Từ một người bán sứa thuê, với bản tính nhanh nhạy, ưa tìm tòi học hỏi, chị Nguyễn Thị Thiếc ở thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã thành công với mô hình làm sứa khô, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cơ sở chế biến thủy sản Nguyễn Thị Thiếc của chị không chỉ là nơi thu mua sứa cho ngư dân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề làm sứa khô, chị Thiếc cho biết, trong một chuyến mang hàng đầu cá khô ra tỉnh Thái Bình bán, chị hết sức bất ngờ khi thấy ở đây người ta thu mua và chế biến con sứa biển thành sứa khô để xuất khẩu. Với bản tính nhanh nhạy, chị lập tức ký hợp đồng làm tiếp thị sản phẩm sứa khô tại Quảng Trị và là đầu mối thu mua sứa của ngư dân để nhập cho thương lái. Sau gần 1 năm bán sản phẩm, chị nhận thấy con sứa đã qua chế biến bán rất chạy, nghĩ đến nguồn nguyên liệu sứa dồi dào tại địa phương, chị quyết định mở cơ sở chế biến sứa khô để phát triển kinh tế gia đình. “Thị trường tiêu thụ sứa khô tại địa phương khá lớn. Nhu cầu bán sứa của ngư dân cũng rất nhiều nhưng do phải vận chuyển xa nên tỉ lệ hao hụt khá lớn. Do vậy, tôi luôn trăn trở phải chế biến được con sứa biển ngay tại địa phương để tiêu thụ hết sản lượng đánh bắt của ngư dân”, chị Thiếc chia sẻ.
Nghĩ là làm, sau khi thu xếp công việc, cuối năm 2012, chị Thiếc tìm đến các cơ sở sản xuất sứa khô tại Thái Bình, Thanh Hóa để học nghề chế biến, đóng gói sứa biển. Sau khi nắm vững kỹ thuật, đầu năm 2013, với số tiền 300 triệu đồng vay của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chị bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, mua máy móc mở cơ sở chế biến sứa khô ngay tại xã Gio Việt. Chị Thiếc cho biết, gọi là sứa khô nhưng thực chất là sứa biển được tách hết nước. Công nghệ để biến những con sứa trôi dạt trên bờ biển trở nên trắng, giòn… rất đơn giản. Sứa biển thu mua về được cắt riêng phần đầu và phần thân. Phần đầu được cho vào máy xay cắt thành từng sợi dài đều nhau; còn phần thân được cắt thủ công bằng dao nhưng cũng phải đều sợi. Sau đó đưa vào bể quay sử dụng mô tơ điện gắn với các cánh quạt để trộn sứa. Sứa biển được quay liên tục trong 10 - 12 giờ để tách nước ra khỏi thân sứa. Sứa biển sau khi tách nước được đưa vào các bể muối, lúc này muối và phèn chua được đưa vào từ từ trong 5 - 7 ngày để con sứa sạch, cứng, trắng hơn, khử bỏ mùi tanh hoàn toàn.
Theo chị Thiếc, công đoạn muối sứa là hết sức quan trọng. Muối phải được đưa vào từ từ và trộn đều liên tục sao cho khi nước trong bể đạt 24 độ mặn là đạt yêu cầu. Tuyệt đối không được nôn nóng mà cho quá nhiều muối vào một lần vì sẽ làm sứa bị hỏng. Sứa sau khi muối đạt tiêu chuẩn thì được đưa vào các bể chứa và tùy theo nhu cầu của đơn hàng mà giảm độ mặn cho phù hợp, đóng gói đưa đi tiêu thụ. “Do thân sứa có đến 90% là nước nên chỉ sau vài giờ khi thu hoạch mà không sơ chế nhanh thì sẽ bị hỏng. Vì vậy, vào mùa thu hoạch sứa, cơ sở của tôi phải thuê thêm gần 20 người để kịp chế biến. Cứ 10 kg sứa tươi thì được 1 kg sứa khô. Sứa ngon là khi chế biến xong phải trong, cứng, đem soi lên ánh mặt trời phải thấy các ống nước li ti đang di chuyển bên trong một cọng sứa trắng”, chị Thiếc cho hay.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào, quy trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm “Sứa Cửa Việt” của chị Thiếc được thị trường ưa chuộng. Trong các năm từ 2013 - 2015, mỗi năm cơ sở của chị sản xuất từ 40 - 60 tấn sứa khô, tương đương từ 400 - 600 tấn sứa tươi. Sau khi trừ chi phí, chị thu lãi trên 1 tỉ đồng. Để có đủ nguyên liệu chế biến, ngoài nguồn sứa do ngư dân đánh bắt tại địa phương chị còn thu mua sứa từ Thanh Hóa vào. Công việc đang tiến triển thì năm 2016, xảy ra sự cố môi trường biển, cơ sở của chị bị tồn lại gần 20 tấn sứa khô đã chế biến buộc phải tiêu hủy, thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Không nản chí, chị chuyển hướng sang sản xuất cá khô, tép khô, ruốc biển, mắm cá rò, làm tương ớt, trồng nấm… Từ năm 2018 đến nay, khi môi trường biển ổn định, chị tiếp tục bắt tay vào sản xuất sứa khô trở lại với sản lượng bình quân từ 5 - 25 tấn mỗi năm. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm sứa Cửa Việt được mở rộng, không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế… Ngoài các thành viên trong gia đình, cơ sở của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động và gần 20 lao động thời vụ với mức tiền công từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làm giàu cho mình, chị Thiếc còn rất tích cực chia sẻ kinh nghiệm chế biến hải sản, bí quyết làm giàu, hỗ trợ vốn cho nhiều chị em khác có nhu cầu phát triển nghề. Mới đây, bộ sản phẩm sứa Cửa Việt và ruốc Hoàng Việt của cơ sở chị đã được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020. Đây chính là động lực để chị tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)