Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tỉnh Quảng Trị luôn tổ chức thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và vận động toàn dân tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào đền ơn đáp nghĩa.
Sau chiến tranh, cùng với việc tập trung phát triển sản xuất để phục hồi kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị chú trọng và thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Đồng thời, tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa với nội dung và hình thức đa dạng, tạo sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 140.000 người có công với cách mạng đã được xác nhận, trong đó 19.173 liệt sĩ, 12.125 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 3.089 bệnh binh, 2.833 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH); 77.400 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến, 14.631 người có công, 4.533 người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được giải quyết trợ cấp ưu đãi và hàng chục nghìn người là các đối tượng có công với cách mạng khác. Tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp cho gần 18.400 người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng số tiền chi trả gần 32 tỉ đồng/tháng. Công tác chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng người có công với cách mạng được quan tâm, trung bình hằng năm có trên 6.300 đối tượng người có công và thân nhân của họ được hưởng chế độ điều dưỡng chăm sóc sức khỏe với tổng kinh phí gần 8 tỉ đồng/ năm. Từ năm 2020 đến nay, do COVID-19 diễn biến phức tạp, đa số người có công là người cao tuổi, bị bệnh tật nên công tác chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng tập trung trong và ngoài tỉnh không thực hiện được mà đa số thực hiện chế độ điều dưỡng tại gia đình.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh có những hoạt động thiết thực, ưu tiên người có công và thân nhân như tạo điều kiện để gia đình các thương binh nặng sớm ổn định chỗ ở như giao đất ở tại những vị trí thuận tiện cho sản xuất-kinh doanh, giúp đỡ thương binh, bệnh binh nặng và gia đình có việc làm phù hợp. Nhờ vậy, đến nay 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Các phong trào tình nghĩa ở tỉnh được đẩy mạnh trong toàn dân, trở thành một hoạt động chính trị-xã hội rộng lớn, mang tính xã hội hóa cao. Tiêu biểu là phong trào vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ năm 2007 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã huy động được 135 tỉ đồng, hỗ trợ xây mới 2.366 nhà ở và sửa chữa 1.412 nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng với tổng kinh phí hỗ trợ là 119 tỉ đồng; sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh 12 tỉ đồng. Đặc biệt, chương trình nhận phụng dưỡng Bà mẹ VNAH được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc. Toàn tỉnh có 2.833 bà mẹ được Nhà nước phong và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Hiện nay, có 30 Bà mẹ VNAH còn sống được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụng dưỡng và có cuộc sống vật chất, tinh thần ổn định. Nhiều chế độ ưu đãi đối với người có công trong lĩnh vực y tế, giáo dục…cũng được tỉnh thực hiện tốt.
Công tác chăm sóc mộ và nghĩa trang liệt sĩ được tỉnh chú trọng thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia. Các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, tôn tạo ngày càng khang trang hơn. Từ năm 2012-2022, nguồn ngân sách trung ương, các địa phương và nguồn xã hội hóa đầu tư, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh là 173,8 tỉ đồng. Vào các dịp lễ, Tết, đặc biệt là Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, các phần mộ liệt sĩ đều được dâng hoa, dâng hương, nhiều nơi tổ chức chương trình thắp nến tri ân. Riêng từ năm 2014- 2022, từ nguồn vận động được của các tổ chức, cá nhân và từ nguồn ngân sách, thực hiện chương trình “Thắp nến tri ân và hoa dâng mộ liệt sĩ” vào dịp 27/7 hằng năm với tổng kinh phí 5,5 tỉ đồng. Tỉnh còn tập trung làm tốt công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ, từ năm 1988 đến nay đã quy tập, truy điệu và an táng 8.953 mộ liệt sĩ, trong đó: 5.421 mộ liệt sĩ quy tập tại nước bạn Lào; thực hiện đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ 1.295 mộ; thực hiện lấy 718 mẫu ADN giám định xác định danh tính liệt sĩ; xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng 242 mộ liệt sĩ; di chuyển 1.696 mộ liệt sĩ về quê an táng.
Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện công tác chăm sóc người có công, đưa hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ này vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền ở địa phương. Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban ngành và địa phương trong thực hiện công tác chăm lo người có công với cách mạng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, phát huy vai trò giám sát của HĐND, mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp. Kịp thời nêu gương, động viên, tôn vinh, nhân rộng những tấm gương thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng khắc phục khó khăn, tích cực tham gia lao động, sản xuất; biểu dương những cá nhân, tập thể, doanh nghiệp có đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc người có công, phong trào đền ơn đáp nghĩa. Triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công”. Thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công và thân nhân người có công.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)