Trẻ em với tư cách là những công dân nhỏ tuổi của đất nước, được xếp vào đối tượng đặc thù, được pháp luật ghi nhận và bảo vệ trong quá trình thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Trẻ em có những quyền của một công dân, được thừa nhận và tham gia vào nhiều hoạt động trong đời sống xã hội.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Nhiều văn bản pháp luật quan trọng khác về bảo vệ trẻ em đã được ban hành như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giáo dục, Luật Thanh niên, Luật Nuôi con nuôi và đặc biệt là Luật Trẻ em năm 2016.
Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương với 106 điều. Theo quy định từ Điều 12 đến Điều 34, Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em có các quyền cơ bản như: Quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển. Trẻ em có quyền được khai sinh, được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh, được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện. Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân, được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.
Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục - thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi; được tôn trọng đặc điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hóa dân tộc; có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình; có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.
Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục; không bị bóc lột sức lao động; có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em; có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.
Trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang. Có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm, thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực.
Có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng...
Bên cạnh đó, một chính sách về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đã được Nhà nước cụ thể hóa và ban hành, như Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Kế hoạch số 159-KH/TU ngày 28/6/2024 của Tỉnh ủy Quảng Trị đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trong đó nhấn mạnh phải thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách, pháp luật về trẻ em; đảm bảo nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Trước hết phải nâng cao chất lượng việc thực hiện các chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục - thể thao, du lịch, tạo sự đồng bộ, phát triển liên tục từ những năm đầu đời đến khi trưởng thành của trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi; phát triển hệ thống phúc lợi, dịch vụ xã hội cho trẻ em theo hướng liên thông, chất lượng, thuận lợi trong tiếp cận. Xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện, bảo đảm cho trẻ em có cơ hội phát triển về thể chất, tinh thần, nhân cách, tài năng, trí tuệ.
Mặt khác, cần rà soát, bố trí, phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn huy động, vận động hợp pháp khác để thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến trẻ em, bảo đảm đúng các quy định về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục - thể thao cho trẻ em, nhất là ở địa bàn KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển, đảo.
Tăng cường xã hội hóa, khuyến khích, huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, xã hội tham gia, phối hợp thực hiện tốt các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tất cả đều hướng tới mục tiêu phát triển thế hệ tương lai gắn với phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phù hợp với yêu cầu thực tế về phát triển KT-XH của địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)