều người nể phục bởi tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình.

Làm giàu trên đồng đất quê hương

Hiếu Giang |

Với sự cần cù, chịu khó học hỏi và luôn năng động trong làm ăn, đến nay anh Nguyễn Hữu Minh (40 tuổi), ở khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương, TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã tạo dựng được cho mình một trang trại nuôi tôm có quy mô khá lớn. Ngoài ra, gần đây anh còn kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống thủy sản… nên mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp

Ngọc Nhân |

Ở tuổi 50, anh Nguyễn Đông, hội viên nông dân thôn Tân Thuận, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa đã có quy mô trang trại chăn nuôi lợn khép kín cho thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Anh là một trong những tấm gương nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Làm giàu từ sứa biển

Thục Quyên |

Từ một người bán sứa thuê, với bản tính nhanh nhạy, ưa tìm tòi học hỏi, chị Nguyễn Thị Thiếc ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã thành công với mô hình làm sứa khô, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cơ sở chế biến thủy sản Nguyễn Thị Thiếc của chị không chỉ là nơi thu mua sứa cho ngư dân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.