Xác định tầm quan trọng của việc hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, những năm qua Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Sự đồng hành, quan tâm, hỗ trợ khởi nghiệp tích cực từ Hội LHPN tỉnh đã giúp hàng chục nghìn hội viên khởi nghiệp thành công, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững...
Hội LHPN tỉnh đã chủ động liên kết, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương mở nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề để hội viên phụ nữ tìm kiếm việc làm, tự tin khởi nghiệp. Hội LHPN tỉnh cùng các cấp hội cơ sở luôn đồng hành, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích các hội viên trong việc xây dựng ý tưởng, lập kế hoạch kinh doanh, nâng cao kỹ năng bán hàng, giới thiệu sản phẩm, quản trị doanh nghiệp và sử dụng các kênh kỹ thuật số.
Hội LHPN tỉnh cùng các cấp hội cơ sở đã làm cầu nối giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay để khởi nghiệp; xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay giúp phụ nữ khởi nghiệp thành công như: “Ngân hàng con giống”; Quỹ “Phụ nữ phát triển kinh tế”; hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất. Ngoài việc đưa ra nhiều giải pháp khuyến khích hội viên có ý tưởng sáng tạo, phát huy nội lực để khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh cùng các cấp hội cơ sở đã tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các gia trại, trang trại, tổ hợp tác do hội viên làm chủ. Trong 5 năm qua, các cấp hội đã giúp đỡ cho 20.397 hộ gia đình, đỡ đầu 16.509 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Nhờ sự giúp đỡ đó nên có 3.378 hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo.
Thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng có nghề làm bánh chưng, bánh tày, bánh tét mặt trăng nổi tiếng nên chị Hoàng Thị Kim Cúc đã nung nấu ý định thành lập một cơ sở sản xuất. Năm 2018, Hội LHPN xã Hải Thượng đã kết nối với các nguồn vốn vay ưu đãi để giúp chị Cúc vay số tiền 70 triệu đồng mở cơ sở sản xuất bánh chưng, bánh tét mặt trăng. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở làm bánh của chị Cúc xuất bán khoảng 6.500 cặp bánh các loại thu lãi hơn 10 triệu đồng. Vào mùa cao điểm, cơ sở của chị luôn có từ 8-10 nhân công làm việc, trong đó chủ yếu là phụ nữ. Chị Cúc cho biết: “Nghề này khá nhẹ nhàng so với làm nông. Mỗi ngày các chị làm 4 giờ, tiền công từ 100- 120 nghìn đồng/người”. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đại An Khê, chị Cúc đã giúp đỡ, kết nối, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho rất nhiều chị em hội viên và nhiều người trong số đó đã vươn lên thoát nghèo.
Sinh ra và lớn lên trên miền quê nổi tiếng với nghề trồng cây dược liệu nên từ nhỏ chị Mai Thị Thủy (41 tuổi), ở thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đã quen với việc nấu cao dược liệu và nung nấu ý tưởng khởi nghiệp bằng nghề này. Ở tuổi đôi mươi, chị Thủy đã bắt đầu khởi nghiệp bằng việc nấu cao lá vằng. Sản phẩm làm ra được khách hàng đánh giá tốt nên chị Thủy đã dần mở rộng thị trường.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, chị Thủy bắt đầu mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, đồng thời theo học lớp Trung cấp Đông y để hiểu sâu hơn về công dụng của các loại cây dược liệu. Năm 2016, Hội LHPN tỉnh kết nối với Sở Công thương hỗ trợ cho cơ sở sản xuất của chị một hệ thống máy sản xuất trị giá trên 200 triệu đồng. Đó là sự giúp đỡ kịp thời, thiết thực và tiếp thêm động lực để chị Thủy nỗ lực hơn trong sản xuất. Nhờ công việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, năm 2017 chị mạnh dạn vay thêm vốn để thành lập Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy.
Để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, chị Thủy thuê 10 ha đất trồng các loại cây dược liệu và hợp đồng thu mua cây dược liệu với 50 hộ dân trong vùng. Hiện nay, công ty của chị Thủy giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 nhân công với mức lương từ 4,5-6 triệu đồng/người/ tháng và khoảng 50 nhân công thời vụ với mức thu nhập khá cao. Nhiều năm qua, UBND huyện Cam Lộ, Hội LHPN các cấp đã kết nối các đoàn khách đến tham quan, học hỏi, mua sắm các sản phẩm dược liệu tại công ty của chị Thủy. Hiện nay, hơn 40 loại sản phẩm do công ty của chị Thủy sản xuất được bán khắp các thị trường trong nước, thu về nguồn lãi ròng 2 tỉ đồng/năm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)