Làm giàu trên đồng đất quê hương

Hiếu Giang |

Với sự cần cù, chịu khó học hỏi và luôn năng động trong làm ăn, đến nay anh Nguyễn Hữu Minh (40 tuổi), ở khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương, TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã tạo dựng được cho mình một trang trại nuôi tôm có quy mô khá lớn. Ngoài ra, gần đây anh còn kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống thủy sản… nên mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Chớm trưa tháng 6 nắng nóng oi bức, khi chúng tôi ghé thăm trang trại của anh Minh nằm ở khu phố Vĩnh Phước, đoạn tiếp giáp cầu Đại Lộc, vẫn thấy anh nhễ nhại mồ hôi kiểm tra mực nước, nhiệt độ, tình trạng con giống trong hồ. Anh cho biết đó là công việc thường xuyên trong ngày bởi “nuôi tôm như nuôi con mọn” vậy. Tranh thủ phút nghỉ ngơi, anh kể về cơ duyên của mình với nghề nuôi tôm. Năm 2003, anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng, sau đó ra làm việc cho một doanh nghiệp thương mại lớn ở tỉnh Quảng Trị. Một thời gian sau, anh Minh tiếp tục theo học lên bậc đại học ở Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ngành tài chính và tốt nghiệp năm 2009. Dù đang có một công việc tốt, thu nhập ổn định song anh Minh bất ngờ quyết định xin nghỉ việc vào năm 2011 để chuẩn bị thực hiện một kế hoạch khác. Trong thời gian đầu nghỉ việc, anh làm kế toán thời vụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đến năm 2013 thì chính thức nghỉ hẳn các công việc bên ngoài để tập trung làm trang trại nuôi trồng thủy sản. “Thực ra ngay từ năm 2004, tôi và anh trai tôi học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản vừa ra trường đã tiến hành khảo sát và đào ao đầu tiên để nuôi tôm rồi. Từ đó đến năm 2009, anh em tôi nuôi tôm sú. Bắt đầu từ năm 2009 đến nay thì chúng tôi nuôi tôm thẻ chân trắng. Thời điểm tôi còn làm bên doanh nghiệp thì không có nhiều thời gian tập trung cho việc nuôi tôm. Từ ngày nghỉ việc đến nay, tôi đã kế thừa và phát triển trang trại của mình lên quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn”, anh Minh cho biết.

Bể nuôi thử nghiệm cá dìa của anh Nguyễn Hữu Minh -Ảnh: Đ.V
Bể nuôi thử nghiệm cá dìa của anh Nguyễn Hữu Minh -Ảnh: Đ.V

Anh Minh kể, thời điểm năm 2004 khi bắt đầu đầu tư nuôi tôm, tuy vất vả, thiếu vốn, kỹ thuật chưa nhiều nhưng với ý chí và niềm tin vào mô hình này, anh cùng với anh em trong gia đình vẫn quyết tâm theo đuổi nghề nuôi tôm trên địa bàn khu phố Vĩnh Phước. Những năm đầu theo nghề nuôi tôm dù gặp không ít khó khăn nhưng được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, các ngành chức năng về chính sách, kỹ thuật, vốn nên việc nuôi tôm của anh và gia đình dần đi vào ổn định. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay khu trang trại nuôi tôm của anh Minh đã mở rộng lên 8 hồ với tổng diện tích 2,5 ha. Những năm gần đây, nhờ chịu khó học hỏi và qua quá trình nuôi thực tế, anh Minh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi mới để áp dụng vào trang trại của mình. Nhờ đó hiệu quả nuôi của trang trại được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2016, với cách nuôi truyền thống, chưa áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất, sản lượng tôm nuôi của anh Minh chỉ đạt 20 - 21 tấn/ha/năm. Đến năm 2018, nhờ chính sách hỗ trợ mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn và áp dụng các phương pháp nuôi mới với mật độ cao nên sản lượng thu hoạch được nâng lên khoảng 24 - 25 tấn/ha/năm. Đến năm 2019 nhờ được hỗ trợ trang thiết bị, anh Minh tiếp tục đăng ký xây dựng trang trại đạt chuẩn VietGAP trong quy trình nuôi tôm. Từ đó không chỉ sản lượng tăng lên mà giá trị tôm nuôi của gia đình cũng tăng theo nhờ quy trình nuôi tôm sạch không hóa chất, không chất kháng sinh… Cụ thể, năm 2019 sau khi xây dựng trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAP thì sản lượng đạt 25 tấn/ha/năm, giá trị ước đạt 160 triệu đồng/tấn.

Công việc nuôi tôm thuận lợi và đạt hiệu quả đã tạo đà cho anh Minh mở rộng thêm việc kinh doanh từ năm 2020. Có được cơ sở sản xuất tốt cùng với khả năng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ra thị trường các vùng lân cận, anh Minh đã mạnh dạn đầu tư cơ sở, nhà kho, ký hợp đồng với Tập đoàn Thăng Long và một số công ty khác để làm nhà phân phối thức ăn, thuốc thú y, giống thủy sản. Bước đầu, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã tin tưởng sử dụng các sản phẩm do cơ sở của anh Minh cung cấp. Năm 2020, số lượng cung ứng thức ăn, thuốc thú y, giống thủy sản đạt khoảng 150 tấn, doanh thu đạt khoảng 5 tỉ đồng. Ngoài cung cấp các dịch vụ, cơ sở của anh Minh còn hỗ trợ kỹ thuật nuôi, hướng dẫn vệ sinh ao nuôi, xử lý nguồn nước, kiểm soát con giống, phòng ngừa bệnh và hỗ trợ bao tiêu đầu ra…cho các hộ nuôi tôm thật sự tâm huyết với nghề. Ngoài nuôi tôm, mới đây anh Minh còn nuôi thử nghiệm 8.000 con giống cá dìa, 3.000 cua giống và các loại con nuôi này đều đang phát triển tốt, dự kiến cuối tháng 6/2021 sẽ cho thu hoạch.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, hằng năm cơ sở sản xuất, kinh doanh của anh Nguyễn Hữu Minh còn giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp

Ngọc Nhân |

Ở tuổi 50, anh Nguyễn Đông, hội viên nông dân thôn Tân Thuận, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa đã có quy mô trang trại chăn nuôi lợn khép kín cho thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Anh là một trong những tấm gương nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Làm giàu từ sứa biển

Thục Quyên |

Từ một người bán sứa thuê, với bản tính nhanh nhạy, ưa tìm tòi học hỏi, chị Nguyễn Thị Thiếc ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã thành công với mô hình làm sứa khô, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cơ sở chế biến thủy sản Nguyễn Thị Thiếc của chị không chỉ là nơi thu mua sứa cho ngư dân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Quyết chí làm giàu từ mô hình nuôi dê thâm canh

Anh Vũ |

Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, phát huy lợi thế vùng gò đồi, những năm qua, nhiều nông dân ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tập trung khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, lấy chăn nuôi làm khâu đột phá trong cung cách làm ăn của mình để nâng cao thu nhập. Trong đó, mô hình chăn nuôi dê thâm canh có quy mô lớn của anh Lê Văn Chương, một nông dân còn rất trẻ ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính là một trong những điển hình với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tấm gương người phụ nữ Vân Kiều vượt khó làm giàu

Nguyễn Đình Phục |

Những năm qua, hưởng ứng phong trào phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đặc biệt là phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng khó đã nỗ lực vượt khó làm giàu từ tiềm năng, lợi thế của quê hương. Chị Hồ Thị Hoa, thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt là một điển hình như thế.